Học sinh lên xe buýt đến trường ở Canterbury, New Zealand. Ảnh: Torlessetravel
Tại
Phần Lan, học sinh sống cách trường gần nhất trên 5 km hoặc gặp các trở ngại trong việc đến trường sẽ được đi xe buýt đi học. Các xe buýt chở học sinh luôn có ký hiệu ở trước và sau xe, và chỉ được di chuyển với vận tốc tối đa 80 km/h.
Con trai của chị Hòa, sống ở thủ đô Helsinki, mới học lớp 5 nhưng đã được mẹ cho tự đến trường bằng xe buýt để rèn luyện tính tự lập. Dù quốc gia này không có hệ thống xe buýt trường học riêng, chị vẫn rất an tâm bởi từ đầu năm học, nhà trường đã gửi thông tin của từng học sinh cho công ty xe buýt nhà nước HSL để đăng ký và dựa vào đó quản lý.
Các em sẽ được phát thẻ đi xe buýt miễn phí và hàng ngày tự đi bộ ra bến xe, lên xe xuống xe, tự đi vào trường rồi lại tự đi về nhà khi hết giờ học. Học sinh nào đi lạc hoặc gặp nguy hiểm gì đều có người lớn can thiệp, giúp đỡ tận tình.
"Con trai tôi từng bị lạc rồi, nhưng không sao, vì đi lạc ở đây kiểu gì cũng được giúp đỡ để về lại nhà", chị Hòa nói.
Với trẻ khuyết tật, sở giáo dục thành phố sẽ điều phối ôtô riêng đến tận nhà đưa đón đi học. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với phụ huynh và nếu trẻ vắng mặt, họ sẽ ngay lập tức thông báo cho gia đình. Vì vậy, việc trẻ bị bỏ quên trên xe khi đến trường là không thể xảy ra như sự việc thương tâm đối với bé Lê Hoàng Long, học sinh lớp 1 trường Gateway, Hà Nội.
Khi đọc được thông tin về chuyện bé Long được phát hiện tử vong hôm 6/8 vì bị bỏ quên 9 tiếng trong xe buýt của nhà trường, chị Thu Phương, ở thành phố Auckland, New Zealand, cảm thấy rất xót xa. Điều đáng nói là cô chủ nhiệm khi phát hiện lớp thiếu bé Long đã báo với hệ thống quản trị nhà trường, nhưng cô phụ trách liên lạc phụ huynh đang nghỉ phép nên xảy ra bất cẩn.
Chị Phương cho hay ở New Zealand, việc quản lý học sinh được nhà trường thực hiện rất chặt chẽ bằng phương thức hiện đại để ngăn những sai sót như trên xảy ra. Mỗi khu vực trong thành phố đều có một trường tiểu học, nằm trong bán kính 2-3 km để các bé nhỏ tuổi tiện đi lại. Vì thế, lên trung học, học sinh mới bắt đầu đi xe buýt và mỗi em sở hữu một thẻ xe ghi đầy đủ tên tuổi, mã số do nhà trường cấp.
Chị Phương có một con trai đang học lớp 10 và cũng từng tự đến trường bằng xe buýt. Chỉ cần sau 15 phút không thấy học sinh đến lớp, giáo viên có trách nhiệm nhắn tin thông báo với phụ huynh. Sau đó, gia đình còn nhận được tin nhắn và email xác nhận việc nghỉ học của con và phải trình bày rõ lý do để nhà trường xét duyệt.
"Ngày hôm sau, tôi sẽ được biết lý do đến muộn hay nghỉ học của con có được nhà trường chấp nhận hay không thông qua trang web quản lý giờ học. Điều này sẽ tính vào điểm chuyên cần cuối năm của con", chị Phương cho hay. "Họ cũng đề nghị thông báo với trường nếu con có khả năng đi học muộn để biết trẻ có an toàn không".
Có cơ hội sinh sống ở cả Australia và Đức, chị Tuyết Trần cho biết con gái chị tự bắt xe buýt đi học suốt mấy năm mà không có vấn đề gì xảy ra. Học sinh ở hai quốc gia này hầu hết đến trường bằng xe buýt công cộng, nhưng cũng có những trường có xe đưa đón học sinh riêng. Sau khi đến điểm cuối, tài xế có trách nhiệm kiểm tra xem trên xe còn ai và đồ đạc gì bị bỏ quên hay không.
"Nếu học sinh vắng mặt, chỉ 15-20 phút là giáo viên gọi điện báo cho gia đình ngay", chị Tuyết cho hay. "Nếu học sinh nghỉ quá hai ngày thì phải có giấy xác nhận của bác sĩ. Không thể có chuyện để quên học sinh trên xe buýt được".
Tuy nhiên, theo chị, đã có những bố mẹ lĩnh án tù vì quên con trên ôtô dẫn tới tử vong, dù trường hợp này rất hi hữu. "Việc để quên học sinh trên xe buýt như trường hợp ở trường Gateway là một sự tắc trách. Người quản lý trẻ con phải rất cẩn trọng và việc kiểm tra nhiều lần là cần thiết nếu học sinh vắng mặt mà không có lý do", chị nói.
Sinh sống tại New York, Mỹ, chị Đào Phương cho con trai Alex đi học mẫu giáo bằng xe buýt từ khi chưa đầy 3 tuổi, đến nay đã 5 tuổi rưỡi và rất an tâm.
Mỹ nổi tiếng với hệ thống xe buýt trường học riêng do các học khu quản lý và vận hành, có màu nổi bật và là phương tiện được ưu tiên hàng đầu khi tham gia giao thông. Mỗi năm, hệ thống xe buýt trường học cung cấp ước tính 10 tỷ chuyến trên khắp nước Mỹ. Mỗi ngày, có khoảng 475.000 xe buýt vận chuyển 25 triệu trẻ em Mỹ đến trường và các hoạt động của trường.
Trẻ em đi học bằng xe buýt trường học ở Mỹ. Ảnh: Macallister transportation
Tài xế xe buýt trường học ở Mỹ giữ vai trò vô cùng quan trọng, là người chịu trách nhiệm về an toàn của các học sinh. Vì thế, ngoài bằng lái xe, họ còn phải trải qua quá trình đào tạo bắt buộc về đón trả khách, xử lý trường hợp khẩn cấp và phòng ngừa tai nạn.
"Hàng ngày, xe đến đón và trả Alex ngay cửa nhà tôi. Trên xe ngoài tài xế còn có một cô giáo hỗ trợ cháu ngồi vào ghế dành cho trẻ em, thắt dây an toàn, tất cả cặp sách được đặt dưới chân", chị Phương cho biết. "Xe có hệ thống định vị. Bố mẹ luôn có số điện thoại của lái xe, phụ xe và công ty xe buýt để phản ánh bất kỳ điều gì khiến trẻ không thoải mái như tài xế lái xe nhanh quá, bật nhạc to quá, xe đến sớm hay muộn quá...".
Để kiểm soát số lượng học sinh, Alex hay bất kỳ trẻ nào lên hay xuống xe cũng phải có người ký xác nhận vào danh sách. Đặc biệt, xe buýt trường học ở Mỹ được trang bị hệ thống còi cảnh báo để ngăn trường hợp trẻ bị bỏ quên. Tài xế muốn ngắt động cơ và rời khỏi xe thì phải đi xuống cuối xe để tắt còi, buộc họ kiểm tra xem còn học sinh nào hay không. Khoảng 30 phút sau khi xe đưa học sinh đến trường, nếu giáo viên không thấy trẻ sẽ nhanh chóng gọi điện cho gia đình để thông báo.
"Sự việc ở Hà Nội quá đau lòng", chị Phương nói."Trẻ em ở giai đoạn này rất cần yêu thương và an toàn. Tôi mong các gia đình và nhà trường chú trọng chăm sóc tinh thần của trẻ thay vì đặt nặng chuyện học hành".
Theo
vnexpress