Mai Linh nắn nót những dòng chữ thân thương gửi kèm các phần ăn

Mỗi sáng, cô bé Mai Linh dậy thật sớm, cùng bếp trưởng - mẹ Đan Hà với hai bếp phó là dì Nhiên và chị Malachi thực hiện tất cả các công đoạn từ sơ chế đến thành phẩm món nui sủi cảo xá xíu. Con hí hoáy viết vài dòng cho bác sĩ và các bệnh nhi, nhẹ nhàng đặt những cánh thư nhỏ trên các phần ăn sắp được chở đến Bệnh viện Dã chiến số 8 (TP.Thủ Đức, TPHCM).

Cánh thư hồng gửi lên tuyến đầu

Mai Linh chúc các bạn mau khỏe, chúc các cô chú nhân viên y tế làm tốt công việc; cô bé gọi các cô chú là những anh hùng và cuộc chiến này không hề đơn độc. Nét chữ trẻ thơ, ý từ hồn nhiên, chân thành khiến ai đọc cũng mỉm cười mà bồi hồi, nao nao.

“Vì sao cánh thư ấy lại hồng”, tôi tự hỏi? Có phải vì hầu hết bé gái chuộng màu hồng, Mai Linh cũng vậy, hay ánh lửa mẹ khơi lên từ gian bếp đã nhuộm hồng thêm mảnh thư hình trái tim ấy?

Để bồi bổ sức khỏe cho các nhân viên y tế đang ngày đêm cứu chữa bệnh nhân nhiễm COVID-19, từ đầu tháng Bảy, gia đình Mai Linh ủng hộ bằng bánh ngọt nhà làm, dự định chỉ ủng hộ trong vài ngày.

Nhưng rồi với sự tiếp sức của bạn bè về nguyên liệu thực phẩm, kinh phí, đặc nhiệm “bếp sáng” như ấn luôn vào tay “đội quân tóc dài” nhà mình chỉ có bốn nhân sự - tính luôn Mai Linh, 11 tuổi. Thức ăn sáng với những món nước như hủ tíu, phở, bún, nui… đòi hỏi bếp phải hoạt động từ hai giờ sáng.

Khi nấu xong, công đoạn chia phần, đóng hộp, đưa lên xe cũng tốn rất nhiều công sức, thời gian. May mà có người em trai chị Hà lãnh phần vận chuyển bằng xe bán tải.

Vốn khéo tay, tự tin, từng nấu tiệc đãi trăm khách, nhưng chưa bao giờ chị Đan Hà dám nghĩ đến con số 300 suất ăn rồi hơn thế nữa. Bếp và nồi, chị mượn một nhà hàng quen. Căn hộ chung cư của chị chất đầy mì, nui, bún, củ sắn, khoai tây, cà rốt…

“Thêm bấy nhiêu phần ăn là thêm thương đến thắt lòng”, chị Đan Hà nói, tay vẫn liên tục lướt trên mặt bếp, bên những nồi to kềnh, nước lèo sôi sùng sục. Hết gas, chị lăn bình, tháo van, thay mới đổi cũ thuần thục như anh thợ… Trong ngôi nhà vắng bóng đàn ông, chẳng có việc nào không thuộc về chị.

Qua mấy tuần “khởi nghiệp”, do thiếu kinh nghiệm và làm theo cảm tính, đầu bếp bất đắc dĩ cũng gặp không ít sự cố.

Nào là không dự tính được thời gian rã đông thịt (đến 50-60 ký) nên xắt trễ, nấu lâu, đành để “khách hàng” chờ hơn nửa giờ; nào là người em trai quên đem thùng xốp chất các hộp thức ăn về trả, ngày hôm sau phải lục tung nhà kiếm thùng giấy xài tạm.

Biết các y bác sĩ không ăn cùng giờ, sợ nếu ăn muộn thì nui, bún sẽ bị nở, mấy mẹ con lại phải chia riêng phần nước - cái, sau một tuần bỏ chung. Vậy là lại thêm việc, nhiệm vụ không ai giao phó, chẳng ai đòi hỏi, chỉ biết người ăn ngon miệng thì người nấu mới vui.

Chị Đan Hà thú thật rằng, nếu các con không nhập cuộc thì chị khó có thể duy trì bếp ăn thiện nguyện, cực nhất là con gái lớn Malachi, một đạo diễn tương lai. Khi mẹ và em còn say giấc thì Malachi đã thức dậy lúc hai giờ sáng, xắn tay gọt củ, ướp thịt, nổi lửa…

Do suất ăn quá nhiều, lực lượng phục vụ lại quá mỏng nên từ tối hôm trước đã phải chuẩn bị dần cho sáng sớm hôm sau. Công việc mệt nhoài dường như vơi đi và hóa nhí nhảnh, thơ mộng khi mấy mẹ con gọi nấu bếp bằng “trò chơi đồ hàng”, nhất là với những món chè đầy sắc màu kèm theo món chính.

Tuy xung phong, tích cực nhưng hai chị em vẫn có lúc đổ quạu. Hai chị em ám ảnh hình “viên tròn” sau hàng giờ ngồi bất động để vò gần ngàn viên thịt trong món Tây “thịt cừu viên xốt cà ăn kèm bánh mì”.

Cô chị đã thẳng thừng ra “nghị quyết”: “Mai mốt làm những món viên như thế này là con trốn á mẹ. Nói không với món viên!”. Cô em cũng giơ tay biểu quyết. Bếp trưởng cũng ỉu xìu thông qua vì đã thấm đòn với món cầu kỳ, rườm rà và vì sợ bếp viên “bãi công” thật thì chỉ… phá sản. 

Không hiểu do mẹ cân đong đo đếm quá kỹ khi chuẩn bị nguyên liệu hay do Malachi quá rộng rãi khi chia phần mà nhiều bữa tiễn xe đi, quay lại chỉ thấy mấy cái nồi phơi đáy. Các con chọc mẹ sao mà ác, sao mà toàn cho con ăn “món ngó”, cả nhà cùng cười rồi vội chế mì ăn liền với món phụ - xí quách. 

“Mình làm được gì cho họ đây?”

Dù có chút giận dỗi, bất đồng nhưng may quá, đến giờ nấu, tất cả bếp viên đều đã vào vị trí. Mai Linh dường như đã chết ghiền cái nghề gọt cắt rau củ. Có lần con hỏi: “Sao không nấu bữa ăn trưa và chiều luôn mà chỉ nấu mỗi bữa sáng?”, mẹ giật mình, thấy vui vui (bữa ăn trưa, chiều do nhóm bạn khác phụ trách). 

Vốn chưa từng đút con ăn, để con “tự bơi” từ thuở bé đến nỗi chị trở thành tâm điểm của hai luồng ý kiến trái chiều: người khen phương pháp rèn con của chị độc đáo, người lại phán “làm gì có kiểu mẹ mà chẳng lo cho con”.

Ở tuổi các bé còn được người lớn chăm sóc đến tận răng, chị em Mai Linh đã có thể rành rọt chế biến rất nhiều món ăn, món bánh, thức uống cho cả nhà thưởng thức. Con càng biết tự xoay xở trong bếp hay thêu thùa, vá may, học hành… chị càng an tâm.

Ở người mẹ đặc biệt này không có nỗi xót xa, lo sợ con bị bỏng hay kim đâm vào tay, cứ cho con tập dần sẽ khéo léo, chính xác. Chị chỉ sợ con không có được niềm vui lao động và luôn đòi hỏi người khác phải phục vụ mình. 

Gia đình nhỏ của chị Đan Hà trước giờ nổi lửa nấu bữa sáng cho tuyến đầu chống dịch

Được hỏi “lấy đâu ra năng lượng để lúc nào cũng xông pha làm việc thiện nguyện cho cộng đồng như tặng quà cho các gia đình chính sách, bộ đội biên phòng, tổ chức các phiên chợ 0 đồng cho người nghèo hay tiếp tế suất ăn cho bệnh viện dã chiến?”

Chị Đan Hà cười tươi đáp: “Do mình ngủ rất ít, giấc rất sâu, lúc đã thức rồi thì không ngồi yên được, chân như có lò xo. Nếu sắp xếp một cách khoa học, đâu sẽ vào đấy. Mình vẫn còn thời gian để chăm sóc bản thân, tập thể dục, đắp mặt nạ làm đẹp…”. 

Năng lượng dồi dào của chị Đan Hà được gói gọn trong câu nhận xét của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ - TP.HCM): “Chuyện khó cỡ nào chị Đan Hà “cân” cũng xong”. Chị Thúy cũng gọi đùa tổ ấm của ba mẹ con là “Nhà hàng Mai Linh” với tất cả trìu mến và nể trọng. 

Có khi người ta thấy chị Đan Hà cắt rau muống thoăn thoắt như chị nông dân trên cánh đồng ở huyện Hóc Môn, TP.HCM rồi điều động xe bán tải chở về nội thành như một bà lái buôn, rồi quấn tạp dề lăn xả vào bếp chăm chút hàng trăm suất ăn. Khó thể đoán biết được nghề chính của chị Đan Hà là… nhà báo.

Là Thư ký tòa soạn Báo Công lý và Xã hội, trực chiến cả mảng báo giấy và online, chị Đan Hà khá vất vả để tròn trọng trách.

Nhưng trước những số phận, những hình ảnh xót xa, những câu chuyện hào hùng mà đẫm nước mắt giữa đời thường, khi xếp lại trang báo hay Facebook là lúc chị bắt đầu tự vấn: “Mình làm được gì cho họ đây?”. Và chị không ngồi yên, chị quàng nhiều sắc áo, chị đóng nhiều vai mà vai nào cũng đậm chất “chúa bao đồng” như vẫn tự trào.

“Dường như có nhân duyên, có bố dẫn lối trong việc mình nấu ăn phục vụ Bệnh viện Dã chiến số 8 do các y bác sĩ Bệnh viện Bình Dân điều hành. Bệnh viện Bình Dân chính là nơi bố mình đã chữa trị và gắn bó những ngày cuối đời. Khi biết được điều này, nước mắt mình và các con đã rơi… Nên những gì gọi là “việc làm được” cũng chỉ thể hiện một chút lòng biết ơn đối với những ân nhân, biết ơn cuộc đời đã dành cho mình nhiều tình thương và may mắn” - chị Đan Hà trải lòng và mỉm cười bên bình hoa mới cắm. 

Ngắm hoa nở ngoài ban công là thứ phù phiếm nhất chị dành để nuông chiều bản thân sau những giờ lao động mệt nhoài. 

Theo phunuonline