Những món quà thiết thực tặng học sinh Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer Việt Nam tại Campuchia
Cập nhật lúc 16:55, Thứ tư, 03/08/2022 (GMT+7)
Trong khuôn khổ chương trình phu nhân các Bộ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) đang diễn ra tại Vương quốc Campuchia từ ngày 1-6/8, Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Thị Bích Ngọc cùng phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Campuchia và một số cán bộ ngoại giao Việt Nam sáng 2/8 đã đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer Việt Nam tại tỉnh Prey Veng, Campuchia.
|
|
Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Thị Bích Ngọc (áo đỏ) trao tặng quá cho Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer Việt Nam tại tỉnh Prey Veng, sáng 2/8. |
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, cùng đông đảo học sinh và các giáo viên đón tiếp đoàn phu nhân Vũ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Văn Hào, chia sẻ Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam tại tỉnh Prey Veng là một trong những minh chứng cho sự gắn kết hữu Nghị giữa hai tỉnh Đồng Tháp và Prey Veng, là tâm huyết của Hội Khmer - Việt Nam và tất cả các thầy cô giáo. Đặc biệt nơi đây chính là ước mơ của tất cả phụ huynh và con em kiều bào Việt Nam, cũng là nơi góp phần giữ lửa cho nền văn hóa dân tộc Việt.
Phu nhân Vũ Thị Bích Ngọc bày tỏ sự xúc động khi đến thăm trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực của thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo tình nguyện, bên cạnh việc dạy các em học, còn phải thường xuyên đi vận động bố mẹ các em tạo điều kiện cho các em đến lớp với đầy tình thương và trách nhiệm. Chính những học sinh này mai sau lớn khôn sẽ góp phần giữ gìn, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Campuchia thêm bền chặt.
Nhân dịp này, phu nhân Vũ Thị Bích Ngọc đã gửi tới nhà trường và các em học sinh một số đồ dùng học tập và quạt điện trị giá 40 triệu đồng từ Quỹ “Liên hoan ẩm thực quốc tế” của Bộ Ngoại giao Việt Nam và một phần quà cá nhân để xây dựng trường.
Sau 10 năm thành lập, trường hiện có biên chế 6 giáo viên và 220 học sinh đang theo học (chiếm khoảng 70% số con em đến tuổi đi học của cộng đồng người Việt ở địa phương), được chia thành 7 lớp, gồm 5 lớp học chữ Việt Nam và 2 lớp học chữ Khmer.
Theo baotintuc