Sẽ tổ chức tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng người Việt khu vực Đông Bắc Á
Cập nhật lúc 23:36, Thứ tư, 26/10/2022 (GMT+7)
Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) do Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Hướng Nam dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm công tác cộng đồng tại Hàn Quốc từ ngày 23-26/10/2022.
|
|
Đoàn và một số đại diện cộng đồng tại Hàn Quốc. |
Mong được tạo thuận lợi làm căn cước công dân ở các địa phương trong nước
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã gặp gỡ và trao đổi với đại diện Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc và Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc.
Trao đổi với đại diện các Hội đoàn người Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam cho biết vừa qua Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng người Việt ở Châu Âu, thời gian tới dự kiến sẽ tổ chức tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng tại khu vực Đông Bắc Á, trong đó có Hàn Quốc.
Ông Ngô Hướng Nam cũng đã thông tin tới các Hội đoàn về việc Luật Quốc tịch đang được rà soát, trong đó có vấn đề trở lại quốc tịch đồng thời vẫn giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ sinh ra ở nước ngoài có bố/mẹ là người Việt, được nhiều kiều bào quan tâm và đã đóng góp ý kiến trong khuôn khổ một số chương trình khảo sát.
Về dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã kiến nghị sửa đổi theo hướng cho phép NVNONN có quyền thừa kế và quyền nhận chuyển nhượng đất ngoài dự án phát triển nhà ở. Ủy ban cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Các dự thảo Luật đang trong quá trình lấy ý kiến của người dân, đề nghị bà con quan tâm đóng góp ý kiến.
Đại diện các Hội đoàn nêu một số vướng mắc, kiến nghị cụ thể liên quan đến chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính đối với NVNONN.
Các kiến nghị bao gồm mong muốn được tạo thuận lợi làm căn cước công dân ở các địa phương trong nước và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch Hàn Quốc , chọn quốc tịch cho trẻ em lai sinh ra tại Hàn Quốc, mở rộng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mong muốn nhà nước có chính sách thu hút nhân tài và có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút du học sinh về nước làm việc, đóng góp cho đất nước.
Hiện có khoảng 30.000 người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Hàn Quốc trước năm 2011, nay pháp luật Hàn Quốc cho phép các lao động lành nghề và cô dâu Việt Nam có hai quốc tịch. Cũng tại nước bạn hiện nay có 66.000 sinh viên Việt Nam ở tất cả các bậc học, du học sinh Việt Nam chiếm 44% tổng số du học sinh nước ngoài tại Hàn Quốc.
Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Hướng Nam cho biết Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con; đề nghị bà con tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến trong chương trình khảo sát ý kiến NVNONN về chính sách pháp luật liên quan do Ủy ban chủ trì tổ chức.
Xây dựng hội phụ nữ/cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc lớn mạnh
Ghi nhận sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc với 06 hội người Việt, ông Ngô Hướng Nam đề xuất cần chú trọng xây dựng hội phụ nữ/cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc lớn mạnh, đồng thời xây dựng các hội đồng hương để kết nối với các địa phương trong nước.
Ông Ngô Hướng Nam mong muốn mạng lưới trí thức Việt Nam ở Hàn Quốc sẽ kết nối nhiều hơn với trong nước thông qua kênh Ủy ban Nhà nước về NVNONN để đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước và hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước, đồng thời góp phần củng cố mạng lưới doanh nhân kiều bào toàn thế giới.
Ông Ngô Hướng Nam cũng bày tỏ tin tưởng với tinh thần đoàn kết, các hội người Việt tại Hàn Quốc sẽ ngày càng phát huy vai trò nòng cốt trong cộng đồng, góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt; khuyến khích các hoạt động kết nối doanh nhân, doanh nghiệp NVNONN với trong nước nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hiện có 80.000 gia đình đa văn hóa tại địa bàn, tương đương gần 80.0000 người Việt có quốc tịch Hàn Quốc, đại đa số họ đã hòa nhập tốt với văn hóa, xã hội và tuân thủ pháp luật của sở tại.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng
|
Ông đề nghị các doanh nghiệp ta tại Hàn Quốc quan tâm, chú trọng việc quảng bá hàng hóa Việt Nam, đưa hàng hóa có chất lượng của Việt Nam ra nước ngoài.
Ngay sau cuộc gặp đại diện các Hội người Việt ở Hàn Quốc, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Hướng Nam và ông Nguyễn Việt Anh, Tham tán Công sứ- người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Phát triển nguồn năng lực ngành làm đẹp Hàn Quốc với Hiệp hội nữ Doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
|
|
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 Hiệp hội Doanh nghiệp. |
Người Việt Nam có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính quyền sở tại
Cũng trong dịp này, Đoàn đã đi thăm Trung tâm Hỗ trợ người lao động nước ngoài, tại thành phố Ansan. Tiếp Đoàn có bà Park Kyung Hye - Giám đốc của Trụ sở hỗ trợ người nước ngoài TP. Ansan - cùng lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ tư vấn người nước ngoài TP.Ansan.
|
|
Đoàn thăm và làm việc với Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài tại Ansan. |
Ông Kwon Soon Gil cũng cho biết tại Ansan có 2.100 người Việt Nam trên tổng số hơn 85.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại thành phố, cộng đồng người Việt lớn thứ 6 trong 107 cộng đồng người nước ngoài tại Ansan. Ông đánh giá cao về cộng đồng người Việt Nam có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính quyền sở tại, làm việc chăm chỉ, tuân thủ quy định. Ông Ngô Hướng Nam cảm ơn và bày tỏ mong muốn chính quyền Thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt tại đây. Cũng tại Ansan, Đoàn đã gặp gỡ Hội phụ nữ và đại diện công nhân lao động người Việt, ghi nhận nguyện vọng và tâm tư của người lao động và động viên họ sống và làm việc tuân thủ luật pháp sở tại, giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của người Việt.
|
Theo thoidai