Người dân ở Đức đã trải qua 5 tháng liên tục phải tuân thủ lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ở Đức có xu hướng mất kiểm soát, ngày 22/3, Thủ tướng Angela Merkel cùng thủ hiến 16 bang đã đồng thuận về việc gia hạn các biện pháp hạn chế cho đến ít nhất là ngày 18/4.
Lần đóng cửa kéo dài này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
Chị Lương Thị Hằng, y tá tại Bệnh viện Đại học Cologne, bang North Rhine-Westphalia, cho biết kế hoạch của chị bị xáo trộn do làn sóng lây nhiễm mới.
“Từ khi đại dịch bắt đầu, mình chưa nghỉ phép. Vì vậy, mình dự định lấy phép để đi du lịch, chuyển nhà và về Việt Nam nghỉ hè. Nhưng Đức cứ phong tỏa kéo dài như thế làm mình phải hoãn hết các kế hoạch”, chị Hằng chia sẻ với Zing.
Y tá đang làm việc tại khoa chăm sóc bệnh nhân Covid-19 này cũng cho biết việc Đức tiếp tục các biện pháp hạn chế để chống dịch khiến chị và nhiều người hoang mang, mệt mỏi.
“Đức đã gồng mình chống Covid-19 hơn một năm, chương trình tiêm chủng cũng đang được triển khai nên mọi người nghĩ trong kỳ họp lần này, chính phủ Đức sẽ nới lỏng phong tỏa. Nhưng giờ mọi thứ diễn ra theo hướng ngược lại nên mình khá hoang mang vì không biết bao giờ chuyện này mới kết thúc”, chị Hằng nói thêm.
Cũng như chị Hằng, tiến sĩ Lê Đức Dũng, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc của Bệnh viện Đại học Wuerzburg, bang Bavaria, phải hủy kế hoạch nghỉ lễ Phục sinh của mình.
“Thông thường, lễ Phục sinh là dịp để mình lấy phép để nghỉ ngơi, đi du lịch và thăm bạn bè. Nhưng với tình hình này thì mọi kế hoạch đều phá sản”, anh Dũng, người vừa được vinh danh tại Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 47 của Hiệp hội Ghép tế bào máu và tủy châu Âu (EBMT), nói với Zing.
|
Anh Lê Đức Dũng là nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc Bệnh viện Đại học Wuerzburg, bang Bavaria. Ảnh:NVCC. |
Anh Dũng cũng là chuyên gia về khủng hoảng liên quan đến dịch bệnh của Berlin Crisis Solution. Anh cho biết các đợt phong tỏa liên tiếp ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống người Việt tại Đức, từ tâm lý cho đến công việc.
“Mỗi lần phong tỏa, trẻ em sẽ phải học online. Con mình cảm thấy học như vậy không hiệu quả. Cả năm nay, bé không được đến trường gặp thầy cô hay bạn bè, như mất một năm tuổi thơ vậy!”, anh Dũng chia sẻ.
Cả anh Dũng và chị Hằng đều là nhân viên y tế, vì vậy công việc của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, với những người lao động Việt Nam tại Đức khác, đại dịch có thể khiến cuộc sống của họ đảo lộn.
“Mình biết một số nhân viên văn phòng bị sa thải hoặc giảm giờ làm. Có những công nhân đã làm việc gần 30 năm, chỉ còn vài năm là được nghỉ hưu nhưng vì đại dịch mà nằm trong diện cắt giảm nhân sự”, chị Hằng kể với Zing.
Phong tỏa trước khi quá muộn
Mặc dù kế hoạch của mình bị ảnh hưởng, anh Dũng cho rằng việc kéo dài phong tỏa tại Đức là rất cần thiết.
“Đức bắt buộc phải phong tỏa, nếu không thì các bệnh viện sẽ chịu áp lực. Một khi các cơ sở y tế quá tải, không chỉ người mắc Covid-19 mà các bệnh nhân khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”, anh Dũng nói.
Thật vậy, ngày 1/4, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát các bệnh truyền nhiễm của Đức, ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 trên 100.000 dân trong 7 ngày là 137 ca, cao nhất từ giữa tháng 1, theo Reuters. Trước đó 10 ngày, con số này chỉ vừa chạm mức 100.
“Chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng cho thấy làn sóng lây nhiễm lần này sẽ tồi tệ hơn 2 đợt dịch trước đó”, Lothar Wieler, Chủ tịch RKI, phát biểu ngày 26/3.
Ông Wieler cũng cảnh báo Đức có thể ghi nhận tới 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, Đức kiểm soát dịch hiệu quả, thành công ngăn chặn các chuỗi lây lan và giúp bệnh viện tránh được tình trạng quá tải.
|
Đợt phong tỏa kéo dài của Đức làm chị Hằng phải hoãn rất nhiều kế hoạch. Ảnh:NVCC. |
Tuy nhiên, sang các đợt dịch tiếp theo, Đức gần như “vỡ trận”. Chuyên gia Dũng chỉ ra rằng vẫn có một bộ phận người dân phản đối các chính sách phong tỏa, yêu cầu đeo khẩu trang và từ chối tiêm phòng.
“Người Đức quá chủ quan sau thành công của đợt phong tỏa đầu tiên. Vì vậy, họ không sợ nữa và vẫn đi ra ngoài tụ tập”, anh Dũng nói thêm.
Chị Hằng cũng có cùng quan điểm trên. Y tá này cho biết đa số bệnh nhân khoa chị tiếp nhận đều từng “lén” tiếp xúc gần với người khác dù chính phủ chỉ cho phép tối đa hai hộ gia đình gặp nhau.
“Khi điều tra lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân, mình phát hiện họ vẫn gặp khá nhiều người. Ngoài ra, phần đông bệnh nhân là người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước Nam Á. Nhiều thế hệ trong gia đình họ thường sống cùng nhau, vì vậy, virus cũng dễ lây lan hơn”, chị Hằng chia sẻ.
Ngày 1/4, Đức ghi nhận 24.300 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại đây lên 2.833.173, theo RKI. Quốc gia này cũng có thêm 201 trường hợp tử vong, nâng tổng số nạn nhân lên 76.543.
“Chính phủ Đức đã làm hết sức”
Hiện tại, nhân viên y tế và người già trên 80 tuổi là đối tượng được ưu tiên tiêm phòng Covid-19 tại Đức.
Chị Hằng đã chủng ngừa vaccine của Moderna vào tháng 2 và tình nguyện chuyển từ khoa chấn thương sang chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Trao đổi với Zing, y tá này cho biết từ lúc hoàn thành tiêm ngừa đến nay, khoa chị chưa có nhân viên y tế nào bị lây Covid-19 từ bệnh nhân.
“Bọn mình tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nên đã được tiêm hết. Trước tháng 2, cứ vài hôm lại có đồng nghiệp mắc Covid-19 hoặc phải cách ly”, chị Hằng nói.
Chiến dịch tiêm vaccine của Đức đang khiến người dân giận dữ vì diễn ra quá chậm chạp. Theo số liệu của Bộ Y tế Đức, tính đến ngày 1/4, chỉ 11,6% dân số, tức hơn 9,6 triệu người, được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Con số này thấp hơn nhiều so với Mỹ, Anh và Israel.
Tuy nhiên, chị Hằng cho biết mình nhận thấy “chính phủ Đức đã làm hết sức”.
|
Chị Hằng được chủng ngừa vào tháng 2 và tình nguyện chuyển sang khoa chuyên chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Trong ảnh là giấy chứng nhận đã tiêm 2 mũi vaccine Moderna của chị. Ảnh:NVCC. |
Anh Dũng cũng nằm trong diện ưu tiên tiêm vaccine. Song chuyên gia này phải đợi đến giữa tháng 4 thì mới được chủng ngừa mũi đầu tiên do đăng ký muộn. Anh cho biết đa số đồng nghiệp của mình đã hoàn thành chủng ngừa.
“Đức tiêm chủng khá chậm. Mình nhận thấy điều này có thể là do 2 nguyên nhân, thiếu vaccine và tâm lý e ngại của người dân”, anh Dũng cho biết.
Chuyên gia này nói khi chiến dịch tiêm chủng mới bắt đầu, chỉ 60% người Đức được khảo sát trả lời rằng họ muốn được chủng ngừa Covid-19.
“Thậm chí, một số đồng nghiệp của mình cũng không muốn tiêm”, anh Dũng nói thêm.
Tuy nhiên, hiện tại, chuyên gia này nói số người muốn tiêm vaccine ở Đức đang dần tăng lên. Chính phủ Đức cũng đang hy vọng có thể bắt đầu tiêm chủng đại trà vào mùa hè năm nay.
“Mặc dù mình sẽ được tiêm vaccine mRNA (vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna đều là mRNA vaccine), nếu đổi thành AstraZeneca, mình cũng sẽ tiêm thôi. Mình không e ngại gì đâu”, anh Dũng nói với Zing.
“Các nhà khoa học dự đoán khi 60-70% dân số được chủng ngừa thì đại dịch mới phần nào được kiểm soát. Hiện tại, Đức mới chỉ tiêm cho 11% dân. Khi nào con số này tăng lên thì cuộc sống mới dần trở lại bình thường được”, anh Dũng nói thêm.
Theo Zing