Thu hoạch lạc ở Odessa
Người Việt Nam hòa nhập vào cuộc sống của người Ucraina chủ yếu vào những năm 90 của thế kỷ 20. Cho đến nay, thế hệ thứ 2, thứ 3 đã tiếp nối để trụ vững trên mảnh đất này. Số ít làm việc tại các công ty, các cơ quan nhà nước. Phần đông người Việt buôn bán tại các chợ của Ucraina: Từ hàng vải, giày dép… cho đến hàng khô và những năm gần đây là sự phát triển của nghề trồng rau do nhu cầu thiết thực của đời sống.
Thu hoạch khoai lang ở Odessa
Ucraina có những cánh đồng mênh mông và rất màu mỡ. Dựa vào điều kiện khí hậu, người Việt đã chuyển rất nhiều giống rau từ Việt Nam sang trồng. Trước đây, rau xanh chỉ có ở siêu thị và rất hiếm. Mỗi khi có người về thăm nhà sang là ai cũng háo hức bởi chắc chắn có hương vị quê nhà. Bên cạnh đó, hàng khô chuyển từ Việt Nam sang không thiếu thứ gì.
Thu hoạch khoai lang ở Kherson
Thế là, mớ rau muống tươi bạn vừa biếu, luộc lên dầm sấu hoặc vắt chanh. Rau đay nấu với tôm nõn ăn với cà pháo đậm đà hương quê. Rau ngót nấu sườn hoặc thịt băm là món canh được nhiều người yêu thích. Một sự sáng tạo trong cách nấu: không có cua, chúng tôi thường mua tôm về xay, lọc lấy nước nấu với rau đay, mùng tơi cùng với mướp là có đủ hương sắc Việt Nam…
Giờ đây, với bản tính cần cù lao động của người Việt Nam, các vùng rau xanh Việt Nam đã rải khắp Ucraina như Kherson, Kharkov, Odessa, Kiev… Năm nay, tôi thật sự bất ngờ khi thấy khoai lang, lạc được trồng đúng thời vụ cho năng suất cao và trên hết là niềm hứng khởi được thưởng thức những nông sản sạch mang đậm tình quê. Còn nhớ, năm 2011 tôi xuống thăm nhà anh chị bạn ở Odessa. Ngôi nhà khiêm tốn giữa lòng thành phố nhưng thật mát lòng bởi vườn rau xanh đủ loại. Mở cổng vào là giàn mướp xen bí đao sai trĩu quả khiến tôi cứ ngơ ngẩn ngắm nhìn. Năm nay, anh chị cùng bạn bè thuê đất trồng thêm khoai lang, lạc. Ngày thu hoạch, ăm ắp niềm vui và tiếng cười sảng khoái.
Niềm vui được mùa
Còn chị bạn tôi tên Khiêm ở Zitomir là cả một câu chuyện về nghề trồng rau. Bằng mồ hôi công sức tảo tần từ những vụ rau, chị đã nuôi 4 con trai ăn học đàng hoàng. Con trai lớn của chị hiện học tại Đại học Y Kiev, 3 con trai kế cũng tiếp tục con đường theo anh trai - đó là lựa chọn ngành Y cho mình.
Trò chuyện cùng tôi, chị thổ lộ: “Vất vả lắm em ạ. Nhưng không có cách nào khác là vươn lên. Anh bị bệnh viêm cầu thận mấy năm. Hồi năm ngoái tình trạng bệnh nặng hơn tưởng không qua khỏi. Lạy trời, năm nay có khá hơn, anh cũng đã gánh vác được công việc cùng chị. Niềm vui lớn nhất của anh chị là nhìn các con khôn lớn và học hành chăm chỉ”.
Ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ tại thành phố Zitomir đã gắn bó với vợ chồng chị và các con từ thuở cơ hàn giờ vẫn ấm áp tiếng cười. Nơi đây, chứng kiến sự ra đời của 4 cậu con trai và cuộc sống thăng trầm của anh chị - một cuộc sống vô cùng nhọc nhằn kể từ khi hết hạn hợp tác Lao động và quyết định ở lại.
Tôi đã tới thăm ngôi nhà của chị một lần cách đây rất lâu: ẩm thấp, bếp và chuồng lợn cạnh nhau, vòi nước công cộng đầu ngõ. Toàn cảnh nhà vườn như một gia đình nông thôn ở Việt Nam vậy. Từ ngôi nhà nhỏ này, sự cần cù chắt chiu nhặt nhạnh anh chị cũng đã mua được mảnh đất hơn 6000 m2 tại Makarov, ngoại ô Kiev để canh tác rau xanh. Mỗi sáng, chị thức dậy từ 4 giờ nấu nướng cho các con rồi ra vườn hái rau. Sau đó tiếp tục chạy xe lên Makarov để lấy rau từ ruộng mang lên Kiev bán. Khách hàng của chị là bà con người Việt, người Trung Quốc… buôn bán tại các chợ. Chị còn bán cất cho khách hàng người Việt từ nơi khác đến Kiev lấy hàng. Mớ rau của chị luôn đầy đặn, ngon mắt và đảm bảo sạch sẽ.
Chị Khiêm bên xe rau tại chợ Troeshina (Kiev)
Trò chuyện với một người bạn đã từng làm việc cho chị, tôi được biết công việc vô cùng vất vả. Hàng ngày, mấy anh em bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng, đó là hái và bó rau để kịp chở đi chợ. Sau đó là làm cỏ, tưới rau. Cả một khu vườn mênh mông trồng đủ loại rau xanh: Cà pháo, bí đao, mướp, rau muống, mùng tơi, rau đay, rau dền, các loại rau cải như cải sen, cải thìa, cải cúc… và các loại rau thơm như húng quế, kinh giới, rau răm… Gần đây còn mở rộng thí điểm trồng thêm dọc mùng.
Công việc tưới rau khá vất và tốn nhiều thời gian bởi muốn đảm bảo cho rau đủ độ ẩm thì chỉ có tưới theo cách thủ công đó là kéo vòi nước và tưới bằng tay chứ không tưới bằng giàn như những nơi khác. Nước bơm từ giếng khoan với độ sâu mấy chục mét lên. Anh bạn kể nhiệt độ của nước thông thường từ 11-130c, mùa đông cũng như mùa hè. Xong việc tưới rau là làm cỏ. Ngày nào cũng vậy từ 5 giờ sáng cho tới 11 giờ đêm. Sang mùa thu, nhiệt độ thấp dần là lúc chăm sóc rau trong khu vườn lợp ni lông cho đến tận tháng 12 khi tuyết rơi, băng giá lạnh ngắt mới là lúc người và đất được nghỉ. Còn chị Khiêm, lo tất cả mọi việc nên vô cùng vất vả. Ngày nào cũng chở rau đi bán. Nhiều lúc ế, phải đi vòng quanh các chợ của thành phố có khi về đến nhà đã 10-11 giờ đêm lại tất bật lo cho các con cơm nước, học hành…
Rồi chúng tôi còn đến ngoại ô Kiev. Bạn của chồng tôi cũng có một khu vườn trồng đủ các loại rau. Trẻ em líu ríu theo cha mẹ bên những luống sau khi ánh hoàng hôn dần buông và mùi thịt nướng thơm phức tỏa hương khắp khu vườn. Thật thư thái sau một ngày làm việc vất vả được thả hồn mình giữa thiên nhiên và ngắm những luống rau xanh, những hàng cây trĩu quả và lắng nghe tiếng con trẻ nô đùa…
Hiện tại, cuộc khủng hoảng kép “xung đột - kinh tế” khiến cuộc mưu sinh càng nhọc nhằn hơn nhưng người Việt Nam vẫn gắng gượng bám trụ. Nuôi dạy con cháu phát huy bản tính cần cù lao động và vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Và trong đó, không thể thiếu những vườn rau xanh mang đậm hồn Việt trên đất Ucraina! Những vườn rau ấy đã mang đến mọi nhà những bữa ăn ngon miệng, ấm tình quê hương và trên hết đó là HỒN VIỆT!
Ucraina, 27/9/2015
Đỗ Thị Hoa Lý