leftcenterrightdel
Một tiết mục văn nghệ tri ân các thầy cô giáo nhân ngày 20/11. (Nguồn: TTXVN) 

Trong không khí hân hoan, phấn khởi chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hàng trăm giáo viên kiều bào đã tề tựu tại khuôn viên Chùa Diệu Giác thuộc tỉnh Mukdahan ở Đông Bắc Thái Lan để tham dự ngày hội tri ân các thầy cô giáo kiều bào có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ do Tổng hội Việt Nam toàn Thái phối hợp với Hội người Việt tỉnh Mukdahan tổ chức chiều 11/11, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Chu Đức Dũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các thầy cô giáo kiều bào đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người và duy trì tiếng Việt trên toàn nước Thái. Không chỉ dạy tiếng Việt như các lớp học bình thường, các thầy cô còn đem hết tâm huyết và kinh nghiệm của mình để duy trì phong trào dạy và học tiếng Việt, gieo mầm tình yêu với Tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và giúp thế hệ trẻ hướng về quê hương đất nước Việt Nam.
leftcenterrightdel
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Chu Đức Dũng (trái) tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo. (Nguồn: TTXVN) 

Ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan (Tổng hội) đã cùng các thầy cô ôn lại ký ức về những ngày tháng cách đây cả gần thế kỷ khi người Việt ta mới tản cư qua Thái Lan.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng khi đã ổn định cuộc sống, các thế hệ đầu tiên này vẫn không quên nghĩa vụ chăm lo cho thế hệ trẻ phải chịu thiệt thòi xa Tổ quốc và lập ra “trại các cháu”, đi đến mọi xóm làng người Việt ở để vận động dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều, với khẩu hiệu “Việt kiều nước phải bước mòn chân”.

Kể cả trong những giai đoạn khó khăn gian khổ nhất, các thầy cô vẫn tổ chức lớp học theo hình thức gia đình học hiệu, mỗi lớp 5 - 7 em, gìn giữ tiếng Việt kể cả “học trong xó bếp, học dưới gầm nhà”. Đến năm 1974, hệ thống giáo dục Việt kiều tại Thái Lan đã có từ lớp mẫu giáo cho đển lớp 8, lớp 9, hầu hết thế hệ trẻ thời kỳ đó đều nói và viết được tiếng Việt.

Chủ tịch Tổng hội khẳng định, Tổ quốc vẫn luôn quan tâm và không quên công lao trong quá khứ của các thầy cô đã đóng góp cho nền giáo dục Việt kiều. Để tri ân các thầy cô, Đảng và Chính phủ đã tổ chức nhiều chuyến du lịch về thăm quê hương, tổ chức những đợt tập huấn tiếng Việt cho giáo viên Việt kiều để về truyền đạt lại cho các cháu, hy vọng sẽ khôi phục và duy trì tiếng mẹ đẻ trong thế hệ trẻ con em người Thái gốc Việt.

Ông Nguyễn Ngọc Thìn cũng bày tỏ mong muốn các thầy cô với kinh nghiệm của mình tiếp tục tổ chức những lớp tiếng Việt, động viên kiều bào sử dụng tiếng Việt để dạy và nói chuyện với con, thực hiện phong trào “Về nhà nói tiếng Việt, gặp nhau nói tiếng Việt”.
leftcenterrightdel
Đông đảo giáo viên kiều bào trên khắp Thái Lan về dự lễ kỷ niệm. (Nguồn: TTXVN) 

Thầy Dương Văn Tăng, hiện là Trưởng Ban giáo dục Hội người Việt Nam tỉnh Mukdahan cho biết: “Trong suốt chặng đường dài, hàng ngũ giáo viên Việt kiều của chúng ta đã hy sinh tuổi thành xuân cho sự nghiệp giáo dục của con em kiều bào. Khó khăn gian khổ không thể làm cho thầy cô lùi bước, vẫn quyết chí vươn cao dìu dắt học trò của thầy cô đến vinh quang”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường phụ trách Ban giáo dục của Hội người Việt tỉnh Udon Thani cho biết, hiện nay ở Udon Thani đang phát động phong trào nói tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam, song điều cần thiết là ở nhà bố mẹ phải nói tiếng Việt với các cháu, để các cháu thích tiếng Việt, suy nghĩ bằng tiếng Việt và nói được tiếng Việt.

Thầy giáo Nguyễn Trường Thi, phụ trách Ban giáo dục của Hội người Việt tỉnh Nakhon Phanom nhấn mạnh, buổi lễ là dịp để các thầy cô tự hào nhìn lại chặng đường của những giáo viên kiều bào, là động lực khích lệ tất cả các thầy cô tiếp tục con đường bảo tồn tiếng Việt, tiếp tục đi đúng hướng con đường nhà giáo mà các thầy cô đã chọn lựa.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi, các giáo viên, cựu giáo viên kiều bào đã cùng nhau cất lên những ca khúc về tình yêu quê hương nguồn cội Việt Nam, tự hào là con cháu Bác Hồ, tự hào là giáo viên nhân dân.

Theo baoquocte