Biết chăm sóc mình, bạn cũng sẽ chăm sóc người khác tốt - Ảnh minh họa

Chị bạn tôi bị bệnh nhưng cứ khăng khăng mình không sao (dù đang rất đau) và không chịu đến bệnh viện vì hai đứa con cần chị ở nhà. Sau cùng chị cũng đi và được chẩn đoán đau ruột thừa - bệnh có thể trở thành nguy hiểm nếu không đến bệnh viện kịp.

Một chị bạn khác thì bị bệnh thiếu máu và rối loạn tiền đình nhưng chỉ đến bệnh viện khi gần như kiệt sức hoặc ngất xỉu. Chị có một công ty nhỏ phải lo, hai đứa con đang đi học và những mối bận tâm khác.

Sau giờ làm việc (ráng thêm nửa giờ để làm nốt việc mà một người bạn đồng nghiệp nhờ), nhiều phụ nữ trở về nhà và phải tiếp tục xử lý công việc nhà, làm bài tập với con rồi đi ngủ với tình trạng mệt mỏi.

Phụ nữ có thể rơi vào vòng xoáy quay cuồng từ việc này sang việc khác mà quên đặt bản thân họ vào danh sách ưu tiên.

Nhiều phụ nữ cảm thấy như mình “có tội” nếu chỉ nghĩ đến bản thân. Thực ra, nếu chúng ta tìm cách tự chăm sóc bản thân, chúng ta không hề ích kỷ mà là thông minh! Chúng ta chỉ có thể trở thành “người phụ nữ tuyệt vời nhất” khi tìm thấy hạnh phúc nội tại.

Thực ra, phụ nữ có thể hiểu nhu cầu chăm sóc bản thân nhưng thường không có thời gian để làm điều đó. Vì vậy, đừng chần chờ gì mà không đưa vào thời gian biểu của bạn “những khoản thời gian dành cho bản thân”. Nghĩa là “tôi” hay “hạnh phúc của tôi” cần được ưu tiên trong “danh sách những việc cần làm”.

Nếu cảm thấy không khỏe, nghỉ ngơi ở nhà sẽ tốt hơn là ráng sức hay để cho mình rơi vào tình trạng bị kiệt sức.

Tự chăm sóc bản thân bao gồm những hoạt động có thể nuôi dưỡng, làm giàu tinh thần, cơ thể và tâm hồn. Đó có thể là sự lặp lại liên tục của nhiều thói quen nhỏ mà bạn có thể kết hợp vào lối sống hàng ngày của mình nhưng không phải mất nhiều thời gian hoặc tốn kém quá nhiều chi phí. Cách thực hành tự chăm sóc bản thân ở mỗi người là khác nhau. Điều quan trọng là tìm sự cân bằng của các hoạt động phù hợp với bạn.

• Dành thời gian trong ngày cho những việc quan trọng như ăn uống lành mạnh, đi bộ, tập thể dục, yoga.

• Dành thời gian để “xử lý” những cảm xúc tiêu cực như lo âu và stress. Thừa nhận cảm xúc giúp bạn sống chậm lại và ngăn không cho những cảm xúc tiêu cực này lớn lên.

• Sử dụng một quyển nhật ký ghi lại những việc mà bạn cảm thấy biết ơn trong đời – nhắc bạn nhớ về những thứ tốt đẹp hoặc ghi lại cảm xúc của bạn – nó có thể giúp bạn đối mặt với những biến cố trong cuộc sống.

Chỉ nên gặp gỡ những người bạn tươi vui, tích cực - Ảnh minh họa

• Tạo một môi trường tích cực hỗ trợ cho bạn. Bạn có cảm thấy hứng khởi với môi trường xung quanh mình hay bạn cảm thấy căng thẳng và hỗn loạn? Tạo ra môi trường tích cực bằng cách dọn sạch những thứ làm bạn kiệt sức - mớ lộn xộn trong nhà hoặc trong văn phòng và những mối quan hệ mang lại cảm xúc tiêu cực.

• Học cách từ chối. Bạn đã từng chấp nhận một yêu cầu nào đó để rồi thấy tiếc nuối hay chưa? Nói “không” là một kỹ năng quan trọng, có thể khơi dậy sự tự tin và giải phóng sức mạnh nội tại của bạn.

• Đừng quên sắp xếp thời gian dành cho bản thân. Dù bạn thích làm gì, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ làm được. Định rõ thời gian trong lịch của bạn và tuân theo lời hứa đó.

Theo phunuonline