Trời mỗi lúc một tối. Con đường dẫn vào Wajima, tỉnh Ishikawa cũng trở nên khó đi hơn. Ngồi trên chiếc xe tải 1 tấn chở đầy nước uống, đồ ăn nhanh, Thành Được (34 tuổi) bồn chồn không yên. Theo thông tin anh hỏi được, 7 nữ thực tập sinh người Việt mất liên lạc trong trận động đất ngày 1/1 vừa qua đang tạm trú tại khu nhà cộng đồng ngay trước mặt.

Vào tâm chấn...

leftcenterrightdel
Động đất tại Ishikawa khiến nhiều công trình bị đổ nát. (Ảnh: Thành Được) 

15 năm sinh sống tại miền trung Nhật Bản, Nguyễn Chí Thành Được không lạ với những trận động đất trên vành đai "lửa" Thái Bình Dương. Thế nhưng, ngay đầu năm mới 2024, anh lần đầu tiên cảm nhận thảm họa gần sát mình đến thế. Được cho biết, ngày 1/1 vừa qua, theo kế hoạch, gia đình anh sẽ đi nghỉ tại Wakura Onsen ở thành phố Nanao, cũng là khu vực tâm chấn của trận động đất 7,6 độ đã tàn phá tỉnh miền tây Nhật Bản.

"Rất may, vào thời điểm đó, do gia đình tôi mở thêm quán ăn ở tỉnh lân cận nên lịch nghỉ đã được dời đi. Nếu không, có thể gia đình tôi cũng đã mắc kẹt tại Nanao rồi", Được nói với phóng viên Báo Nhân Dân qua điện thoại.

Có 3 cơ sở kinh doanh tại Ishikawa, ngay sau địa chấn, Được di chuyển lên tỉnh miền tây Nhật Bản để kiểm tra thiệt hại. Những thông tin liên tục từ truyền thông khiến anh càng sốt ruột hơn. Tàu cao tốc cũng bị dừng. Hàng trăm ngôi nhà sập và cháy.

"Lúc này, có nhiều thực tập sinh người Việt từ các vùng nguy hiểm cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Nhiều lao động thậm chí đã mất liên lạc với người thân. Đã làm công tác quản lý thực tập sinh nhiều năm, tôi quyết định phải tìm cách hỗ trợ bà con", Thành Được nói.

2 ngày sau thảm họa, Được cùng vài người bạn đánh chiếc xe tới siêu thị gần nhà. Mang theo số tiền khoảng hơn 100 triệu tiền Việt Nam (quy đổi từ đồng Yen), họ mua mỗi người 3 thùng nước 20 lít theo quy định, thu gom thêm mỳ ramen, udon, cơm hộp, đũa dùng 1 lần và "tất cả những gì có thể". Chất đầy "hàng hóa" lên 3 chiếc xe, cả nhóm bắt đầu hướng về khu Wakura Onsen, nơi có 10 nữ thực tập sinh Việt Nam đang sơ tán để bắt đầu chuyến cứu trợ đầu tiên của mình.

Tính tới thời điểm ngày 3/1, gần như chưa có người Việt nào từ bên ngoài tiếp cận được hiện trường. Nhóm của Được "vừa đi, vừa mò" vì các tuyến đường liên tục bị cấm di chuyển.

leftcenterrightdel
 Trong chuyến cứu trợ đầu tiên, nhóm của anh Được đã mua "tất cả những gì có thể" tại siêu thị gần nhà...

"Rất khó khăn. Động đất khiến cho nhiều tuyến cao đường bị nứt toác, trồi sụt, một bên là vực, một bên là những khe rãnh kéo dài. Tới những đoạn đường xấu, phải giảm tốc xuống chỉ còn dưới 20km/giờ", Được kể lại và cho biết thêm, việc xe đang đi tự nhiên bị sập ổ gà hay mắc kẹt thường xuyên xảy ra.

Gần 19 giờ (giờ địa phương), cả nhóm tiếp cận sát vùng tâm chấn. Hai bên, nhà cửa đổ sập nghiêng ngả. Bỏ lại xe, đoàn đi bộ vào sâu hơn bên trong và gặp được nhóm người Việt đầu tiên đang tạm trú. Từng món đồ cứu trợ được trao đi trong niềm cảm xúc gần như vỡ òa.

"Hôm đó, sau khi trao xong chuyến đầu, tới gần 4 giờ sáng, sau 6 tiếng tìm được đường, tôi mới có thể về cơ sở kinh doanh của mình để tạm nghỉ. Rung lắc xảy ra liên tục suốt hành trình, chung quanh tiếng xe cấp cứu hú còi liên tục", anh Được nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Những hình ảnh trong chuyến cứu trợ đầu tiên tại Wakaru Onsen đêm ngày 3/1 của nhóm Thành Được.

Liên tiếp các ngày sau đó, Được và cả nhóm tiếp tục lái xe hàng trăm kilomet mang theo nhu yếu phẩm tới tay người Việt Nam đang sơ tán tại các vùng khác nhau của Nanao. Anh đồng thời cũng kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trên trang Facebook cá nhân, trong đó nêu rõ, đoàn sẽ chỉ nhận hiện vật chứ không lấy tiền mặt để bảo đảm tính minh bạch. Thông qua kênh này, nhiều tấn hàng từ khắp nơi được chuyển tới, mang theo tấm lòng và tinh thần đùm bọc của những Việt kiều xa xứ.

Hành trình tìm 7 nữ thực tập sinh mất liên lạc tại Wajima

"Tìm chị gái N.T.L, sinh năm 1981 bị mất liên lạc. Mọi người ai đang ở nơi lánh nạn hay có gặp chị thì có thể nói cho chị biết giúp em được không ạ. Hiện tại gia đình em đang rất lo lắng, em chỉ biết chị đang làm ở tỉnh Ishikawa mong mọi người giúp đỡ em với ạ”.

Đó là nội dung một dòng tin tìm người xuất hiện liên tục trên các hội, nhóm người Việt Nam tại Nhật Bản sau trận động đất ngày 1/1. Lúc này, người thân của 7 nữ thực tập sinh tại thị trấn Wajima hoàn toàn không thể liên lạc được và cũng chưa thể biết điều gì đã xảy ra với con em mình. Họ đều là những thực tập sinh ngành may vừa mới sang Nhật Bản và còn chưa kịp đăng ký sim điện thoại để liên lạc.

Đầu giờ chiều ngày 5/1, Được biết câu chuyện kể trên và bắt đầu nhờ các mối quan hệ để tìm thông tin chi tiết. Nhận định có thể các cô gái vẫn còn kẹt lại trong thị trấn, 4 giờ sáng cùng ngày, nhóm của Được bắt đầu lên xe xuất phát từ Komatsu. Vào thời điểm này, Wajima vẫn là khu vực nguy hiểm, rất khó tiếp cận khi hàng loạt rung chấn vẫn thường xuyên xuất hiện.

So với các chuyến trước, đường đi càng khó khăn hơn. Những vết nứt xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Nhà cửa đổ nát, xe hỏng hóc bị bỏ lại nằm dọc trên các trục đường. Thi thoảng, đoàn lại... lạc đường hoặc phải dừng lại theo sự chỉ dẫn của giới chức trách Nhật Bản. Thêm vào đó, điện thoại mất sóng liên tục khiến cho việc liên lạc, xác định thông tin của 7 thực tập sinh gần như bế tắc.

leftcenterrightdel
 Việc di chuyển tại Ishikawa gặp rất nhiều khó khăn khi các tuyến đường đã bị tàn phá nặng nề sau động đất.

"Mỗi lần có sóng, chúng tôi lại gọi tới từng trung tâm lánh nạn tại Wajima để hỏi thông tin. Rất may mắn, tới chiều cùng ngày, một quản lý nhà cộng đồng địa phương xác nhận có một nhóm 7 người Việt đang tạm lánh. Lúc này, cả đoàn thêm quyết tâm và tiếp tục hành trình", anh Được kể.

Khoảng 6 giờ tối cùng ngày, sau hành trình 12 tiếng liên tục, Được và bạn bè mới tới được điểm đến. Trước mặt cả nhóm là một tòa nhà 3 tầng khá cũ nhưng còn lành lặn. Hệ thống điện đã bị cắt, chỉ còn tiếng máy phát ầm ì chung quanh. Bước lên tầng 2, đẩy cửa bước vào, Được thấy một vài người nên cất tiếng hỏi: "Ở đây có anh chị em nào người Việt Nam không?"

leftcenterrightdel
 Con đường tiếp cận một điểm cứu trợ của đoàn do anh Được tổ chức. Phía xa, đường đã bị nứt gãy và có biển cấm vào.

Ngay tức thì, 3 cô gái đang ngồi xúm xít với nhau bên chiếc lò sưởi nhỏ đứng dậy rồi òa khóc. Họ chạy lại, ôm chầm lấy những người đồng hương. Phía đối diện, Được cũng ngân ngấn nước mắt. Anh bảo, đã rất lâu, khoảng 4-5 năm, anh mới khóc lại như thế này.

"Dường như, trong khoảnh khắc, cả chúng tôi và các bạn thực tập sinh đều nhận thấy hy vọng", anh kể lại.

Nhóm của Được cũng là những người Việt Nam đầu tiên tiếp cận và tìm thấy 7 lao động mất liên lạc tại Wajima 6 ngày sau thảm họa. Họ lập tức trao quà, phát Internet để các cô báo tin bình an về quê nhà sau gần 1 tuần không kết nối...

leftcenterrightdel
 3 trong số 7 nữ thực tập sinh người Việt Nam mất liên lạc được đoàn cứu trợ tại thị trấn Wajama ngày 5/1.

Phương Hiền, một trong 7 nữ thực tập sinh chia sẻ: Họ đã rất hoảng hốt khi sự cố xảy ra. Sau khi chạy tới nhà cộng đồng của thị trấn lánh nạn, những ngày đầu, các cô đã phải chia nhau những đồ ăn mang từ Việt Nam sang.

Không có bát đũa, 7 người cùng nấu mỳ tôm vào một chiếc nồi rồi... bốc từng miếng cho vào miệng. Nhóm cũng phải về căn nhà đã sập để lấy chăn gối, vật dụng cần thiết chống lại giá rét của mùa đông. Đến trưa 7/1, tập thể 7 người Việt mắc kẹt tại tâm chấn Wajima đã được đoàn cứu trợ đưa về nơi an toàn.

Bày tỏ cảm xúc của mình, Phương Hiền nói: "Chúng em, tập thể 7 người việt mắc kẹt tại Ishikawa rất cảm động khi các anh đã ngại nguy hiểm vào hỗ trợ. Thay mặt tất cả người Việt Nam tại vùng động đất, em xin chân thành cám ơn".

leftcenterrightdel
 Các nữ thực tập sinh Việt Nam đang ngồi quanh lò sưởi trong nhà cộng đồng sau trận động đất. (Ảnh: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Nguyễn Chí Thành Được bày tỏ niềm bất ngờ và vui mừng khi được xuất hiện trên bản tin của đài truyền hình NHK của Nhật Bản.

Nói về hành trình cứu trợ hơn 10 ngày qua của mình, Thành Được chia sẻ: Bản thân anh chỉ mong muốn giúp đỡ bà con đang gặp khó khăn theo tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái. Anh hy vọng, những nạn nhân sẽ sớm ổn định tinh thần để trở lại cuộc sống bình thường.

Nối dài tinh thần đồng bào

Nhóm của Thành Được chỉ là một trong những nhóm tiên phong thực hiện hành trình tới những khu vực nơi có đồng bào gặp khó khăn nhất. Sau trận động đất ngày 1/1, cộng đồng người Việt Nam tại khắp nơi trên Nhật Bản đã phát động phong trào quyên góp, thực hiện cứu trợ đồng bào đang chịu ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam, trong đó có khoảng 600 người Việt Nam (chủ yếu là các thực tập sinh) đang làm việc tại các công ty/nhà máy khu vực bán đảo Noto. Báo cáo của chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết, hiện chưa có thiệt hại về người trong cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Theo thoidai