Các hội, đoàn, nhóm của người Việt ở Đài Loan ( Trung Quốc) được thành lập trong thời gian qua đã góp phần gắn kết những người con xa xứ. Qua đó, quảng bá hình ảnh, văn hóa của dân tộc, giúp người bản địa hiểu hơn về Việt Nam. 

Lấy chồng người Đài Loan ( Trung Quốc), chị Trần Ngọc Thủy luôn cố gắng làm sao xóa được khoảng cách và rào cản về văn hóa trong gia đình từ những việc hàng ngày, đó là dạy con nói tiếng Việt hoặc là nấu những món ăn Việt cho chồng, con. Chị tâm sự: muốn bạn bè hiểu về Việt Nam thì trước tiên phải hiểu được phong tục, tập quán và ngôn ngữ. Đó cũng là lý do chị tham gia vào việc thành lập Hiệp hội kế thừa văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Đài Loan.


Chị Trần Ngọc Thủy, người Việt tại Đài Loan ( Trung Quốc)

Tới nay, sau 10 năm hoạt động, Hiệp hội có khoảng 80 thành viên, hầu hết là các cô dâu Việt và giáo viên dạy tiếng Việt ở các nơi, trong đó Đài Bắc chiếm số lượng lớn. Hiệp hội đã làm tốt vai trò của mình là quảng bá văn hóa Việt, ngôn ngữ và nghệ thuật Việt Nam thông qua  tổ chức  dạy tiếng Việt lồng ghép với những vở kịch ngắn, những chương trình nghệ thuật mà các thành viên diễn tự biểu diễn và sau đó, phát sóng trên truyền hình. Chị Trần Ngọc Thủy cho biết thêm: “ Khi chúng ta có Hiệp hội thì thông qua đó quảng bá Hiệp hội cho các đơn vị ỏ Đài Loan. Nhiều nơi mời Hiệp hội đến tham gia ca hát, múa những bài truyền thống của Việt Nam, diễn thuyết khoảng  2 đến 3 tiếng giúp cho đơn vị hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hóa Việt. Các chị em nhận thức được và chia sẻ về văn hóa Việt Nam. Người Việt tại Đài Loan mời doanh nhân người Đài, các chị em tân di dân đến tham gia giao lưu và cùng các Hiệp hội khác đến quảng bá văn hóa Việt, tham gia MC, biểu diễn...”


Những hoạt động của Hiệp hội đã góp phần giới thiệu cho người bản địa về văn hóa Việt Nam cũng như giúp người Việt gắn kết và hòa nhập tốt hơn ở nước sở tại. Nhóm 5 sao Việt của chị Phạm Trịnh Thùy Linh, được thành lập cũng nhằm mục đích hướng tới các chị em tân di dân mới đến để hỗ trợ cũng như những người Đài lớn tuổi chưa hiểu về văn hóa Việt Nam. Các chị đều là những giáo viên dạy mỹ thuật, ẩm thực, văn hóa Việt... tập hợp nhau lại cùng tham dự cuộc thi viết kế hoạch văn hóa cho Chính phủ.

Trong số 20 đội được lựa chọn, duy nhất Nhóm 5 sao Việt có toàn người Việt. Chị Trịnh Phạm Thùy Linh, một thành viên của nhóm chia sẻ về mục tiêu của Nhóm là:  “Các chị em tân di dân mới đến để giúp hòa nhập với cuộc sống của Đài. Còn giúp người Đài hiểu về văn hóa , chúng em mở lớp tiếng Việt về văn hóa, ẩm thực và thủ công Việt Nam. Mở hội chợ triển lãm. Đối tượng Đài Loan làm ra được sản phẩm mang đi trưng bày, tổ chức các cuộc thi hái hoa dân chủ giúp người Đài hiểu về văn hóa Việt Nam, hoặc các trò chơi văn hóa dân gian  Việt Nam. Người việt vượt qua 5 cửa của người Đài và người Đài vượt qua 5 cửa của Việt Nam được thưởng”.

Những hoạt động vừa mang tính giải trí, nhưng đồng thời cũng mang lại hiệu quả lớn: đó là giúp cho người dân hai nước hiểu về văn hóa của nhau và xích lại gần nhau hơn. Những kết quả mà các hội, đoàn thu được là giúp cho các cô dâu Việt hòa nhập tốt ở nước sở tại và xóa bỏ những rào cản về văn hóa trong gia đình.


 Nhóm 5 sao Việt tại Đài Loan

Với sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương ở Đài Loan, các hội, đoàn nhóm có điều kiện phối hợp với nhau, thực hiện nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài. Nhờ đó, vai trò, vị trí của các cô dâu Việt tại đây càng được nâng lên. Các chị càng thêm gắn kết và có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các chương trình, hoạt động. Chị Phùng Ngọc Anh, hội trưởng Hiệp hội đề cao quyền lợi và lợi ích cô dâu  thành phố Đào Viên cho biết: “Mục đích của hội chia 2 nhóm: hoạt động dạy cho thế hệ các cháu thứ 2, và một là tham gia công tác xã hội. Chính quyền quan tâm hoạt động của các cô dâu, mơ lớp miễn phí cho chị em để tập trung, lớp nhảy múa Việt. Hiệp hội thường là giao lưu văn hóa, ngày lễ lớn, phối  hợp với các Hiệp hội tổ chức lễ văn hóa vui chơi giải trí, ca hát cho chị em. Chúng tôi sẽ lập nhóm line fb đưa cho chị em để lên tham gia”.

Mong muốn hướng về cội nguồn, giúp bạn bè và người bản địa hiểu về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời thu hẹp những rào cản về văn hóa giữa hai dân tộc là tiêu chí mà các hội, đoàn người Việt đưa ra. Mỗi thành viên khi tham gia đều ý thức và nỗ lực để xây dựng được mục tiêu: văn hóa mang tới những đồng cảm trong tâm hồn và gắn kết con người.

Theo VOV5