Kế thừa tinh hoa truyền thống quý báu đó, trong quá trình lãnh đạo quần chúng nhân dân, Đảng ta luôn coi trọng phát huy vai trò sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và đã có nhiều chủ trương nhằm nâng cao hơn nữa nội lực của dân tộc trong xây dựng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng đất nước ta ngày một giàu đẹp. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, hội nhập toàn cầu hóa là xu thế khách quan của thời đại đem lại cho đất nước ta, dân tộc ta nhiều cơ hội để phát triển đất nước, hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng đặt dân tộc, đất nước và chế độ ta trước những nguy cơ, thách thức to lớn, sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với sự du nhập các giá trị văn hóa tư bản, lối sống thực dụng đã làm cho một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân tha hóa về lối sống, các giá trị đạo đức truyền thống bị lung lay, sự gắn kết trong quan hệ cộng đồng có phần mai một. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, củng cố và phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân sẽ góp phần nâng cao sức chiến đấu và năng lực phát triển của dân tộc ta.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng”, cùng với đó Người cũng đã kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” với tư tưởng truyền thống của cha ông “lấy dân làm gốc”. Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10/9/1955, Người đã khẳng định “Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch”.
Quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề quan trọng hàng đầu. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta đã xác định phương hướng, nhiệm vụ “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, đối với bộ phận cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước, Đảng và Nhà nước ta nhấn mạnh đây là một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, là thành tố trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho đồng bào về thăm Tổ quốc, người thân, đầu tư, kinh doanh hợp tác khoa học công nghệ, hoạt động văn hóa, nghệ thuật…
Tháng 3/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong đó khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã công bố Chương trình hành động về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt coi trọng việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó xác định bộ phận đồng bào ta ở nước ngoài là tế bào của sức mạnh tổng hợp đó.
Quán triệt các đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua công tác dân vận đối với kiều bào người Việt tại Campuchia đã thực sự được quan tâm, trong đó đã có nhiều biện pháp, cách làm hay, tạo hiệu quả thiết thực trong nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau của cộng đồng người Việt nơi đây.
Campuchia là quốc gia láng giềng của Việt Nam có vị trí đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự ổn định của Campuchia quyết định đến sự ổn định chiến lược của đất nước ta. Số lượng người Campuchia gốc Việt sinh sống và làm ăn trên đất nước Campuchia có khoảng trên dưới 100.000 người, chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Đông giáp Việt Nam, tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Seam Reap.
Nhìn chung, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, số người sống tại các thành phố lớn thì chủ yếu là các tiểu thương nhỏ và làm thuê cho các công ty nước ngoài tại Campuchia nên địa vị xã hội hạn chế. Còn số lớn sinh sống ở các tỉnh của Campuchia (chiếm hơn 70% trong số cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia), đa số mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy hải sản quanh khu vực các con sông ở Campuchia như Sông Mekong, khu vực Biển Hồ, thu nhập của số cộng đồng này thấp, rất bấp bênh và không có giấy tờ pháp lý đầy đủ, con cái của họ hầu như không được tiếp cận hệ thống giáo dục và các chính sách hỗ trợ từ chính quyền sở tại.
|
Một góc làng chài của cộng đồng người Việt Nam ở khu vực Biển Hồ - Campuchia |
Trong những năm gần đây, Chính phủ Campuchia còn tăng cường quản lý, kiểm soát bộ phận dân cư không có giấy tờ cư trú và thu phí cư trú đối với các cá nhân người nước ngoài sinh sống tại Campuchia mà không có giấy tờ hợp lệ. Những điều đó khiến cho đời sống của bà con đã vốn vất vả nay còn thêm nhiều khó khăn.
Tính pháp lý về giấy tờ mặc dù đã được Chính phủ hai nước nỗ lực, chung tay giải quyết nhưng còn số lượng lớn bà con chưa có giấy phép định cư hợp pháp. Đây là vấn đề mang tính lịch sử để lại và đó cũng chính là nhiệm vụ nặng nề mà các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia đặc biệt chú trọng quan tâm và tìm cách tháo gỡ.
Chính vì vậy, làm tốt công tác dân vận sẽ góp phần ổn định tư tưởng an tâm cho bà con làm ăn, sinh sống và sự ổn định trong đời sống của cộng đồng người Campuchia gốc Việt trên đất nước chùa Tháp là nhân tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia, hai dân tộc, đồng thời đóng góp vào sự vững chắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ xa.
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với bà con ta tại Campuchia, những năm qua cấp uỷ và Đại sứ quán tại Campuchia đã tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giải quyết hiệu quả các mặt công tác liên quan đến bà con tại đây. Công tác dân vận với bà con tại Campuchia luôn được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước.
Với truyền thống hữu nghị tốt đẹp, những năm qua Chính phủ và chính quyền các địa phương ở Campuchia cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để người Campuchia gốc Việt tại Campuchia có cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đời sống của bà con từng ngày được cải thiện. Đại sứ quán cũng đã chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Campuchia thường xuyên, tăng cường quan tâm nắm bắt tâm tư, tình hình và tích cực phối hợp với các cơ quan, bộ, ban ngành phía Campuchia để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại đây.
Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên gặp gỡ với các tổ chức hội, đoàn của Khmer - Việt tại Campuchia, thông qua mỗi buổi sinh hoạt gặp gỡ, cán bộ đại diện đã chủ động phối hợp với ban đại diện các tổ chức hội đoàn để tìm hiểu những khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý của đồng bào.
|
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh trong một chuyến thị sát tình hình đời sống bà con kiều bào người Việt sinh sống ở khu vực Biển Hồ. |
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp uỷ cũng như Đại sứ quán đã chủ trương phân chia các nhóm đối tượng trong cộng đồng để từ đó nghiên cứu đặc điểm của từng nhóm đối tượng, tìm ra các biện pháp thích hợp để tiến hành gặp gỡ, tìm hiểu, tuyên truyền và giải quyết các vấn đề đặt ra. Hiện nay, có 23/25 ban chấp hành chi nhánh chính thức và 2 ban chấp hành lâm thời hội Khmer - Việt tại các địa phương trên toàn Campuchia.
Thời gian qua, các Cơ quan đại diện của ta ở Campuchia đã phối hợp với các ban chấp hành tại các địa phương thực hiện công tác thống kê tình hình cụ thể bà con trên từng khu vực. Các ban chấp hành của hội tại các địa phương đã kê khai, thống kê số lượng nhân khẩu, tình hình kinh tế, đời sống đến từng hộ làm căn cứ phân chia thành các nhóm đối tượng, để tập trung áp dụng các biện pháp sát thực nhất đối với từng nhóm nhằm giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng bộ phận làm ăn, sinh sống.
Theo đó, kết quả phân loại được chia thành 3 nhóm đối tượng bao gồm:
Nhóm thứ nhất là những cá nhân, hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, đời sống ổn định, nhóm này tập trung là các tiểu thương, các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại thủ đô và các thành phố lớn ở Campuchia. Nhóm đối tượng này về cơ bản có đầy đủ giấy tờ pháp lý cư trú tại Campuchia và có tiếng nói nhất định trong đời sống xã hội Campuchia. Với nhóm đối tượng này, tập trung động viên, khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho họ mở rộng kinh doanh, kêu gọi, khuyến khích họ tăng cường đoàn kết và chung tay giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bà con.
Nhóm thứ hai là những cá nhân, hộ gia đình có điều kiện kinh tế đủ ăn, chủ yếu là những người làm thuê cho các công ty, doanh nghiệp, các nghề kinh doanh thủ công như may mặc, làm mộc, lái xe… ở Campuchia và đã có giấy tờ cư trú hợp pháp. Nhóm đối tượng này, mặc dù cuộc sống không thật dư dả nhưng họ cơ bản hài lòng và yên tâm với cuộc sống hiện tại, họ được tiếp cận các dịch vụ công ích của chính quyền sở tại. Với nhóm này, tập trung khích lệ họ cố gắng lao động và kêu gọi các công ty doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia tuyển dụng để họ có công việc ổn định, an tâm sinh sống, chú trọng đến phát triển các thế hệ sau được học hành tử tế và trở thành những công dân có ích cho xã hội Campuchia.
Nhóm thứ 3 là nhóm chiếm số lượng lớn nhất với khoảng trên 70%, đây là những cá nhân hộ gia đình chủ yếu sinh sống tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam, họ mưu sinh dọc theo những con sông, nhiều nhất tại khu vực quanh biển Hồ, đời sống bấp bênh theo con nước với nghề đánh bắt thủy hải sản. Nhóm này phần lớn chưa có giấy tờ cư trú rõ ràng, hợp pháp. Họ không được tiếp cận việc làm, học hành và các nguồn lực quốc gia. Những năm gần đây, Chính phủ Campuchia yêu cầu những nhóm cộng đồng sống lênh đênh trên các nhà thuyền nổi phải di chuyển vào đất liền. Họ không có đất canh tác, đời sống của nhóm đối tượng này rất khó khăn.
Đại sứ quán cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia đã thường xuyên đàm phán với các cơ quan công quyền của Chính phủ Campuchia nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng đời sống của nhóm đối tượng này, đồng thời góp phần đóng góp vào sự phát triển của đất nước chùa Tháp. Cùng với đó, đã phối hợp với các ban đại diện hội Khmer - Việt tại các địa phương bám nắm tư tưởng, khó khăn của họ để có những biện pháp động viên kịp thời. Hàng năm, thường xuyên kêu gọi các cá nhân, tổ chức người Việt tại Campuchia có đời sống khá giả quyên góp sách vở, quần áo, thuốc men để hỗ trợ nhóm đối tượng này. Đặc biệt đã vận động các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam ở cả trong nước có những hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ thiết thực đối với cuộc sống của bà con, nhất là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế để bà con được tiếp cận.
|
Công trình xây dựng lớp học cho con em kiều bào do Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tài trợ |
Bằng nhiều việc làm thiết thực, đến nay cơ bản những cá nhân hộ gia đình này cũng luôn an tâm sinh sống, tin tưởng vào chính sách của đất nước nhằm hỗ trợ họ trong việc đàm phán với chính phủ sở tại tạo điều kiện tốt hơn trong đời sống sinh hoạt của họ. Chính phủ Campuchia mà trực tiếp là Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia có nhiều đóng góp nhất định cho các địa phương, đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan công quyền của Campuchia nghiên cứu tháo gỡ các thủ tục pháp lý để bà con kiều bào người Việt đảm bảo sinh kế và đời sống trên đất nước Campuchia.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai công tác dân vận đối với cộng đồng người Campuchia gốc Việt cũng còn tồn tại một số hạn chế như một số ban đại diện tại các địa phương có lúc còn chưa chủ động trong nắm bắt, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho bà con khi vướng mắc với chính quyền sở tại. Cùng với đó, một số thành viên trong các ban đại diện còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán, Lãnh sự quán cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam.
Trong công tác phối hợp với chính quyền sở tại, tiến độ giải quyến các vướng mắc, nhất là vấn đề về thủ tục pháp lý từ phía chính quyền Campuchia còn chậm, khiến cho bà con còn gặp nhiều khó khăn. Một số giải pháp, biện pháp đôi khi còn mang tính tình thế, chưa có những giải pháp mang tầm chiến lược, căn cơ nhằm giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng. Bên cạnh đó, trình độ dân trí cũng như mức sống của bà con thấp gây khó khăn trong việc hướng dẫn họ các hình thức kinh doanh làm ăn, nuôi trồng mới dẫn đến đời sống của nhóm đối tượng thứ ba chưa cải thiện nhiều. Trong thời gian tới để tiến hành có hiệu quả, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận đối với bà con, đòi hỏi cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp nhằm giải quyết hữu hiệu các vấn đề còn tồn động gây khó khăn trong đời sống, nhất là các vấn đề pháp lý đối với bà con. Đây là biện pháp mang tính then chốt tác động quyết định trực tiếp đến sự ổn định của đời sống người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia. Tính hợp pháp về giấy tờ để bà con được tiếp cận các quyền bình đảng như công dân sở tại là vấn đề tồn đọng qua nhiều năm nay và hai bên đang từng bước tháo gỡ, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cần tiếp tục triển khai đăng ký thống kê tình hình cụ thể của cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia theo định kỳ 2 năm một lần. Thông qua đó, phân loại thống kê theo các tiêu chí để có những mức động quan tâm thích hợp. Đại sứ quán thông qua 25 ban chấp hành chi nhánh Hội Khmer - Việt tại các tỉnh thành ở Campuchia để có thể thống kê chính xác từ đó làm căn cứ phân loại, đàm phán với chính phủ sở tại để có thể từng bước tháo gỡ các nút thắt trong vấn đề này. Nếu vấn đề này được giải quyết thì sẽ mở ra những cơ hội vô cùng quý báu cho cộng đồng người Campchia gốc Việt trên đất nước chùa Tháp. Nếu được công nhận cư trú hợp pháp, bà con sẽ được tiếp cận các dịch vụ công ích từ phía chính quyền các cấp ở Campuchia, điều mà lâu nay chưa được phổ cập, nhất là với số con em không được học hành tử tế sẽ sản sinh ra cả thế hệ sau với tính ổn định dài hơi mang tầm chiến lược. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự quan tâm của Trung ương trực tiếp có chủ trương nhằm giải quyết dứt điểm bằng cách tăng cường làm sâu sắc hơn nữa nền tảng quan hệ quý báu giữa hai nước láng giềng hữu nghị. Cùng với đó, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan đại điện của Việt Nam tại Campuchia cùng các viện nghiên cứu chiến lược, các cơ quan tham mưu trong nước cần tích cực chủ động, tham mưu, dự báo cho Trung ương những giải pháp căn cơ, đúng sát tình hình thực tiễn.
Hai là, tăng cường tiếp xúc với các tổ chức đoàn, hội tại Campuchia, thông qua đó bồi dưỡng kỹ năng, cung cấp thông tin nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức này. Gây dựng làm nòng cốt tại các tỉnh thành ở Campuchia, thông qua đó nắm chắc tình tình tâm tư nguyện vọng của bà con. Việc phát huy lực lượng này là cánh tay nối dài giúp các cơ quan đại diện có thể chủ động trong việc nắm bắt cũng như triển khai các chính sách của hai nhà nước đến từng nhóm, bộ phận bà con được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong vận động các cá nhân tham gia ban đại diện phải tập trung vào những người có trình độ, có điều kiện về kinh tế và thực sự tâm huyết với mong muốn đưa đời sống của bà con tại đây ngày càng giàu mạnh. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ về mặt kinh phí để các hội, nhóm, ban đại diện hoạt động hiệu quả hơn. Tiếp tục kêu gọi các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường hỗ trợ hơn nữa trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, tạo công ăn việc làm cho những bà con đủ điều kiện tuyển dụng nhằm góp phần tạo an tâm làm ăn sinh sống cho họ.
|
Đại hội Đại biểu Tổng hội người Việt Nam tại Campuchia nhiệm kỳ 2016-2021 |
Ba là, tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách, kêu gọi nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Campuchia gốc Việt. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền chính sách của Chính phủ hai nước, sinh hoạt tinh thần để tăng cường mối đoàn kết nội bộ trong cộng đồng. Vận động các hộ gia đình có điều kiện khấm khá hỗ trợ cụ thể cho một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phần nào về kinh phí để có thể tiếp tục phát triển sinh kế, mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Phối hợp với các hội đoàn Khmer - Việt để tổ chức các chuyến tặng quà quyên góp, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phấn đấu xây dựng cả cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại nơi đây như người một nhà. Song song với đó, tích cực tuyên truyền bà con chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại, tích cực đóng góp cho địa phương sinh sống, nhằm làm tăng cường sâu sắc hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân hai nước. Kịp thời phát hiện các quan điểm sai trái trong cộng đồng để phê phán và đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong đó có địa bàn Campuchia.
Bốn là, định kỳ sơ, tổng kết những biện pháp thực hiện, đồng thời tìm tòi những cách làm sáng tạo, đột phá nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác dân vận đối với cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia. Đây là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá những mặt làm được để tiếp tục củng cố, phát huy, đồng thời nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại để cùng nhau bàn bạc, tìm biện pháp khắc phục. Hậu sơ, tổng kết cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp đã đề ra để nâng cao hiệu quả các mặt công tác, đặc biệt phải ủng hộ, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, đột phá, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần xây dựng cộng đồng người Campuchia gốc Việt tại Campuchia ngày càng ấm no, hạnh phúc, gây dựng mối đại đoàn kết trong cộng đồng cũng như những hành động thiết thực hướng về xây dựng quê hương, đất nước.
Có thể khẳng định rằng với chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác người Việt Nam ở nước ngoài là những định hướng đúng đắn nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng người Campuchia gốc Việt ở Campuchia có nhiều yếu tố đặc thù, còn nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng với những cách làm sáng tạo và thiết thực trong thời gian qua, công tác dân vận đối với bà con tại Campuchia đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bằng việc vận dụng những định hướng lớn của Trung ương gắn với đặc điểm cụ thể của cộng đồng nơi đây, đã góp phần nâng cao sự ổn định cuộc sống của họ.
Trong thời gian tới, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, đòi hỏi cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các biện pháp, nhằm tạo dựng một cộng đồng người Campuchia gốc Việt nơi đây thật đoàn kết, ổn định, vững chắc, là điều kiện quan trọng góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ xa.
Theo baoquocte.vn