Mẹ F0 xem tiệc cưới con trai từ bệnh viện
Sau hai lần hoãn vì dịch, cặp đôi Nguyễn Văn Tùng - Trần Bảo Linh (ngụ tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai) háo hức tổ chức cưới lại vào dịp tháng 11 năm nay. “Chúng tôi đều đã gần 30 tuổi, độc lập về kinh tế nên thống nhất tự lo đám cưới. Tôi xin nghỉ việc ở công trường xa (Nha Trang) từ gần một tháng để kịp tiêm mũi hai vắc-xin ngừa COVID-19 trước 14 ngày và chuẩn bị đám cưới. Nhưng cuộc đời lại luôn có những biến động bất ngờ”, anh Tùng kể.
Vợ chồng anh Tùng thống nhất tổ chức đám cưới nhỏ gọn, chỉ người thân trong gia đình hai bên tham dự vì quy định của địa phương chỉ cho tập trung 30 người.
Mẹ anh Tùng đang ở TP.HCM cùng cậu con trai út, rộn ràng chuẩn bị về Biên Hòa dự đám cưới con trai lớn. Cách ngày cưới mười ngày, bà phải nhập viện cấp cứu vì lượng đường trong máu tăng gấp năm lần so với bình thường (bà đang có bệnh tiểu đường, cao huyết áp). Khi vào viện bác sĩ test COVID-19 phát hiện bà dương tính. “Mẹ vừa bệnh nền, vừa F0, ngày cưới của tôi lại đang đến gần và bàn tiệc, trang trí nhà cửa đều đã đặt hết, cả gia đình tôi như “ngồi trên đống lửa”, anh Tùng tâm sự.
Theo dự định ban đầu của cô dâu Bảo Linh và anh Văn Tùng, họ sẽ đặt ba bàn tiệc với mười người/bàn. Nhưng trước “cú cua” mẹ chồng dương tính, họ đã phải gọi điện cắt giảm bàn tiệc, từ ba bàn xuống chỉ còn hai bàn. Anh Tùng chia sẻ: “Cũng may nơi nấu tiệc họ cũng thông cảm cho chúng tôi. Tuy nhiên, khi giảm số bàn tiệc, chúng tôi tăng thêm chút chi phí để họ… vui nấu”.
Từ bệnh viện, bà mẹ chồng cố gắng theo dõi đám cưới của con trai qua màn hình điện thoại. Bà vui vì cuối cùng bà cũng có nàng dâu đảm đang, xinh đẹp.
Mẹ ngậm ngùi tiễn con gái
Ước muốn về một đám cưới linh đình với sự tham gia đầy đủ của hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của chú rể Trần Hảo và Mộng Thùy (TP.Long Khánh, Đồng Nai) cũng không thực hiện được.
Cô dâu Mộng Thùy tâm sự: “Ngay sau khi chọn được ngày cưới phù hợp, suốt nhiều tháng trời, hai gia đình tất bật chuẩn bị kỹ lưỡng. Các cụ xem và chọn ngày cưới vào tháng Chín nhưng dịch COVID-19, toàn tỉnh giãn cách xã hội. Vậy là dự tính tổ chức đầy đủ lễ ăn hỏi, lễ cưới, mời họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hai bên buộc phải hủy bỏ và dời lịch. Cũng may chúng tôi mới lên danh sách khách mời, chứ chưa phát thiệp”.
Anh Hảo cho biết: “Chúng tôi chọn lại ngày cưới lần nữa vào đầu tháng 12. Hai bên gia đình quyết định làm lễ cưới đơn giản nhất có thể bởi tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn, nhà trai và nhà gái đều khó khăn trong việc đi lại. Và hơn hết, mọi người sợ sẽ dính dương tính khi đi đám cưới”.
Trong những đám cưới “ít người nhất xưa nay” không ít bậc phụ huynh ngậm ngùi tiễn con gái về nhà chồng trong bối cảnh đám cưới quy mô gia đình. Bà Lê Thị Lợi, mẹ đẻ của cô dâu Mộng Thùy, tâm sự: “Lễ cưới là việc trọng đại trong cuộc đời người con gái mà họ hàng, bạn bè không tới chung vui được. Ngay cả ngày vu quy, chúng tôi cũng không mở loa đài, nhạc hội như trước”.
Chương trình ca nhạc hoành tráng
Cô dâu Minh Hương, từ Quy Nhơn vào TP.HCM học, sống, làm việc và yêu anh Hoài Đức, người TP.HCM. Cả hai đều làm ngành giáo dục. Khi Sài Gòn được phép đi lại các tỉnh, cả hai quyết định tổ chức cưới vào tháng 12, thời điểm Quy Nhơn thành phố biển trở nên mát lạnh mộng mơ như Đà Lạt.
Nhà gái có một tháng chuẩn bị. Nhà trai “tuyển” đội ngũ đi đám cưới theo tiêu chuẩn: chích hai mũi, thẻ xanh, âm tính, khẩu trang chất lượng… Tổng cộng 20 người. Đoàn này, được “test” từ sân bay cất cánh, đến sân bay hạ cánh, rồi đến khách sạn lại “test” tiếp. Khách sạn do nhà gái chọn “xịn” nhất phố biển, có đủ điều kiện xét nghiệm, có hệ thống y tế hỗ trợ kịp thời, có phòng cách ly… và có tinh thần chống dịch cao.
Đám cưới ở Quy Nhơn được phép tổ chức dưới mười bàn, nhà gái chọn số chín cho đẹp. Dù số lượng người bên nhà gái đi đám cưới áp đảo nhà trai, nhưng khâu “xét tuyển” vẫn cực khó, phải chia đều cho phía nội, phía ngoại của cô dâu, bạn của ba má cô dâu, phải là chỗ hết sức thân tình. Không ngờ, nhiều người không được mời lại vui mừng gửi tiền vì sợ “ngồi chung chỗ với người Sài Gòn,
lây chết!”.
Hội trường cưới rộng mênh mông nên các bàn cách nhau hơn ba mét cho chắc ăn. “Đội Quy Nhơn” ngồi khu vực riêng cho an toàn.
Vì không thể mời đàng trai đi tham quan phố biển, nên nhà gái quyết định giới thiệu TP.Quy Nhơn bằng một chương trình ca nhạc đặc sắc.
Bà sui nhà gái hợp đồng với một đơn vị tổ chức biểu diễn, chọn những giọng ca nổi tiếng của phố biển, coi đêm ca nhạc là món quà đặc biệt tặng nhà trai. Sân khấu hoành tráng, sôi động và cách khu vực ăn uống năm mét. Vậy là, đám cưới thành công rực rỡ, thức ăn ngon, ca sĩ hát hay. Ngay sáng hôm sau, nhà trai cùng cô dâu ra sân bay, hẹn nhà gái “nhất định tụi tui sẽ trở lại”.
Khi ông sui vẫn thích đông vui
Đôi trẻ yêu nhau đã lâu, đám cưới phải hoãn đến mấy lần vì giãn cách xã hội rồi phong tỏa vì dịch bệnh. Giữa năm ngoái, đôi bên dự định giáp tết sẽ làm đám cưới cho con. Đùng một cái dịch bệnh ập đến, lo không có khách dự, hai gia đình ngồi lại dời sang tháng Tư. May là đôi trẻ đã tranh thủ làm được một album ngoại cảnh, đăng lên Facebook, coi như chính thức thông báo bạn bè, chỉ chờ đãi tiệc. Ai ngờ, tháng Tư tình hình dịch lại càng phức tạp. Rồi phong tỏa…
Thấy đôi trẻ muốn về sống cùng nhau, và con trai đã có nhà riêng, vợ chồng chị Bích Vân (P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bàn với anh chị sui gia là khi nào hết giãn cách làm mâm cơm thưa ông bà, mời hai bên họ hàng khoảng hai mươi người, coi như kỷ niệm đám cưới thời dịch bệnh.
Bên nhà gái không chịu. Ông sui lớn tiếng: “Con gái tui xinh đẹp, học hành đàng hoàng, giỏi giang. Hai bên cha mẹ tuy không quyền cao chức trọng nhưng mang tiếng là người làm nhà nước, bạn bè đồng nghiệp đông quá chừng, sao lại đơn sơ thế. Không được!”.
Thương con trai, lại lo con dâu có bầu trước cưới, vợ chồng chị Vân ra sức năn nỉ nhà gái, nhưng không được. Vậy là đôi trẻ theo lý thuyết ai ở nhà nấy, thỉnh thoảng cũng “vượt chốt” đến với nhau. Thành phố hết phong tỏa, vợ chồng chị Vân lại bàn với nhà gái, ông sui vẫn cứ rề rà, để xem Nhà nước cho mở cửa bình thường mới thế nào rồi tính.
Đám cưới được quyết vào đầu tháng 12. Bên nhà gái đề nghị mời khoảng trăm khách, nhưng nhà trai không chịu. Chị Vân cố thuyết phục rằng, khách sẽ không đến dự đông đủ vì tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn. Nâng lên, đặt xuống mới thống nhất mời hai trăm khách, ông sui vẫn ra vẻ không hài lòng. Cuối cùng tiệc cưới còn dư đến… mười bàn. Hai bên sui gia chia nhau thức ăn mang về nhà.
Đám cưới “nhiều không”
Hiện nay, đa phần đám cưới đều “tối giản”, các gói dịch vụ cưới hỏi cũng chỉ ở các phần cơ bản. Các đơn vị chuyên nhận trang trí đám cưới có chung nhận xét: Dù đã được mở cửa trở lại, các hoạt động cưới hỏi cũng được tổ chức, nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Một phần do các cặp đôi vừa tự thắt chặt chi tiêu, phần khác do hạn chế số lượng khách mời nên các lễ cưới cũng đơn giản nhất có thể. Các cặp đôi cô dâu, chú rể chỉ đăng ký kết hôn, làm lễ gia tiên. Dịch vụ trang trí hay tiệc cưới cũng tinh gọn.
Hiện nay, xu hướng chung của nhiều cặp đôi là tự “thu hẹp” khách mời. Thay vì tổ chức tiệc, nhiều gia đình chỉ đặt trang trí cổng cưới và bàn thờ gia tiên. Ngay cả người đón dâu cũng bị hạn chế và hầu như chỉ cha mẹ và trưởng bối hai bên gia đình gặp gỡ và nhanh chóng rước dâu. Có những gia đình còn cẩn trọng bằng cách test COVID-19 cho tất cả những người tham dự ngày cưới để đảm bảo an toàn cho ngày vui của họ.
Thông thường, những tháng cuối năm là mùa cưới để các cặp đôi về chung một nhà. Năm nay cũng không ngoại lệ, nhưng giờ đám cưới đã “nhiều không”: không tiệc tùng lớn, không khách mời nhiều, không MC… Đám cưới đơn giản, gọn nhẹ trong quy mô gia đình giúp gạt đi những mối lo dịch bệnh chính là “liều vắc-xin” hoàn hảo cho một cuộc sống đôi lứa hạnh phúc dài lâu.
Theo phunuonline