Một buổi sinh hoạt chuyên môn của các nữ bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện. (Ảnh: Trương Uyên Cường)

Tôi là Trung tá Lê Ngọc Sơn, kết thúc nhiệm kỳ Quan sát viên quân sự tại căn cứ Aweil, bang Northern Bahr El Ghazal, Nam Sudan vào cuối tháng 12/2020. Trước khi về nước, tôi đã đến Bentiu thăm Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam. Do phải di chuyển 4 chặng bay mới tới được căn cứ Bentiu và các chuyến bay có nhiều thay đổi do tình hình dịch bệnh, nên tôi không thông báo trước với Bệnh viện về chuyến thăm.

Tới Bentiu, sau khi thay toàn bộ trang phục đi đường, thực hiện các biện pháp vệ sinh, đeo khẩu trang để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, tôi sang thăm bệnh viện luôn.

Lúc đó khoảng 5h chiều, cổng chính của bệnh viện còn mở. Sau một hồi đứng lặng người nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay ngay cạnh cổng bệnh viện và dòng chữ Bệnh viện cấp 2 Việt Nam, tôi nhanh chân bước vào. Tuy nhiên, tôi đã bị ngăn lại bởi một giọng nữ nhỏ nhẹ nhưng đầy uy lực “Thưa ông! Mời ông đi lối này để kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn và đăng ký sổ trước khi vào đơn vị”.

Nhìn về phía phòng trực, nhận ra người vừa lên tiếng chính là Thiếu tá Phạm Thị Thanh Hoa, điều dưỡng Phòng khám, tôi đáp lại bằng tiếng Việt. Chị Hoa reo lên khi nhận ra và biết tôi đến thăm bệnh viện, nhưng không quên hướng dẫn tôi thực hiện đúng quy trình, mới cho vào đơn vị.

Thấy tôi hỏi về việc trực ban ở cổng, Thiếu tá Đoàn Kim Cúc, bác sĩ Khoa nội cho biết: “Ở đây ngoài thời gian khám, điều trị cho bệnh nhân, trực bệnh viện, thì mọi người đều thực hiện thêm nhiệm vụ trực ban ở cổng. Chị em nữ được ưu tiên không phải tham gia hoạt động trực này.

Tuy nhiên, thấy anh em Bệnh viện vất vả do công việc nhiều, căng thẳng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, nên chị em tụi em đã tình nguyện, đề nghị được tham gia trực để chia sẻ gánh nặng với các anh. Chúng em chỉ trực ban ngày, mỗi ca trực do một người đảm nhiệm trong 4 tiếng.

Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, nhiều nguy cơ lây nhiễm, nên người thực hiện trực ban ở cổng sẽ kiêm phân loại bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân hay khách vào đơn vị đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, nếu phát hiện có sốt thì thông báo để đưa vào khu cách ly ngay. Công việc này đòi hỏi phải thực hiện nhanh, tránh tiếp xúc lâu”.

Bác sĩ Quản Thu Thủy khám bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh: Trương Uyên Cường)

Vào thứ Bảy, Chủ nhật, các khoa,ban thay nhau xuống phụ bếp. “Có chị em phụ bếp, các món ăn cũng được bày biện đẹp mắt hơn, nên hay được các anh em cổ vũ”, Thiếu tá Cao Thùy Dung, điều dưỡng trưởng, vui vẻ nói.

Thượng úy Đồng Thị Hưng, điều dưỡng Khoa ngoại chia sẻ: “Khi tới Bentiu, ấn tượng đầu tiên của tụi em về Nam Sudan là đất nước nghèo. Lần đầu tiên em nhìn thấy sân bay chỉ là một bãi đất trống. Thời tiết ở đây quá khắc nghiệt, trên con đường bên cạnh sân bay chỉ thấy những đám bụi lớn cuộn cao mỗi khi ô tô chạy qua. Nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhiều, ban đêm có khi xuống 18ºC, nhưng ban ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 50ºC, làm da khô nứt nẻ”.

Cả 10 chị em đều đã lập gia đình. Mỗi khi có bệnh nhân, tất cả lại như vào cuộc chiến, làm việc quên mệt mỏi, tất cả chỉ mong điều trị tốt nhất để họ sớm hồi phục. Tuy vậy, ngoài giờ làm việc, các chị em không khỏi những giây phút nhớ gia đình. Sau khi Thiếu tá Ngô Kim Thoa, điều dưỡng phòng mổ, sang Nam Sudan, cả chồng và con ở nhà đều bị sốt xuất huyết. Chồng và con lớn nằm viện, con nhỏ gửi hàng xóm.

Là người làm trong ngành y mà không chăm sóc được chồng con lúc ốm đau, chị Thoa sốt ruột lắm. Nhưng việc liên lạc về nhà gặp nhiều khó khăn do hạ tầng mạng tại Nam Sudan hạn chế, thường chập chờn và mỗi tháng giới hạn chỉ được dùng 2GB. Chị liên tục nhìn điện thoại để “phục”, chờ khi có mạng là gọi về nhà.

Do múi giờ lệch nhau 4 tiếng, hết giờ làm việc tại Nam Sudan thì ở Việt Nam cũng đã muộn. May mắn, các chị đều được chồng và con ở nhà thấu hiểu, chia sẻ, động viên để yên tâm làm nhiệm vụ.

Ngoài giờ làm việc, chị em lại cặm cụi bên vườn rau, luống lạc. (Ảnh: Trương Uyên Cường)

Có chị em chia sẻ, con đến tuổi dậy thì, tính khí thay đổi, cần theo dõi sát sao nên sốt ruột khi đi xa. Khi Thiếu tá Quản Thu Thủy, bác sĩ Phòng khám, gọi điện về nhà, cậu con trai đang học lớp 8 nói với mẹ: “Ở nhà, cơm bố nấu không ngon bằng mẹ nấu. Mà dạo này con bị nghén, không ăn được mẹ ạ”.

Nghe con nói mà thương con đứt ruột. Vắng mẹ là bố con ở nhà thiếu đi những bữa ăn ngon.

Do dịch bệnh, bệnh viện thắt chặt quản lý để đảm bảo an toàn. Tất cả nhân viên của Bệnh viện chỉ được ra khỏi đơn vị khi thực hiện công vụ.

“Để vơi đi nỗi buồn, có thêm rau xanh và làm đẹp đơn vị, chị em đều trồng rau, trồng hoa”, Thiếu tá Tạ Thị Kiều Hoa, điều dưỡng Khoa nội, chia sẻ.

Tất cả chị em ai cũng giỏi làm giá đỗ, muối dưa. Đại úy Lê Thị Hồng Vân, bác sĩ Khoa sản và Thiếu tá Quản Thu Thủy còn tham gia cùng các anh trong bệnh viện đóng bàn ghế học sinh tặng một trường tiểu học ở khu vực Bentiu.

Dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bị thắt chặt quản lý và làm việc căng thẳng hơn do đại dịch Covid-19, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi các chị. Thiếu tá Bạch Thị Thúy Hằng, điều dưỡng Phòng mổ cho biết: “Chúng em vẫn lạc quan để có sức chiến đấu và cũng để gia đình ở nhà yên tâm. Là phụ nữ, chúng em rất thích làm đẹp và lưu lại những khoảnh khắc thanh xuân”.

Quả đúng như vậy, chị em vẫn trẻ trung, nhiệt huyết, vẫn thích tạo dáng, thích chụp hình. Những bức ảnh các chị lưu lại thường là những khoảnh khắc bên cạnh những luống rau xanh, vườn hoa tươi, hay đơn thuần chỉ là khóm cỏ dại trong đơn vị. Nhưng, có lẽ vị trí chị em yêu thích nhất khi chụp ảnh là cổng chính, nơi ấy có hàng chữ BỆNH VIỆN CẤP 2 VIỆT NAM trên tấm biển được treo ngay cạnh lá cờ Tổ quốc.

Dưới lá cờ Tổ quốc, bên cạnh tấm biển của bệnh viện, dù con đường đầy bụi nhưng là điểm chụp ảnh yêu thích của chị em. (Ảnh: Trương Uyên Cường)

Người tiễn tôi ra cổng là Thiếu tá Đào Thị Lệ Thủy, điều dưỡng Khoa nội, đang trong ca trực. Chị dặn tôi phải nhớ luôn đeo khẩu trang, trong túi cần có chai nước sát khuẩn… và mong tôi có thể quay lại thăm bệnh viện nếu còn có điều kiện.

Tôi rời Bệnh viện khi căn cứ Bentiu đang chìm dần vào bóng tối. Trên đường, những cuộn bụi cuốn mù trời. Phía sau, 10 'bông hoa' của Bệnh viện vẫn đang rực rỡ, tỏa hương.

Tháng 11/2019, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS). Bệnh viện có biên chế 63 người. Trong 10 nữ quân nhân của bệnh viện có 3 bác sĩ và 7 điều dưỡng.

Cho tới nay, Bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 1.700 bệnh nhân, vận chuyển đường không 9 bệnh nhân và thực hiện 29 ca phẫu thuật (trong đó có 11 ca phẫu thuật lớn).

Đây là những con số ấn tượng, thể hiện khả năng, tinh thần trách nhiệm, uy tín của Việt Nam đối với nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nữ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện.

Theo baoquocte