Chị Hoan (áo xanh) trong những ngày Tết Nguyên Đán bên bạn bè ở Châu Phi
"Tết năm đó với chúng tôi là cả một nỗi háo hức, chờ đợi, lo lắng "không biết container hàng tết" có kịp đến để có lá dong gói bánh chưng?", đó là kỷ niệm về lần đầu đón Tết ở Cameroon của chị Nguyễn Thị Hoan (sinh năm 1981, trú tại Pleiku, Gia Lai), người cùng đoàn công tác đi xây dựng những trạm truyền phát sóng di động ở Châu Phi những năm đầu tiên.
Những ngày tháng làm việc tại Cameroon cùng đoàn công tác của Viettel Cameroon năm 2013 có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của những người con xa xứ như chị Hoan cùng mọi người. Trong nỗi nhớ nhà của chị là hương vị ngọt bùi của mùi nếp quyện thịt ba chỉ thấm đẫm nhân đậu xanh trở thành một niềm thương nhớ và in hằn vị tết đậm quê nhà. Với chị Hoan, ông Đoàn Trinh là “người đàn ông không tuổi” dù đã ngoài 70 nhưng vẫn cùng các đồng nghiệp sang Châu Phi, đó là giá trị tết cổ truyền đầu tiên mà chị và anh em đồng nghiệp được “trải nghiệm” tại Viettel Cameroon năm 2013.
Người Việt ở Châu Phi luôn được chào đón
Vào những ngày cuối cùng của năm 2012, khi năm mới 2013 cận kề với bao hương tết, những người trong đoàn công tác tới hơn 20 người của chị Hoan nhận nhiệm vụ lên đường khảo sát và xây dựng những trạm phát sóng di động đầu tiên tại đất nước thuộc Châu Phi này. Những người ấy lên đường với niềm tin, một chút tự hào, hướng thẳng đến Cameroon.
Đến nơi, những người con đất Việt lần đầu sang đây càng thấm thía nỗi nhớ nhà, và cả những bữa cơm thuần Việt vì văn hóa ăn uống ở đất nước Châu Phi này hoàn toàn khác nhau. Nỗi nhớ nhà, nhớ cơm quê cũng dần bị cuốn theo bởi công việc. Thế nhưng có một nỗi nhớ khác không thể bù đắp được, đó là nỗi nhớ Tết quê hương.
Chị Hoan kể, Tết cổ truyền khi còn ở trong nước ngày càng trở nên bình thường, nhưng khi xa xứ mới thấy đó là những điều “xa xỉ”. Bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ vốn là món “ngán ngẩm” khi nhà, người người đều có được. Nhưng với những người năm ấy ở Châu Phi là cả một nỗi háo hức, chờ đợi, lo lắng “không biết container hàng Tết” có kịp đến để có lá dong gói bánh chưng, có dưa hành, có củ kiệu và các đồ Tết hay không?
Chị Nguyễn Thị Hoan những ngày ở Cameroon
Và khi nhận được những thùng hàng to, khui ra màu lá dong trở vàng, héo quắt sau bao tháng ngày lênh đênh, thì cả đoàn vội vàng tháo từng bó “ngâm” ngay trong thùng nước, làm tươi lại màu lá quê nhà.
Rồi ngày 23 tháng Chạp, theo phong tục là “ngày đưa ông Táo về trời”, chị Hoan cùng mọi người dời về căn nhà thuê để làm trụ sở công ty chưa hề có giường hay bất kỳ vật dụng sinh hoạt nào. Nhà mới chỉ là những căn phòng “thơm” mùi gạch. Chưa có bếp nấu ăn, mọi người đành mượn được bếp của người dân để nấu tạm.
Những ngày cận Tết năm ấy, trong căn phòng nhỏ tại tầng trệt, những gương mặt háo hức, hớn hở cùng nhau gói bánh chưng. Đó cũng là thời khắc, mà những người con đất Việt gọi “quý giá nhất, không bao giờ quay lại” bởi có những anh em kỹ thuật lần đầu tiên biết gói bánh chưng là gì. Không gian ấy ấm cúng với những câu chuyện về gia đình, về cha mẹ, về con cái làm tất cả mọi người lại trỗi dậy nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương khôn xiết mà rưng rưng xúc động.
Đoàn công tác của Viettel những ngày đầu tiên đi khảo sát tại Cameroon
Mọi công tác chuẩn bị Tết cũng đầy đủ nhất, dù vẫn còn rất thiếu thốn. Trưa 30 Tết, ở Cameroon đang là nửa đêm tại Việt Nam, một bữa cơm đón giao thừa của những người xa xứ đi xây dựng ở Châu Phi cùng khách mời là đối tác công ty và một vài người bạn người Việt Nam đang công tác tại Cameroon với bao dư vị ngọt ngào. “Lúc ấy, chị em tôi cũng mặc áo dài, chưa bao giờ trang phục ấy lại đẹp và thiêng liêng đến thế. 6h kém, chúng tôi ai cũng “tranh thủ” gọi về chúc Tết gia đình thăm con cái, ai cũng “đỏ hoe mắt” vì nhớ thương!”, chị Hoan bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc ấy.
Đúng 12h trưa tại Cameroon cũng là lúc giao thừa tại Việt Nam, những ly rượu vang nâng lên, mọi người cùng chúc mừng nhau, đón chào năm mới. Chị nhớ, có những ly rượu được uống hết như “nuốt trọn niềm thương nhớ vào trong. Ngày giao thừa hôm ấy, có gia đình ông Phillip - “Việt kiều” quốc tịch Pháp, gia đình chị Thuyên, anh Dũng… là những người Việt Nam đang sinh sống tại Cameroon cùng chu niềm vui Tết nơi xứ người. Với riêng chị Hoan, đôi mắt ngân ngấn lệ vì có lẽ chị là phụ nữ - lần đầu tiên xa con vào dịp Tết Nguyên đán ở nơi cách quê nhà hàng ngàn km.
Ông Đoàn Trinh trong những ngày khao sát và lắp đặt trạm phát sóng di động tại Cameroon
Rồi mọi thứ cũng đi vào ổn định, mọi công tác tập trung cao độ cho công việc, nỗi nhớ dần nguôi ngoai, xen vào đó là khí thế quyết tâm cao nhất cho công việc.
Giờ đây, có những người trong đoàn công tác khi ấy vẫn còn ở lại Châu Phi, đón những cái Tết lần 3, lần 4 với nỗi nhớ quê hương khôn xiết khi Tết về. Những gương mặt rắn rỏi, thuần thục như người sở tại thực sự. Tết Châu Phi cũng như Tết quê nhà bởi nỗi nhớ cũng được rèn luyện thành một thói quen để thích ứng không cho mình ủy mị.
“Tết năm ấy, không chỉ với tôi mà tất cả anh chị em sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên được, vì nơi đó Tết không còn là “của riêng gia đình nhỏ” mà hòa thành “một gia đình lớn” yêu thương, gắn bó của những con người đi xa mới thấm được giá trị Tết”, chị Hoan ngậm ngùi.
Với chị Hoan, với những người lên đường đi Châu Phi công tác không chỉ trong công việc xây dựng trạm phát sóng, xây dựng nền tảng Internet cho quốc gia Châu Phi này, mà với cả những người sang lao động, làm việc, học tập tại Châu Phi cũng luôn có một nỗi nhớ da diết về Tết quê mình. Và ở những đất nước châu Phi xa xôi đó, những người như chị Hoan, hay những sỹ quan tại Phái bộ của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Châu Phi không chỉ mang trách nhiệm của công việc, mà đó còn là trách nhiệm lan tỏa văn hóa, sức sống của con người Việt Nam đi khắp nơi.
Theo
Thời Đại