"Mất ba tháng để tìm hiểu và đi đến quyết định kết hôn, nhưng chúng tôi tốn gấp đôi thời gian cho một đám cưới. Covid-19 đã mang vợ chồng tôi đến với nhau và cũng vì nó mà chúng tôi có một đám cưới thật khác biệt", chị Nguyệt Minh, người phụ nữ Sài Gòn đang sống ở Schwyz, Thụy Sĩ, kể.

Chị và anh Martin quen biết nhau từ hơn bốn năm trước nhưng phải đến khi Covid-19 bùng phát, châu Âu gần như đóng băng, hai người mới có nhiều thời gian trò chuyện vì có chung đam mê nhiếp ảnh. Những câu chuyện hàng ngày giúp họ nhận ra người kia là một nửa còn thiếu của mình.

Tháng 11/2020, họ quyết định kết hôn sau khi chàng trai người Đức mới ngỏ lời yêu được ba tháng. Để đơn giản thủ tục, chị Nguyệt Minh chọn đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới ở Áo - đất nước mình sống và làm việc sáu năm qua. Phải ba lần đi lại giữa Áo và Thụy Sĩ, một lần cách ly, vợ chồng Việt - Đức mới đủ giấy tờ.

Nhưng đúng lúc đó, dịch Covid-19 bùng phát lần hai ở châu Âu, đám cưới của họ phải hoãn đến cuối tháng 4/2021, khi tổ chức chỉ được phép có tối đa năm khách mời. Anh Martin nhờ đồng nghiệp người Thái làm phù dâu và đồng nghiệp cũ làm phù rể, còn những bạn bè thân thiết nhất không thể tới dự đám cưới vì lệnh hạn chế đi lại.

Cặp tình nhân đặt một nhà hàng ở Áo - nơi khách phải có giấy xác nhận đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi vào. Họ cũng đã đặt xong nhẫn cưới, khắc ngày tổ chức hôn lễ là 29/4/2021. Áo cưới chị Nguyệt Minh đặt ở Việt Nam, nhờ em gái gửi qua.

Đám cưới chỉ năm người, gói gọn trong 30 phút của vợ chồng Việt - Đức ở Thụy Sĩ, trong một biệt thự cổ kính ở Feldkirch, Áo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mọi thứ đã chuẩn bị tươm đất, thì 10 ngày trước đám cưới, anh Martin bị nhiễm Covid-19. Hôn lễ một lần nữa phải hoãn.

Một tuần sau khi vị hôn phu khỏi bệnh, cặp đôi chọn được ngày cưới mới, nhưng cô đồng nghiệp người Thái không thể nghỉ làm. Không muốn đám cưới bị thiếu phù dâu, họ tìm người thế vai. May mắn là một đồng nghiệp người Pháp đã nhận lời.

Trời Thụy Sĩ những ngày đầu tháng 5 mưa lớn. Lúc này, anh Martin đã khỏe, nhưng virus trong người vẫn còn. Nếu xét nghiệm Covid-19, anh không đủ điều kiện để vào nhà hàng ở Áo. Nếu tổ chức đám cưới ở Thụy Sĩ, khách được ăn ngoài trời, nhưng theo dự báo thời tiết sẽ có mưa cả ngày. "Thôi, cưới xong về nhà em nấu ăn mời khách", người phụ nữ Việt, chốt.

Một ngày trước đám cưới, hai vợ chồng Nguyệt Minh đi hết bốn siêu thị và cửa hàng tìm mua bếp điện, nồi lẩu, nguyên liệu nấu lẩu Thái, nước ngọt, rượu vang. Cô dâu tự mua hoa, buổi tối xắn tay áo nấu nước lẩu, làm bánh bò.

Lễ cưới diễn ra lúc 2 giờ chiều thì 6 giờ sáng cô dâu Việt đã dậy rửa rau, cắt nấm, rửa hải sản, bó hoa cưới. Chị tự trang điểm, làm tóc, trong lúc anh Martin hút bụi, lau nhà. Bên ngoài, trời vẫn mưa tầm tã.

12h30 khách khứa đến đông đủ. Sáu người gồm cả chồng phù dâu leo lên hai chiếc xe, từ Schwyz, Thụy Sĩ sang Feldkirch, Áo, cách đó hơn 80 km. Càng đến gần Áo, mưa càng ngớt rồi tạnh hẳn. Trời xanh vời vợi. Ngay ở biên giới Lichtenstein, hai cảnh sát chặn xe, nghiêm giọng, hỏi: "Anh chị qua Áo làm gì?". "Chúng tôi đi cưới", Martin tự tin đáp. Anh cảnh sát ngó vào xe, thấy chú rể đeo cà vạt màu hồng, cô dâu ôm bó hoa tươi, thì gật đầu cho qua.

Đúng giờ đã định, họ có mặt tại biệt thự xây dựng từ năm 1884. Lò sưởi cổ và ánh sáng từ chùm đèn vàng tỏa ra ấm áp. Nguyệt Minh thấy vui hơn khi chủ hôn là một nhân viên hành chính người Áo, mặc bộ vest màu xanh da trời đúng ý thích của chị.

Cô dâu mặc áo dài truyền thống của người Việt tổ chức hôn lễ cùng chồng Đức. Anh chị được chủ hôn tặng một lọ muối - biểu tượng cho hôn nhân bền vững. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bài hát "Boom boom goes my heart" của nhóm Alex Swings Oscar Sings vang lên. Chủ hôn làm lễ trong vòng 30 phút. Đôi tình nhân cùng nhau thắp nến, trao nhẫn trên nền nhạc bài All of me. Họ ký tên, thổi nến khi kết thúc buổi lễ. Chủ hôn tặng đôi trẻ một lọ muối - tượng trưng cho sự lâu dài - thứ không có hạn sử dụng và là nguyên liệu cho mọi món ăn.

Cô dâu, chú rể và khách mời ra ngoài sân uống rượu vang chúc mừng rồi lên đường về nhà. Bầu trời Thụy Sĩ bỗng rực rỡ ánh nắng. Đôi vợ chồng mê nhiếp ảnh dừng ở cánh đồng ven đường chụp ảnh cưới. Về tới nhà, Nguyệt Minh nhanh chóng thay đồ, nấu nướng. Ngoài ban công mưa lại đổ, nhưng trong ngôi nhà gia chủ giờ đã có đôi, mọi người quây quần bên nồi lẩu bốc khói.

Marie Paul, 59 tuổi, phù dâu của Nguyệt Minh và anh Martin gọi đây là một "đám cưới Liên Hợp Quốc": "Cô dâu người Việt, chú rể và phụ rể thì người Đức, phụ dâu người Pháp, thợ chụp hình người Bồ Đào Nha, chủ hôn người Áo. Một đám cưới đa quốc gia nhưng lại chỉ có năm người - độc nhất và cũng là đám cưới ấm cúng nhất tôi từng tham dự", cô nói.

Dẫu hài lòng và thấy mình may mắn khi tổ chức được lễ cưới trong mùa dịch, nhưng chị Nguyệt Minh vẫn buồn khi không đủ mặt người thân, bạn bè trong ngày trọng đại nhất đời mình. Người phụ nữ Việt nghĩ ra cách mượn những quả trứng làm đám cưới của mình thêm đông đúc. Trước đám cưới, hai vợ chồng quy định mỗi tuần ăn hết một vỉ trứng, cả trắng và nâu - đại diện cho màu da của chú rể và cô dâu. Hơn hai tháng, họ ăn hết 60 quả trứng rồi lấy vỏ vẽ thêm khuôn mặt, tượng tưng cho 60 khách mời của hai họ. Anh chị trang trí cho cô dâu bằng hoa ở ban công và hoa tự mua về. Martin hay phân bì với vợ, vì "chú rể trứng" chỉ được trang điểm bằng cỏ và cành cây.

Bây giờ, Thụy Sĩ đã gần như phục hồi sau Covid-19. Chị Nguyệt Minh đang đợi hoàn tất cả thủ tục để có thể đi làm. Tranh thủ những ngày rảnh rỗi, chị trồng rau Việt và hoa ban công, nấu cơm cho chồng mang đi. Ngày nghỉ, đôi vợ chồng mới cưới thường lái xe đi dạo quanh những cánh đồng đang mùa hoa thủy tiên.

Nguyệt Minh hy vọng hết dịch, sẽ có một đám cưới 60 khách mời là người thật, ở quê nhà Việt Nam.

Theo vnexpress