Khẩu trang vải và những lời nhắn gửi của bà Hương đến người nhận - ẢNH: NVCC
May hàng ngàn khẩu trang miễn phí
Bà Đinh Hương rời Việt Nam sang Đức định cư đã 30 năm. Thời gian đầu, bà làm trong lĩnh vực nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp. Hiện tại, bà là chủ cửa hàng may mang tên Dinh Huong tại Berlin. Cửa hàng may của bà Hương chủ yếu cắt may rèm cửa, khăn trải bàn, sửa quần áo…
Những ngày dịch Covid-19 bùng phát ở Đức, bà Hương tạm ngưng phục vụ khách hàng. Không nhận thêm các đơn hàng nhưng bà đã cùng các thợ may của mình may khẩu trang vải gửi tặng quê hương thứ hai.
Trò chuyện với Thanh Niên, bà Hương bộc bạch: “Gần 2 tháng nay, tiệm may của tôi đóng cửa nhưng tôi cùng các chị em thợ may và bạn bè của tôi vẫn đến để may khẩu trang tặng người dân. Chúng tôi may khẩu trang hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng viên tại các bệnh viện, viện dưỡng lão, sinh viên, người đi làm tại Berlin và một số thành phố khác trên khắp nước Đức”.
“Đơn hàng” miễn phí đầu tiên của tiệm may xuất phát từ câu chuyện của một điều dưỡng ở viện dưỡng lão. Cô gái chia sẻ với bà Hương về việc mình và nhiều đồng nghiệp không có khẩu trang y tế và phải sử dụng khẩu trang ni lông, điều này khiến họ rất khó thở và khó chịu.
Ngay sau đó bà Hương đã đăng tin sẽ may khẩu trang để tặng lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bà đã sử dụng ngay cửa hàng của mình để may những chiếc khẩu trang với chất liệu cotton.
Tiệm may của bà Đinh Hương tại Berlin - ẢNH: NVCC
Nhiều người Việt cùng chung sức với bà Hương may khẩu trang vải phát miễn phí - ẢNH: NVCC
Tính đến nay, tiệm đã sản xuất và gửi đi hơn 8.000 khẩu trang - ẢNH: NVCC
Các thợ may đều vui vẻ, làm việc nghiêm túc và giữ khoảng cách an toàn - ẢNH: NVCC
Mỗi ngày, các thợ may người Việt tại tiệm Dinh Huong sản xuất được khoảng 100 - 200 chiếc khẩu trang. Tính đến nay, tiệm đã sản xuất và gửi đi hơn 8.000 khẩu trang.
Vì những người may đều đã có kinh nghiệm may nên quá trình này không gặp nhiều khó khăn. Họ không tập trung đông trong tiệm, mỗi lần chỉ khoảng 4 - 5 người tới và luôn giữ khoảng cách an toàn.
Bà Hương cho biết, bên cạnh việc bà tự lo liệu chi phí sản xuất cũng có một số người dân Đức đến tặng vải hỗ trợ tiệm may làm việc thiện.
“Một số công ty đặt khẩu trang chỗ tôi để tặng các viện dưỡng lão, dù tôi nói sẽ tặng nhưng bên công ty họ không nhận. Vì với họ, họ cũng muốn làm từ thiện, họ sẽ chỉ nhận một phần, một phần sẽ trả cho tôi và gọi đó là tiền nguyên vật liệu. Đôi lúc tôi cũng nhận để cả hai bên đều cảm thấy vui nhưng thực tế không có khái niệm buôn bán ở đây”, bà nói.
Chị Lan Phương (người Việt làm việc trong bệnh viện ở thành phố Düsseldorf, Đức) sau khi nhận khẩu trang từ tiệm may của bà Đinh Hương đã phản hồi: “Xin chân thành cảm ơn tiệm may Dinh Huong, hôm nay mình đeo khẩu trang đi làm, các đồng nghiệp đã rất thích và muốn có được như mình. Bây giờ có khẩu trang vải rồi, mình sẽ nhường khẩu trang y tế của mình cho các đồng nghiệp khác cần chúng hơn”.
“Con cũng là chiến sĩ”
Dù đã định cư ở Đức 30 năm, lập gia đình và có công việc ổn định tại đất nước này nhưng bà Hương vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, vì với bà dù đi đâu thì Việt Nam vẫn là quê hương.
Bà Hương có bệnh về đường hô hấp và bệnh xoang mãn tính nên việc bà ra cửa tiệm nhiều để may khẩu trang khiến gia đình không yên tâm. Nhưng nhìn những thợ may vui vẻ làm viện thiện, bà Hương như được tiếp thêm động lực. Đó cũng là lý do bà viết bài thơ gây xúc động: Con cũng là chiến sĩ.
Mỗi ngày, các thợ may người Việt tại tiệm Dinh Huong sản xuất được khoảng 100 - 200 chiếc khẩu trang - ẢNH: NVCC
Con gái bà Hương cùng mẹ việc làm thiện - ẢNH: NVCC
Bà Hương chia sẻ: “Hồi nhỏ tôi hay nghe bài hát Con gái mẹ đã thành chiến sĩ của cố nhạc sĩ Thuận Yến, tôi từng mơ ước được trở thành chiến sĩ bộ đội như lời bài hát. Nhưng không có duyên đi theo con đường ấy thì lúc này tôi may khẩu trang gửi tặng mọi người cũng là để bảo vệ những người xung quanh – như một chiến sĩ – như ước mơ tôi từng mơ”.
“Tôi muốn nhắn nhủ với mẹ mình đang ở Việt Nam rằng dù xuống đường có nguy hiểm đấy nhưng các y bác sĩ, điều dưỡng viên đã như những chiến sĩ, họ vẫn ra ngoài chống dịch, họ không được về với gia đình, họ rất vất vả. Bản thân con có lợi thế là cửa hàng may và nhiều người hỗ trợ thì việc con đang làm cũng như điều tất yếu bản thân phải làm thôi”, bà nói thêm.
Bài thơ Con cũng là chiến sĩ của bà Đinh Hương được viết vào tháng 4.2020. Bài thơ được đăng lên mạng xã hội đã thu hút nhiều người. Chương trình Chúng tôi vẫn ổn của Đài truyền hình Việt Nam cũng nhắc đến bài thơ này.
"Thuở nhỏ nghêu ngao "Con đã thành chiến sĩ"
Áo màu xanh cây súng với vì sao...
Thư gửi mẹ là nỗi nhớ ngọt ngào
Là câu chuyện về gian lao đời lính.
Nay quá nửa cuộc đời con đâu tính
Mong ước gì đi vào chốn hiểm nguy.
Nhưng mẹ ơi giờ cuộc chiến "Cô Vy"
Con và bạn bè cũng trở thành chiến sĩ
...
Vì nơi đây mỗi góc phố, con đường
Mỗi bệnh viện, mỗi nhà dưỡng lão...
Đều thiếu khẩu trang người người loan báo
Nên chúng con khép cửa tới tiệm may
Miệt mài say mê không quản đêm ngày
Gửi khẩu trang đến mọi miền đất nước.
....
Hàng may xong con chuyển phát ngay rồi.
Con nhớ mẹ yêu, lòng dạ bồi hồi
Xin gửi yêu thương vào đường kim mũi chỉ.
Mong mẹ khỏe vui và đừng nhiều lo nghĩ
Con với các bạn hiền sẽ chiến thắng "Cô Vy".
(Trích bài thơ Con cũng là chiến sĩ)
Theo thanhnien