Khu Brunnsparken thường là nơi đông đúc nhất ở Göteborg nay đã trở nên vắng vẻ hơn vì mọi người tự ý thức ở nhà - Ảnh: Liên Jenni Nguyễn

Trong khi hầu hết các quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện chính sách phong tỏa để ngăn ngừa dịch Covid-19, Thụy Điển tuy cấm người nước ngoài nhập cảnh nhưng vẫn duy trì các hoạt động kinh tế và cho phép trẻ em khối mầm non, tiểu học đến trường.

Theo khảo sát trên nhóm Cộng đồng người Việt tại Thụy Điển – Vietnameser i Sverige, phần lớn người Việt cho biết cuộc sống của họ có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng không đáng kể, họ có lo lắng nhưng vẫn bình tĩnh, lạc quan, tin vào chính phủ.

Chị Hồng Vũ (đang sinh sống tại Stockholm là nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất tại Thụy Điển) chia sẻ: “Tự bản thân mình trong thời gian này cũng tránh tập trung ở nơi đông người, tránh dùng phương tiện công cộng và không ra ngoài nếu không cần thiết. Mình đã chuyển sang làm online. Thực ra, không có gì khó khăn lắm vì nhà mình, cũng như nhiều gia đình khác của Thụy Điển từ trước đã không có thói quen giao lưu tụ tập nhiều. Tiền lương của mình trong mùa này vẫn được trả như bình thường nên không lo về kinh tế”.

Thời điểm mới bùng dịch, nhiều người dân ở Thụy Điển vẫn ra ngoài đi dã ngoại, tắm nắng. Nay đã hạn chế hơn - Ảnh: Stella Nguyễn

Chị Hồng cũng cho biết, thời gian đầu có một số cụ già vẫn đi tàu xe công cộng, ngồi quán cafe tắm nắng… Tuy nhiên, hiện tại đa số đã tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ nên lượng người ra đường, đi mua sắm, cafe nhà hàng, các khu vui chơi giải trí… đều đã giảm hẳn.

“Xe buýt giờ chỉ cho hành khách lên từ cửa sau vì giữ khoảng cách an toàn cho tài xế. Do vài trường học đóng cửa nên tàu điện cũng vắng hơn so với trước đây, mọi người ngồi cách xa nhau. Các quầy tính tiền ở các cửa hàng, siêu thị đã bắt đầu lắp các bức tường plastic hoặc kính mika để đảm bảo tránh lây nhiễm”, chị Kate Wu - dân cư ở Stockholm, chia sẻ.

Xe buýt chặn cửa vào phía trước để đảm bảo an toàn cho tài xế - Ảnh: Liên Jenni Nguyễn

Biển báo của một nhà hàng đề: “Xin cám ơn vì đã giữ khoảng cách 1,5 mét với người xung quanh bạn” - Ảnh: Liên Jenni Nguyễn

Tình hình ở Göteborg cũng được chị Liên Jenni Nguyễn cập nhật tương tự : “Thụy Điển tuy không đóng cửa nhưng tất cả các hoạt động đều được tạo khoảng cách tiếp xúc, cửa hàng có giờ riêng cho người lớn tuổi mua đồ, dân vẫn ra nhà hàng nhưng rất hạn chế dù thời tiết đã vào xuân. Mình không đi đâu hay gặp gỡ ai. Ra ngoài chỉ để mua đồ ăn vì ở đây mình không trữ đồ ăn hay bất cứ thứ gì. Con gái học trung học thì lên lớp online hàng ngày đã mấy tuần nay, cậu nhỏ học lớp 3 vẫn đến trường. Hai vợ chồng không bị cắt giảm biên chế trong mùa dịch nên kinh tế vẫn ổn. Riêng chuyến về Việt Nam vào mùa hè này đã mua vé và đặt khách sạn nhưng có lẽ sẽ bị hủy".

Anh Điệp Nguyễn, cư dân ở Jonkoping, cho hay mọi thứ vẫn ổn nhưng anh mong muốn chính phủ Thụy Điển nghiêm ngặt hơn trong các quy định giãn cách xã hội. Anh nói nếu ra ngoài, mọi người đều chịu đeo khẩu trang thì sẽ yên tâm hơn. Anh Điệp cho rằng, dù ở đâu thì ý thức cá nhân vẫn là quan trọng nhất.

Chị Liên Nguyễn cho biết bất cứ ai cần sự giúp đỡ trong mùa dịch chỉ cần liên hệ với nhóm Cộng đồng người Việt tại Thụy Điển – Vietnameser i Sverige - Ảnh: Liên Jenni Nguyễn

Dù không ai hoảng loạn nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều gia đình người Việt vẫn không an tâm cho con trẻ đến trường trong mùa dịch, họ tự xin cho con nghỉ ở nhà.

Biết được khó khăn đó, chị Liên Jenni Nguyễn cũng đã kêu gọi trên nhóm Cộng đồng người Việt ở Thụy Điển hỗ trợ giữ trẻ miễn phí cho các phụ huynh phải đi làm. Đồng thời, hỗ trợ mua thực phẩm dự trữ, giao đến tận nhà cho những ai có vấn đề sức khỏe để họ yên tâm tự cách ly. Rất nhiều người đã bình luận hưởng ứng và cho biết họ sẵn sàng giúp đỡ đồng bào trong lúc này.

Theo thanhnien