Chị Nguyễn Thị Minh Huyền và chồng là anh Nguyễn Đức Út sang Mỹ du học từ hơn 20 năm trước. Khi tốt nghiệp, kế hoạch về nước của họ bị hủy bởi phát hiện cô con gái mới 10 tháng bị ung thư mắt phải ở lại để điều trị dài hạn.

Món đậu hũ rang muối, tôm rang me của nhà hàng Phở Hà Nội tại San Jose trao tặng bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19 ở California. Ảnh: Helen Nguyen.

Kể từ đó, gia đình nhỏ của chị Huyền trở thành "người quen" của bệnh viện. Sự tận tâm và thái độ chăm sóc của các bác sĩ đã gieo vào lòng vợ chồng chị sự cảm phục. Những ngày con nằm viện, từ San Jose, chị Huyền phải lái xe đến San Francisco, cách đó hơn 70 km chăm con. Có lần, muốn thông báo tin không tốt của con gái chị, bác sĩ mang sẵn khăn giấy, quỳ xuống chân chị Huyền để nói chuyện. "Dù họ nói đó là trách nhiệm, nhưng tôi luôn ghi nhớ sự tận tâm hiếm có này. Chúng tôi đã quá may mắn khi được gặp những thầy thuốc như vậy trong đời", chị nói. Vì lẽ đó, khi biết các bác sĩ phải vật lộn phòng Covid-19, vợ chồng gốc Việt không muốn ngồi không.

"Chúng ta sẽ làm gì đây?", chị hỏi chồng. Thấy nhiều đơn vị hỗ trợ thiết bị y tế, thực phẩm cho bác sĩ, anh Nguyễn Đức Út bàn với vợ "sẵn có nhà hàng mình làm cơm tặng".

Chị Huyền liên hệ với người bạn làm tình nguyện - chuyên vận chuyển đồ tiếp tế của các nhà tài trợ đến cho nhân viên y tế nhờ tìm hiểu và liên hệ nơi nhận. Họ bàn bạc và cùng nhau lên lịch nấu 100 suất ăn mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần (trừ thứ tư do nhà hàng nghỉ để vệ sinh). Đích thân bà chủ nhà hàng lên thực đơn, chọn nguyên liệu để đầu bếp chế biến.

Kể từ đó, hàng ngày căn bếp nổi lửa lúc 8h sáng. Hai tiếng sau, mùi của các món ăn Việt đã tỏa khắp nhà hàng hơn 200 chỗ ngồi. Các nhân viên lập tức xếp cơm nóng, thức ăn vào hộp đã được chuẩn bị sẵn. Đúng 11h, xe chở 100 suất ăn vào bệnh viện để kịp đến tay nhân viên y tế trong vòng một giờ.

Bức ảnh chị Huyền tự tay sắp xếp các khẩu phần cơm tặng bệnh viện được đăng tải trên The Mercury News. Ảnh: The Mercury News.

"Chúng tôi tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc không để thức ăn đã qua chế biến ở ngoài quá bốn giờ đồng hồ", chị Huyền nói.

Ngon miệng và vệ sinh là tiêu chí hàng đầu để các món ăn của các mạnh thường quân "lọt" qua cửa bệnh viện. Vì vậy, dù có thế mạnh là các món truyền thống của Việt Nam như phở Hà Nội, bún bò, bún chả,... nhưng chị Huyền chọn nấu các món ăn phổ thông nhất để các bác sĩ Mỹ đều vừa miệng.

"Chúng tôi đeo bao tay, khẩu trang khi chế biến. Đưa đến viện, nhân viên cũng giữ khoảng cách an toàn với nhân viên y tế chứ không tiếp xúc gần", chị nói.

Trên mỗi hợp cơm đều đi kèm thông điệp: "Cảm ơn bạn đã mang đến sự khác biệt cho cuộc sống của các bệnh nhân. Phở Hà Nội San Jose thay mặt cộng đồng người Việt Nam gửi tặng".

Một y tá người Việt nhắn tin với chị Huyền: "Rất nhiều nơi tặng đồ ăn, nhưng đa phần là thức ăn nhanh nên được ăn cơm em thấy ngon lắm. Em rất tự hào vì người Việt Nam mình cũng chung tay vào cuộc chiến chống dịch bệnh". 

"Tôi muốn viết thư cảm ơn những gì bạn đã làm để hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi. Các bạn là lý do chúng tôi làm việc không mệt mỏi giữ cho cộng đồng của chúng ta luôn khỏe mạnh", bác sĩ Việt Trần từ bệnh viện El Camino Health ở Mountain View - một trong 10 bệnh viện ở California được tặng cơm Việt - viết thư tri ân nhà hàng.

Nhân viên y tế bệnh viện Kaiser permanente Santa Clara, tiểu bang California. Ảnh: Helen Nguyen.

"Chị luôn dặn nhân viên phải nấu thật cẩn thận để vừa ngon, vừa vệ sinh, không thể vì tặng mà làm qua loa. Mỗi ngày hơn 100 suất ăn nhưng đích thân chị kiểm tra từng hộp đựng trước khi chuyển đến viện", chị Phan Tiểu Vân, cầu nối các mạnh thường quân với các bệnh viện, nói.

Chị Vân cho hay, trong các đơn vị chị hỗ trợ kết nối với bệnh viện, đây là nhà hàng Việt đầu tiên tiếp tế nhân viên y tế. Số lượng suất ăn tính đến nay khoảng 4.000 suất - cũng là nhiều nhất. Hưởng ứng hoạt động thiện nguyện của chị Huyền, bốn nhà hàng Việt Nam khác cũng đã hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho bệnh viện.

Ban đầu, kinh phí của vợ chị Huyền chỉ gói gọn trong 1.000 suất ăn. Sau đó, một tờ báo địa phương đã đưa tin về hoạt động của gia đình chị nên nhiều người biết đến. Những người bạn thân thiết của họ tới tấp gọi đến ủng hộ vào quỹ cơm. Người cho thuê nhà hàng cũng đồng ý giảm chi phí mặt bằng cho chị Huyền.

Chef Khải Dương, đại diện của hiệp hội đầu bếp không biên giới Á Châu đã tài trợ kinh phí để nhà hàng Việt này nấu 1.000 suất ăn. Khách hàng cũng liên hệ ủng hộ, nhưng chị Huyền tạm thời từ chối.

Hiện tại, quỹ dự phòng có thể duy trì được thêm hơn 4.000 suất ăn đến bệnh viện. Thỉnh thoảng, đầu bếp nhà hàng nấu lên 200 suất ăn thay vì 100 suất như thường lệ nếu nhân viên y tế cần tăng cường.

Buổi tối ngày giữa tháng Tư, khi mẹ còn đang mải mê lên danh sách các món ăn đưa đến bệnh viện, cô con gái 15 tuổi của chị Huyền - giờ đã khỏi bệnh, thủ thỉ: "Mami ngày mai cho cô, chú bác sĩ ăn món gì vậy? Tiền tiết kiệm của con lần này sẽ gom phụ mami cảm ơn các cô, chú nhé".

Theo vnexpress