Tinh hinh ho tro so tan nguoi Viet Nam tu Ukraine tai Sec va Slovakia hinh anh 1
 Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong (phải) thăm hỏi bà con ở sân bay thủ đô Bucharest, Romania. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

 

Những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã triển khai các công tác hỗ trợ người Việt Nam di tản từ Ukraine đến Séc và một số nước lân cận.

Để làm tốt công tác bảo hộ công dân, với tinh thần tương thân tương ái của người Việt, Đại sứ quán kết hợp với Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã thành lập Ban hỗ trợ người Việt Nam di tản từ Ukraine sang Séc.

Thành phần của Ban gồm lãnh đạo Hội người Việt Nam tại châu Âu, lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc, lãnh đạo Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Séc, các chuyên gia tư vấn pháp lý và cán bộ Ban Công tác Cộng đồng, Lãnh sự Đại sứ quán, do đích thân Đại sứ Thái Xuân Dũng làm Trưởng ban.

Về mặt hỗ trợ pháp lý, ngay sau khi được thành lập, Đại sứ quán và lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc đã thường xuyên trao đổi, bám nắm chính quyền sở tại để cập nhật những quy định, hướng dẫn mới nhất của chính phủ Séc, các nước lân cận và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến việc tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine.

Ban đã phát đi các thông báo trên trang thông tin chính thức của Đại sứ quán, trang mạng xã hội của Hội người Việt Nam và Hội thanh niên-Sinh viên Việt Nam và các hội đoàn tại Séc nhằm hướng dẫn cho kiều bào đã sang tới Séc chấp hành đúng các quy định của chính quyền sở tại.

Nhờ thông tin kịp thời của Ban, hàng chục kiều bào từ Ukraine đã kịp thời chuyển hướng sang các nước cho phép tiếp nhận như Áo, Đức, Pháp, Ireland…, hoặc quay trở lại nước xuất phát để làm các thủ tục xin hưởng quy chế tị nạn.

Về mặt hỗ trợ thực tế, Ban đã vận động, kêu gọi cộng đồng người Việt Nam tại Séc quyên góp ủng hộ về vật chất để giúp đỡ những người Việt Nam di tản khỏi Ukraine. Tính đến ngày 8/3, tổng số tiền quyên góp được là khoảng gần 600.000 kuron (gần 600 triệu đồng).

Ngay trong sáng 8/3, đại diện Hội người Việt Nam tại Séc đã trao cho Ban số tiền 20.000 euro để kịp thời chuyển cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và Romania, mỗi nước 10.000 euro để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cho kiều bào di tản từ Ukraine sang.

Bên cạnh đó, Ban còn vận động, quyên góp được một số lượng đáng kể các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người sơ tán như mì tôm, thực phẩm, đồ hộp, nước uống, chăn ấm, áo ấm, thuốc men… Ban cũng kết hợp với Phòng Cứu hỏa, Cứu nạn của thủ đô Prague thiết lập điểm tiếp nhận đồ cứu trợ tại trung tâm thương mại Sa Pa.

Ngoài ra, nhiều kiều bào tại Séc đã không quản ngại khó khăn vất vả tự nguyện đưa đón những người sơ tán Việt Nam từ biên giới vào Séc hoặc từ nhà ga trung tâm đến các địa điểm tập trung trên khắp Séc. Không ít kiều bào tại Séc sẵn sàng thu xếp, dồn phòng để nhường chỗ ở hay nấu những món ăn Việt Nam để phục vụ kiều bào sơ tán.

Tính đến sáng 8/3, đã có khoảng gần 200 người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Séc. Tuy nhiên, khoảng hơn một nửa số này sau khi được trợ giúp, hướng dẫn về pháp lý và hỗ trợ đưa đón đã trở lại các nước xuất phát sau khi rời Ukraine, trong đó chủ yếu là Ba Lan, để tìm cách hồi hương về Việt Nam hoặc thực hiện đúng các quy định để được hưởng quy chế tị nạn của nước tới đầu tiên sau khi rời Ukraine.

Số ở lại, kể cả những trường hợp có người thân quen lẫn không có người quen tại Séc, đều được cộng đồng người Việt bố trí chỗ ăn ở tương đối chu đáo trong thời gian tạm trú tại Séc và tiếp tục làm các thủ tục hồi hương hoặc trở lại nước xuất phát.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến sáng 8/3 do Ủy ban người Việt Nam tại nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức liên quan đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine hiện nay, Đại sứ Thái Xuân Dũng nhấn mạnh do Cộng hòa Séc không giáp Ukraine nên số người Việt Nam chạy sơ tán từ Ukraine sang Séc không đông như sang các nước khác, tuy nhiên những quy định về nhập cảnh, nhập cư của Séc hết sức ngặt nghèo.

Trên cơ sở đánh giá như vậy, Đại sứ quán Việt Nam tập trung ưu tiên cho công tác hỗ trợ pháp lý cho đồng bào, qua đó kịp thời hỗ trợ, xử lý, giúp đỡ hàng chục trường hợp vi phạm quy định của Séc, đặc biệt là một số trường hợp không có giấy tờ tùy thân, tránh cho các trường hợp này bị đưa vào các trại tị nạn chờ trục xuất ra khỏi lãnh thổ Séc.

Đồng thời, Ban hỗ trợ người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Séc cũng nhanh chóng chuyển số tiền quyên góp được từ các nhà hảo tâm tại Séc sang hai địa bàn Ba Lan và Romania là những nơi tập trung đông nhất người tị nạn Việt Nam, để kịp thời mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống, chăn ấm và các nhu yếu phẩm cần thiết nhất cho kiều bào.

Hơn 100 công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Slovakia

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia, tính đến sáng 8/3 đã có khoảng trên 100 công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Slovakia, tuy nhiên phần lớn trong số này lại tiếp tục di chuyển tới một nước khác trong châu Âu.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia đã nhanh chóng triển khai các công tác bảo hộ công dân, như trực tiếp làm việc với chính quyền sở tại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú tạm thời cho người Việt Nam sơ tán, đồng thời thiết lập kênh liên lạc trực tiếp 24/24 với Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Slovakia; bố trí cán bộ trực bảo hộ công dân thường xuyên; nắm bắt thông tin kịp thời, trực tiếp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang.

Tinh hinh ho tro so tan nguoi Viet Nam tu Ukraine tai Sec va Slovakia hinh anh 2
 Kiều bào sơ tán từ Ukraine chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay thủ đô Bucharest của Romnia để về nước. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

 

Bên cạnh đó, Đại sứ quán liên tục cập nhật thông tin, hướng dẫn kiều bào đăng ký hồi hương qua các đầu mối hội, đoàn và các trang facebook của Hội người Việt Nam tại Slovakia và các chi hội tại các tỉnh, thành phố khác trên toàn Slovakia và trên trang Web của Đại sứ quán.

Đối với trường hợp bị thất lạc giấy tờ nêu trên, Đại sứ quán sẽ lập hồ sơ, xác minh với Cục Lãnh sự để cấp giấy tờ cần thiết sớm nhất để người này có thể đi lại, di chuyển tại Slovakia.

Trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại và các hội, đoàn người Việt Nam tại Slovakia chia sẻ thông tin, kịp thời hỗ trợ các công dân từ Ukraine sang, hướng dẫn thủ tục đăng ký hồi hương cho những người có nguyện vọng…

Theo đánh giá của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Slovakia rất chủ động, tích cực và có nhiều hoạt động giúp đỡ người Việt Ngam từ Ukraine sang như thu xếp chỗ ăn, chỗ ở, hỗ trợ đưa đón kiều bào, quyên góp đồ dùng, thực phẩm để đóng gói, vận chuyển lên khu vực cửa khẩu.

Đặc biệt, các hội, đoàn người Việt Nam tại thành phố Kosice (Chi Hội Người Việt Nam tại Kosice, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên) là khu vực gần các cửa khẩu giữa Slovakia và Ukraine, đã tổ chức các nhóm cứu trợ, thay phiên nhau túc trực để đón và hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang, cung cấp đồ ăn, thức uống, bố trí đi lại, nơi ăn nghỉ cho những người Việt sơ tán.

Đại sứ quán đã cùng với các hội, đoàn (Hội Người Việt Nam tại Slovakia, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Slovakia) kêu gọi quyên góp ủng hộ những người Việt sơ tán. Phong trào quyên góp, ủng hộ diễn ra rộng khắp, được nhiều người hưởng ứng, ủng hộ. Đến nay, số tiền quyên góp đã lên tới trên 10.000 euro cùng nhiều thực phẩm và vật dụng cần thiết khác.

Đại sứ Nguyễn Tuấn đánh giá rất cao tinh thần chủ động, nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ của kiều bào cộng đồng Việt Nam tại Slovakia. Theo Đại sứ, trong những ngày vừa qua, người Việt sinh sống tại Slovakia đã thể hiện tình đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái sâu sắc với những người đồng hương.

Các hội đoàn còn phân công các hội đồng hương theo tỉnh, thành đón tiếp người đồng hương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các kiều bào ở nơi đất khách quê người. Đây cũng chính là biểu tượng đẹp đẽ về tình làng nghĩa xóm, tình đồng hương, tình đồng bào của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

Theo Vietnamplus