Rời Việt Nam từ ngày còn nhỏ xíu, nhiều người Việt ở châu Âu không biết đến đạo Phật mà chỉ biết ngôi chùa, sư thầy qua lời kể của những vị trung niên. Trong lần đầu gặp sư thầy Thích Trí Chơn ở chợ Việt tại Séc, một người hỏi: "Anh có khỏe không? Gia đình lúc này thế nào?".

Lần khác, một tiểu thương Việt tại Đức thấy sư thầy đến chợ chuẩn bị thuyết pháp thì lại bắt chuyện: "Chị về Việt Nam 2 - 3 lần, thích chùa lắm nhưng chị không hiểu gì chùa hết. Giờ em cần gì em cứ nói với chị". Sau khi nhờ chị chuẩn bị trái cây, hoa để thắp nhang, sư thầy Trí Chơn mở giỏ lấy chuông mõ, tượng Phật ra lập bàn thờ tại chỗ.

Sư thầy và 7 ngôi chùa Việt ở châu Âu: 'Phụng sự bà con xa xứ' - Ảnh 1.

Ngôi chùa Việt với khung cảnh nên thơ tại Séc

Lúc này, thấy một số người xung quanh gọi thượng tọa Trí Chơn là thầy. Nữ tiểu thương ngạc nhiên: "Ủa, thế lúc nào gọi bằng thầy, lúc nào gọi bằng em?". Sư thầy cười hiền: "Lúc nào chị thấy em là thầy chị gọi thầy. Lúc nào chị thấy thầy là em chị cứ gọi em"… Và nữ tiểu thương ngày ấy nay đã trở thành một Phật tử thuần thành.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện rất nhỏ mà thượng tọa Thích Trí Chơn đã gặp trong những ngày đầu sang châu Âu phụng sự đạo pháp cho bà con kiều bào.

Từ khát khao cháy bỏng của kiều bào

Năm 2006, thượng tọa Trí Chơn nhận lời mời của một gia đình Phật tử người Việt tại Séc để hướng đạo, tu tập. Chưa từng gặp gỡ trước đó, nhưng cảm nhận được khát khao cháy bỏng của gia đình về việc tìm về cội nguồn dân tộc nên sư thầy nhận lời. Đó cũng là năm đầu tiên thượng tọa Trí Chơn ăn tết ở hải ngoại mùa tuyết rơi trong căn nhà trọ.

Với cộng đồng người Việt tại Séc khi đó, hình ảnh một vị tăng còn khá mới lạ. Sư thầy mặc đồ tu sĩ, nhưng nhiều người không có khái niệm một ông thầy xuất gia là thế nào. Những người đã từng biết đạo Phật muốn đi chùa thì phải vượt hàng trăm cây số từ Séc đến Đức, Pháp.

Sư thầy và 7 ngôi chùa Việt ở châu Âu: 'Phụng sự bà con xa xứ' - Ảnh 2.

Thiền viện Giác Tuệ (tại Đức) là nơi người Việt tìm về quây quần bên nhau

"Những buổi tụng kinh bái Phật ngay trong căn nhà trọ chừng 40 m2 mọi người ngồi quây quần, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa. Cứ vậy tình cảm gắn kết hơn, những người không biết thì đến nghe, nghe xong biết thì đến đều đặn hơn. Bà con khi đó khát khao nhờ thầy xây một ngôi chùa tại Séc. Mình nói xây chùa không khó nhưng hãy đưa chúng tôi đến mọi miền của Séc để xây dựng ngôi chùa trong trái tim mỗi người đã. Mọi người ngạc nhiên nhưng vẫn làm, rồi suốt ngày rong ruổi cùng tôi", sư thầy kể.

Đoàn đi đến các chợ hoặc trung tâm thương mại có đông người Việt buôn bán. Bà con làm tới 8 giờ tối mới nghỉ thì 9 giờ tối chương trình của đoàn bắt đầu.

Sư thầy tự thiết lập bàn thờ, dựng tượng Phật, nhờ Phật tử mua bông, trái… Có 5 người hay 10 người thầy cũng ngồi giữa chợ thuyết pháp. Thấy ai có niềm tin Phật pháp thì sư thầy tụng bài kinh; ai muốn nghe pháp thì sư thầy thuyết pháp, giảng kinh; ai không lắng nghe, sư thầy lại đi bắt tay, thăm hỏi và chúc bình an…

Từ nhu cầu có chỗ dựa về tinh thần cho người Việt, chùa Nhân Hòa và chùa Thiên Phúc được hình thành ở Ba Lan. Trong đó, chùa Nhân Hòa được hình thành bởi tiền của, công sức đóng góp của các tổ chức hội đoàn, các gia đình và các cá nhân tâm huyết với chùa.

Trong bối cảnh công việc kinh doanh của bà con Việt tại Ba Lan ngày càng khó khăn sau 2 năm đại dịch và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine, bà con thường tìm đến chùa để cầu kinh niệm Phật, tìm đến chỗ dựa về tinh thần, bớt đi những lo toan trong cuộc sống.

Chùa Việt là nơi gửi gắm tâm linh của người Việt và là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, là cầu nối để cộng đồng người Việt ở đây quan tâm lẫn nhau, gắn bó với nhau nhiều hơn trong cuộc sống.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan
 

"Có người đến coi ông thầy nói gì, dựng cái ghế ngồi đó nhưng đưa lưng vô, quay mặt ra ngoài. Ông thầy nói được 5 phút thì xoay chiếc ghế lại, 5 phút nữa xuống đất ngồi, 5 phút nữa lại ngồi ngay bàn đầu tiên, kết thúc bài pháp là khóc nói thầy cho con quy y tam bảo và trở thành đệ tử của Đức Phật", sư thầy hoan hỷ nhớ lại.

"Vậy thầy đã nói gì khi ngồi giữa chợ như vậy?", tôi hỏi. Thượng tọa Trí Chơn chậm rãi chia sẻ: "Những khoảnh khắc đầu, mình gợi lại truyền thống dân tộc, vun bùi gốc rễ quê hương. Và nhắc đến truyền thống dân tộc Việt Nam là nhắc đến những vị vua là những thiền sư những vị chấn hưng Phật giáo suốt 2.000 năm, đỉnh điểm thời Lý - Trần, dần dần nhắc đến đạo Phật đã hiến tặng cho dân tộc. Từ từ mọi người hiểu thì mình nói tiếp về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi ăn hiền ở lành. Rồi tôi đi vào văn thơ, các tác phẩm, ảnh hưởng đạo Phật trong văn hóa Việt Nam".

Năm 2008, hành trình của thượng tọa Trí Chơn đến với cộng đồng người Việt tại Đức, Ba Lan, Hungary… đặt nền móng để bắt đầu hình thành những ngôi chùa Việt ở trời Âu.

Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhân Hòa ở châu Âu

Trên con đường hành đạo tại châu Âu, sư thầy Trí Chơn không ở khách sạn mà xin ở cùng nhà bà con còn trống phòng để tụng kinh, lễ bái. Sau vài tháng liên tục, Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc ra đời; mỗi tỉnh, thành sau đó có thêm các chi hội.

"Tôi chỉ nghĩ là mình may mắn có được cơ hội phụng sự đạo pháp và làm lợi lạc tất cả mọi người nên cứ đi tiếp hành trình ấy", vị thượng tọa chia sẻ.

Chùa Nhân Hòa tại Ba Lan cưu mang cộng đồng người Việt từ Ukraine đến lánh nạn trong chiến sự

Và cái am nhỏ vài chục mét vuông ở giữa một trung tâm thương mại tại Séc đã được tu sửa, đặt tên là chùa Vĩnh Nghiêm. Sở dĩ có tên này là vì sư thầy Trí Chơn từng có hơn chục năm tu tập ở Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) – nơi được xem là chốn tổ của Phật giáo Việt Nam được gầy dựng từ thời nhà Lý và cũng là trụ sở của Phật giáo Trúc Lâm khi Phật hoàng Trần Nhân Tông thống nhất các hệ phái thành một giáo hội duy nhất.

Năm 2010, chùa Giác Đạo tại Séc cũng được thành hình. Sau này, sư thầy Trí Chơn gầy dựng thêm hàng chục ngôi chùa tại Séc nhưng chỉ nhận trụ trì thêm 3 chùa: chùa Giác Minh, chùa Giác Nguyện và chùa Giác Tâm.

Trong đó, chùa Giác Minh có diện tích đất hơn 4.000m2 với khung cảnh nên thơ có dòng sông đi ngang và bên cạnh là khu rừng quốc gia được bảo hộ. Chùa Giác Đạo thì rộng 3.000 m2 nằm trong khu chợ. Mỗi chùa đều có Ban Hội tự, Phật tử trong ban thay phiên nhau lễ Phật, tụng kinh. Mọi người tự đem bông, trái đến lễ Phật, tự đến dọn dẹp… như nhà của mình.

Tại Ba Lan, năm 2013, chùa Nhân Hòa được khởi công với quy mô xây dựng 800 m2 trên nền đất 8.000 m2 – là ngôi chùa lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Chùa Nhân Hòa mang ý nghĩa đặc biệt về tình tương thân tương ái vì đã tiếp nhận hàng ngàn bà con lưu trú khi vừa xảy ra chiến sự Nga – Ukraine.

Chùa Việt ở châu Âu là cầu nối gắn kết cộng đồng

Tại Đức, thiền viện Giác Tuệ và chùa Pháp Hoa 20.000 m2 cũng lần lượt ra đời là chốn đi về của cộng đồng người Việt. Đặc biệt, trong thiền viện Giác Tuệ có nghĩa trang mang tên "Cõi đi về" làm chỗ an nghỉ cho bà con xa quê. Tất cả chi phí xây chùa đều do bà con chung tay.

Sư thầy bộc bạch: "Những ngày đầu không nghĩ mình có duyên với trời Âu vì thủ tục giấy tờ cực kỳ khó và cách tiếp cận cũng khó. Sau một vài tháng có cái gì đó thúc giục mình thấy bà con ở đây không biết chút gì về đạo Phật nhưng lòng khát ngưỡng thì nồng cháy. Vậy tại sao mình không làm? Rồi khi những cụ già 70 - 80 tuổi ôm ông thầy nói bao nhiêu năm rồi con không được về quê, không thấy ngôi chùa, mà giờ thấy ông thầy ôm khóc tu tu… dần dần mình thấy không thể nào bỏ được".

Gắn kết cộng đồng

Từ ngay chuyến đi đầu tiên đến với cộng đồng người Việt tại châu Âu, thượng tọa Thích Trí Chơn đã đi thăm Đại sứ quán, thăm Hội người Việt, các tổ chức hội, đoàn để gắn kết cộng đồng.

Tại Séc, sau khi thành lập chùa, bà con có chỗ đi về, gửi gắm tình cảm, giỗ, tết cổ truyền, lễ hoằng thuận… hình ảnh dần dần lan tỏa, những người đồng hương gặp nhau tại chùa thường xuyên hơn.

Về phần mình, thượng tọa Trí Chơn vừa đi gầy dựng, vừa mời quý thầy sang hỗ trợ hành đạo. Các thành phố có chi hội Phật tử, về đến chùa có Ban Hội tự hướng dẫn tụng kinh lễ bái duy trì các cơ sở thờ tự.

Đến nay, thượng tọa Thích Trí Chơn đang trụ trì 7 ngôi chùa và một số cơ sở cải gia vi tự tại châu Âu. Sau thời gian dài hoạt động, các ngôi chùa Việt ở trời Âu trở thành điểm đón giao thừa, rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy… và các ngày lễ của dân tộc như: giỗ tổ Hùng Vương, Tết Trung thu, lễ cưới của các bạn trẻ,… Tình cảm quê hương, cộng đồng từ đó càng thêm gắn kết.

Lễ Phật đản mới đây ở chùa Nhân Hòa (Ba Lan) với đông đảo bà con Phật tử cùng các cơ quan đại diện

Điểm khác biệt duy nhất là các chùa ở châu Âu tổ chức sinh hoạt vào chủ nhật vì trong tuần mọi người phải đi làm. Riêng tại Hungary, Séc, Ba Lan có thể không làm chủ nhật nhưng làm vào chiều tối khi mọi người buôn bán xong đoàn tụ về. Do đó, một số buổi lễ xong có khi đã tới 11 - 12 giờ khuya. Nhưng số lượng người đến chùa từ vài chục thuở ban đầu, nay đã lên đến vài ngàn người.

Chữa lành nỗi khổ niềm đau

Trước khi bùng dịch Covid-19, thượng tọa Thích Trí Chơn mỗi năm đều thu xếp đi các chùa 2 – 3 lần để gặp bà con, tổ chức các buổi thuyết pháp. Hình ảnh một đoàn hơn 30 người ra đón sư thầy ở sân bay khiến vị xuất gia có cảm xúc như trở về nhà.

Bà con người Việt ra sân bay đón sư thầy như đón người thân

Cuối tháng 4 âm lịch vừa qua, sư thầy có chuyến đi ghé qua các chùa để tổ chức đại lễ Phật đản cho bà con xa xứ. Không khí ấm cúng của ngày trở về, của các buổi thuyết pháp, lễ tắm Phật,… lại một lần nữa khiến sư thầy - kiều bào xích lại gần hơn nữa.

Nhiều năm liền, bà con trong cộng đồng người Việt tại châu Âu tìm đến sư thầy tâm sự để được chữa lành giữa bộn bề cuộc sống. Vị thượng tọa cho hay, cuộc sống mưu sinh ở thế giới phương Tây khiến một số bà con có tổn thương trong lòng, không có người để sẻ chia, bị trầm cảm, stress, thậm chí có người chán sống. 

Đại lễ Phật đản tổ chức vào chiều 11.6 (tức 23.4 âm lịch) vừa qua tại thành phố Dresden (Đức) 

"Cuộc sống hải ngoại thường cộng đồng có sự kiện gì bà con mới tụ về, còn không thì nhà ai nấy ở. Vì vậy khi có tổn thương chữa lành rất khó, mình chỉ dựa vào lời dạy của Đức Phật mà chia sẻ với bà con, làm ấm lại tinh thần, lợi lạc cho bà con. Nhiều khi người ta chăm sóc nhau nhưng thương yêu quá mức thành ràng buộc, trói buộc rồi thành phiền phức. Một người ráng bám vào, một người cứ vùng vẫy làm cả hai nghẹt thở. Chưa kể mối quan hệ trong làm ăn, gia đình…", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.

Hơn chục năm duy trì các chùa Việt ở châu Âu, sư thầy thừa nhận, đi sang hành đạo ở châu Âu thật sự khó khăn bởi muốn tổ chức buổi lễ cũng khó tìm đúng món đồ mong muốn. Người tu ở quê nhà Việt Nam có sự chăm sóc của quý thầy đồng tu, tín đồ Phật tử nên dễ giữ chính mình.

"Còn các vị tăng là đệ tử của mình tại châu Âu ở trong các chùa chỉ có một mình, đòi hỏi ý thức tự giác, phẩm hạnh giới đức phải giữ cho thật nghiêm khắc trước bẫy của cuộc đời. Cộng đồng Phật tử quá kính ngưỡng vị thầy càng không cho phép vị thầy ấy được sai số, có chút gì đó là Phật tử buồn", thượng tọa bày tỏ.

Ở châu Âu không có Giáo hội Phật giáo, do vậy, thượng tọa trụ trì 7 ngôi chùa Việt tự liên kết các chùa lại với nhau tạo thành chuỗi sinh hoạt. Bên cạnh đó, thượng tọa cũng kết nối với các chủ tịch của Trung tâm Phật giáo để lên lịch sinh hoạt, gắn kết cộng đồng với cơ quan đại diện.

Nhắc lại chuyến hoằng pháp ngay tháng Phật đản mới đây, thượng tọa Trí Chơn hoan hỷ kể: "Tại Đức chúng tôi đã tổ chức đại lễ Phật đản ngay trong tòa thị chính - giống như UBND TP của mình, mời quan chức của họ xuống dự. Có vị ngạc nhiên nói "Tôi mong muốn các bạn phát huy hơn nữa tôn giáo truyền thống của các bạn, hãy cho con cháu học tiếng Việt, biết đạo Phật". Còn vị người Việt thì nói "Bao nhiêu năm nay mới nghe được bài pháp, thấy lễ tắm Phật". Cảm xúc của người Việt giữa trời Âu khi đó thật lâng lâng".

Ông Bùi Văn Dư (quê Ninh Bình) sang Ba Lan từ năm 1991 cũng xúc động chia sẻ: "Tôi sang Ba Lan từ năm 1991. Trong ký ức của tôi ngôi chùa là nơi gần gũi, thân quen. Tôi có duyên với đạo Phật từ nhỏ qua ông bà, cha mẹ. Do vậy, khi đặt chân đến chùa Việt ở trời Âu tôi thấy như về nhà, về quê hương vì cảm nhận được tình quê hương, hồn dân tộc, tình đồng hương dưới mái chùa. Nơi đây là chỗ dựa tinh thần, giúp những người xa xứ cảm thấy an lạc, thảnh thơi".

Chùa Nhân Hòa

Ngày 24.2.2022, chiến sự Nga – Ukraine nổ ra. Cộng đồng người Việt sống ở Ukraine tìm nơi di tản, có người bỏ lại tất cả tài sản mấy mươi năm gầy dựng, ra đi với 2 bàn tay trắng. Ba Lan nằm giáp ranh với Ukraine là điểm dừng chân của rất đông người VIệt. Và dòng người Việt cũng đổ về chùa Nhân Hòa bởi đây là ngôi chùa của người Việt lớn nhất ở Ba Lan.

Thời điểm đó, mỗi ngày, chùa đón đón từ 120 – 200 người Việt. Các nhóm thường ở lại từ 7 – 10 ngày, sau đó đi quốc gia khác hay đến nhà người quen và tốp khác lại đến… Chùa Nhân Hòa ở Ba Lan khi đó nổi tiếng cả thế giới. Sư thầy tri sự, Hội người Việt chung tay góp sức lo ăn uống.

Từ Việt Nam, thượng tọa Trí Chơn vận động được khoảng 800 triệu gửi sang Ba Lan để mua mền, chiếu, gối, lo ăn uống cho bà con cộng đồng trong thời gian đó.

Sư thầy tâm sự: "Mình là trụ trì, thời điểm đó không thể nào thấy vậy mà im ru được. Tới khi đó, nhiều người mới biết tôi là trụ trì chùa Nhân Hòa và trong 10 ngày đã gom được 800 triệu, thật biết ơn. Khi bà con rời đi, có người bỏ lại mền, chiếu, gối; có người xin mang theo vì chỉ còn 2 bàn tay trắng, chúng tôi đều hoan hỷ bởi chùa Việt cũng như quê hương, như gia đình mà".

Theo Thanh niên