Anh Mathew và chị Hường trên bãi Hòn Chồng

Từ khi dịch COVID-19 gây bất ổn toàn cầu, khá nhiều người ngoại quốc mắc kẹt tại Việt Nam và có trường hợp đã chọn cách kết hôn với người Việt để ở lại Việt Nam hợp pháp... 

Tìm vợ để ở lại Việt Nam

Anh Mathew Grant Gallinger hạnh phúc diện chiếc áo dài truyền thống màu xanh và khăn đóng như người Việt. Đó là ngày cưới của anh vào dịp tết cổ truyền Việt Nam.

Anh và người vợ Việt Nam, chị Hoàng Thị Hường đến Hòn Chồng (Nha Trang) để chụp ảnh, đánh dấu ngày hai người chính thức bên nhau. Họ tin rằng truyền thuyết của địa danh này giúp họ gắn bó với nhau suốt đời. 

Anh Mathew đến Việt Nam từ Canada để du lịch và kẹt lại Việt Nam vì dịch COVID-19. Mắc kẹt, nhưng cuộc sống anh lại dễ chịu vì vừa được du lịch loanh quanh, vừa có thể kiếm thêm từ nghề dạy tiếng Anh.

Cùng lúc đó anh yêu chị Hường, người phụ nữ đã qua một lần đò ở Đà Nẵng. Hai người nghĩ rằng duyên nợ đã đưa anh tới Việt Nam. Hơn một năm yêu nhau hai người quyết định kết hôn. Có vợ Việt, anh được cấp thẻ tạm trú  dài hạn.

Không may mắn tìm được tình yêu như anh Mathew, nhiều người nước ngoài đã cất công đi tìm vợ Việt nhưng không vì tình yêu mà vì ý định ở lại Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2020/NĐ-CP từ đầu năm nay. Nghị định quy định rõ về các trường hợp người nước ngoài được phép ở lại Việt Nam. Khi tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gia tăng, Chính phủ và Bộ Công an ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép trong tháng 5/2021. 

Theo luật sư Phạm Thị Thoa, Công ty Luật TNHH Apolat Lego - Nghị định 152/2020/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Những đối tượng được cấp visa du lịch có mã thị thực là DL (du lịch) không thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của nghị định trên.

Điều này có nghĩa là, người nước ngoài đến Việt Nam phải có mục đích chính đáng ngoài du lịch trong thời gian chống dịch. Họ chỉ được đến và ở lại Việt Nam với mục đích làm chuyên gia, kết hôn với người Việt và mục đích ngoại giao trong thời gian này.

Khách du lịch nước ngoài cho rằng, họ có ba chọn lựa để ở lại.

Một là nhờ các công ty dịch vụ môi giới với các công ty để được nhận vào làm việc. Ở chọn lựa này họ có thể phải trả cho công ty môi giới 1.300  USD mỗi ba tháng.

Hai là đi khỏi Việt Nam với chi phí khoảng 3.000 USD cho vé máy bay, chi phí cách ly và vắc-xin…

Ba là kết hôn với phụ nữ Việt Nam như là lối thoát cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Người ngoại quốc từ phương Tây có ngoại hình bắt mắt, tâm lý với phái nữ, nên họ không khó tìm được người chịu cưới mình.

Chị Đ.G. người Hà Nội, 25 tuổi, với vốn tiếng Anh lưu loát và khả năng hoạt bát của mình, sau khi đi du học về chị đã làm quản lý trong một tổ chức truyền thông. Từ khi gặp người yêu đến từ Mỹ, chị bỏ Hà Nội lên Đà Lạt mở lớp dạy tiếng Anh với người yêu.

Gần đây chị muốn làm đám cưới gấp với bạn trai dù trước đây chị nghĩ phải có sự nghiệp vững chắc hơn nữa mới kết hôn. Lý do: Thị thực của bạn trai chị lại sắp hết hạn, nếu không gia hạn mới được, anh phải quay về Mỹ. Và nếu anh phải quay về nước thì không biết đến khi nào mới trở lại.

Nếu hai người cưới nhau, anh có thể chuyển đổi mục đích của thị thực, sẽ được cấp thẻ tạm trú ở lại Việt Nam dài hạn hơn. Họ đang khám sức khỏe để hoàn tất thủ tục kết hôn.

Ảnh minh họa

Yêu mấy cũng phải tỉnh táo

Không hiếm trường hợp cặp đôi Việt Nam và ngoại quốc gấp rút tìm hiểu đăng ký kết hôn trong thời gian gần đây, nhằm giúp người yêu được ở lại Việt Nam lâu hơn. 

Đây lại là cơ hội cho nhiều cô gái thúc giục người yêu cưới để có thể ở lại Việt Nam lâu dài. Tấm thị thực mới của bạn trai sẽ được thay bằng thẻ cư trú dài hạn.

Tuy nhiên, thị thực du lịch của người ngoại quốc ở Việt Nam chỉ có hạn từ 30 ngày, theo luật sư Thoa. Nếu thời hạn của thị thực được cấp lần trước dài hơn thì sẽ được xem xét gia hạn thêm.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch và bị mắc kẹt do dịch COVID-19 từ ngày 1/3/2020 đến nay tiếp tục được “tự động gia hạn tạm trú” đến hết ngày 30/6/2021, theo thông báo mới nhất của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.

Việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ kéo dài hơn bốn tuần với nhiều thủ tục chứng thực độc thân và sức khỏe của hai phía nam và nữ. Vì vậy, những cặp đôi quyết định vào phút chót cũng khó thành công. Nếu thị thực của các anh người yêu hết hạn, việc kết hôn khó hoàn tất.

Cũng cần phải nhắc lại rằng khi kết hôn với người nước ngoài, các cô gái không thể quên thủ tục đăng ký kết hôn tại quốc gia người mình yêu. Nếu họ không đăng ký kết hôn ở quốc gia quê hương người chồng thì khả năng cao người chồng vẫn độc thân ở đó.

Luật sư Phạm Thị Thoa - Công ty Luật TNHH Apolat Lego - cho hay việc xác định hiệu lực hôn nhân khi chưa thực hiện các thủ tục cần thiết tại nước ngoài thì phải thực hiện theo các quy định pháp luật của nước đó.

Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn. Trường hợp kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của luật này về điều kiện kết hôn.

Do đó, trước khi kết hôn với người nước ngoài, công dân Việt Nam nên lưu ý kiểm tra giữa Việt Nam và quốc gia của người nước ngoài có cùng tham gia điều ước quốc tế hay hiệp định tương trợ tư pháp nào về vấn đề hôn nhân hay không.

Nếu không, mỗi người phải đủ điều kiện được kết hôn theo pháp luật của mỗi quốc gia quy định về điều kiện kết hôn.

Trường hợp người phụ nữ cưới gấp chưa tìm hiểu kỹ người mình yêu mà không có giấy chứng nhận kết hôn đầy đủ, có thể gặp nhiều rắc rối sau này.

Ảnh minh họa

Nếu không may gặp phải người không hợp, khi ly hôn với chồng người ngoại quốc thì quyền lợi và nghĩa vụ có thể chỉ được thực hiện trong nước.

Hơn nữa, việc ly hôn người chồng ngoại quốc vắng mặt sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Theo đuổi các vụ ly hôn vắng mặt một phía đối với các trường hợp trong nước đã khó khăn, với các trường hợp có yếu tố nước ngoài còn khó gấp bội.

Những rắc rối này sẽ không diễn ra nếu các cô gái chín chắn nhìn nhận mối quan hệ của mình. Nếu tiến tới hôn nhân chỉ vì muốn “giải cứu” người nào đó khỏi tình trạng thị thực, thì khó tránh khỏi các vấn đề trong hôn nhân về sau.

Vì vậy, các cô gái hãy tìm hiểu kỹ trước khi trao chìa khóa cho người vào nhà và trao cho đối tác quyền ở lại Việt Nam với mình.  

Theo phunuonline