Hoàng Xuân Trang. Ảnh: CNA
Kinh doanh tại một thị trường đầy cạnh tranh như Đài Loan vốn chẳng dễ dàng gì, nhất là đối với một người ngoại quốc như Hoàng Xuân Trang. Nhưng nhờ quyết tâm mạnh mẽ cô đã vượt qua rất nhiều khó khăn, vừa đi làm vừa học tiếng Trung, đứng dậy sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhận được giấy chứng nhận kỹ thuật viên làm đẹp và cuối cùng, mở một spa chăm sóc sắc đẹp của riêng mình.
Giờ đây, cô là nguồn cảm hứng cho những cô dâu Việt Nam khác lấy chồng tại Đài Loan. Hiểu được khó khăn như thế nào đối với một cô dâu Việt muốn thành công tại xứ người, cô dành một phần tư thu nhập của mình để dạy tiếng Trung cho họ.
“Tôi muốn dạy cho họ không chỉ tiếng Trung, mà cả kinh nghiệm sống, để một ngày nào đó, họ cũng (như tôi), có thể tự chủ về kinh tế”, Trang nói.
Vạn sự khởi đầu nan
Nhớ lại những ngày đầu mới sang Đài Loan, Trang nói thay vì ở nhà làm nội trợ, cô muốn giúp chồng kiếm thêm thu nhập.
Cô đi làm phục vụ tại nhà hàng, phát tờ rơi tại các trạm tàu điện ngầm, tuy nhiên, vì không có ngôn ngữ nên cô gặp khá nhiều khó khăn. Có lần, Trang cảm thấy rất bối rối vì không hiểu khách yêu cầu món gì. Chính điều đó càng thôi thúc cô phải học tiếng Trung.
Thời gian đầu, cô học miễn phí tại một nhà thờ sau đó đăng ký vào một trường tiểu học địa phương để rèn luyện thêm các kỹ năng của mình.
Sau nhiều năm làm việc tại nhà hàng, bằng sự chăm chỉ và tận tâm, Trang nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của sếp và được đề bạt vào vị trí quản lý với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, điều đó không thỏa mãn mong muốn tự kinh doanh làm chủ của cô. Trang quyết định nghỉ công việc tại nhà hàng và bắt đầu học việc tại một tiệm làm đẹp, đồng thời đăng ký vào trường dạy nghề để được đào tạo bài bản hơn.
Tuy nhiên, số tiền học phí 70.000 Đài tệ quá lớn Trang không thể trả nổi. May mắn thay, cô gặp được một giáo viên hướng dẫn tại trường, người rất xúc động trước quyết tâm của Trang nên đã sẵn sàng giúp cô chi trả học phí.
Trang đã mất nhiều năm để trả lại số tiền này, nhưng cô chưa bao giờ khiến người hướng dẫn thất vọng.
Mong muốn được tự chủ
Với kinh nghiệm tích cóp được khi học việc tại spa và các kiến thức học tại trường nghề, Trang cuối cùng cũng vượt qua bài kiểm tra và được cấp chứng nhận kỹ thuật viên làm đẹp cấp ba, mức độ tối thiểu cần thiết để đi vào kinh doanh. Sau đó cô tự mở tiệm làm đẹp của riêng mình, thuê một cửa hàng nhỏ để phục vụ khách hàng.
Do phải làm việc đến tận đêm muộn nên vợ chồng Trang thường xuyên cãi vã. Chồng không hiểu được mong muốn tự chủ về kinh tế của cô nên cuối cùng, cuộc hôn nhân của họ đã kết thúc.
Đó là một cú sốc rất mạnh đối với Trang. Việc chồng cô giành được quyền nuôi con trai càng làm cô thêm đau đớn, nhưng Trang vẫn tiếp tục kiên trì với sự nghiệp.
Vào thời điểm Trang ly hôn, cô đã được cấp quốc tịch Đài Loan và có thể ở lại sinh sống tại hòn đảo này. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, cô đã khai trương được một spa làm đẹp khang trang vào đầu tháng 4 vừa rồi.
Khi công việc kinh doanh ngày càng phát triển, Trang bắt đầu đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là đối với những người phụ nữ đồng hương Việt Nam giống cô, sang Đài Loan lấy chồng.
Theo số liệu của Đài Loan vào năm 2017, khoảng 530.000 công dân nước ngoài đã được nhập quốc tịch Đài Loan thông qua kết hôn. Trong đó, có khoảng hơn 100.000 người Việt Nam.
Trang cho biết rất nhiều cô dâu Việt Nam tại Đài Loan không thể nói tiếng Trung cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp ngôn ngữ đối với việc hòa nhập xã hội. Chính vì vậy, Trang đã thành lập một trang Facebook để dạy tiếng Trung cho người Việt tại Đài Loan và rất được đón nhận.
“Tôi cảm thấy rất ấm lòng khi nhiều người háo hức học ngôn ngữ, điều đó khiến tôi càng muốn làm nhiều hơn nữa’’, Trang nói.
Từ năm ngoái, Trang và một số người đồng hương Việt Nam đã mở một lớp tiếng Trung vào sáng Chủ nhật hàng tuần, với khoảng 20 người theo học.
Trang cho biết cô dành khoảng một phần tư thu nhập của mình để hỗ trợ trường miễn học phí, mua sách giáo khoa, bút và các giáo cụ cần thiết khác cho việc giảng dạy.
Lớp học tiếng Việt của cô dâu và lao động nhập cư người Việt Nam tại Đài Loan
Đồng thời, cô cho biết rất vui khi thấy Đài Loan chào đón nhiều người Việt Nam hơn. Một số người Đài Loan, như mẹ chồng hay chồng của các cô gái Việt cũng đến lớp của Trang để học tiếng Việt, với mong muốn có thể giao tiếp trong gia đình của họ.
“Tôi vui mừng khi thấy rằng việc học ngôn ngữ đã trở thành một cầu nối, giúp cả hai bên hiểu nhau hơn’’, cô nói.
Dù những hoạt động này chiếm khá nhiều thời gian và tiền bạc, Trang vẫn cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì thấy cuộc sống của mình có nhiều ý nghĩa.
Theo thoidai