leftcenterrightdel
 Vợ chồng chị Nguyễn Thị La, anh Miet Sam cùng nhau lao động để xây dựng hạnh phúc gia đình. (Ảnh: Thanh Nga)

Chuyện tình bình dị miền biên viễn

Đi dọc đường bờ Nam kênh Hưng Điền (ấp Tà Nu, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), chúng tôi đến với ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị La - cô gái người Việt và chàng trai người Campuchia - Miet Sam (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Sâm). Căn nhà được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ và ấm cúng.

Trò chuyện cùng anh chị, chúng tôi phải hỏi lại nhiều lần rằng anh có phải người Campuchia không vì anh nói tiếng Việt rất sành và cách ăn mặc, sinh hoạt chẳng khác người Việt là mấy. Lúc ấy, anh cười đùa: “Người lạ nào gặp tôi cũng hay hỏi vậy. Thì tôi giờ là người Việt mà, chỉ khác là người Việt gốc Campuchia thôi”.

Anh Miet Sam kể: Tôi gốc ở xã Chambak (huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng, Campuchia). Sang Long An làm mướn để sinh sống, tôi làm ruộng đối diện với nhà của vợ tôi bây giờ. Khi ấy, tôi và vợ chỉ cần mở cửa ra là thấy nhau rồi chẳng biết yêu nhau từ lúc nào. Tuy ở hai nước nhưng vì gần sát biên giới, cả nhà cũng hay qua lại nên chẳng có gì khó khăn khi chúng tôi đến với nhau.

“Hồi đó thấy Miet Sam chịu khó làm ăn, siêng năng, thiệt thà nên chúng tôi ưng thuận cho hai đứa nó nên duyên. Đám cưới diễn ra không có gì trở ngại về khoảng cách địa lý, phong tục. Ở bên mình thì làm đám và đãi món ăn theo bên mình. Lúc rước dâu về bên nước bạn thì gia đình tôi theo phong tục của bên đó. Nói chung là mọi điều đều suôn sẻ hết”, bà Nguyễn Thị Suônl (mẹ chị La) nói. 

Khi mới kết hôn, hai vợ chồng đi làm mướn để đắp đổi qua ngày. Thấy chàng rể hiền lành, chân chất lại chịu khó làm ăn, bà Suônl cho một ít đất để sản xuất. Từ đó, anh chị nuôi bò, trồng thêm bưởi để tăng thu nhập. Tính đến nay, anh chị bên nhau 25 năm, có 2 người con (1 trai, 1 gái). Cách đây không lâu, người con gái út của anh chị cũng đã lập gia đình.

Hòa chung nhịp sống

Sau khi kết hôn, anh chị xin ra ở riêng. Bên nhau nhiều năm, hai vợ chồng đã hòa chung nhịp sống. Anh Miet Sam cho biết, anh không thấy có sự khác lạ trên quê hương thứ hai của mình bởi phong tục, tập quán cũng như sinh hoạt văn hóa của Việt Nam và Campuchia có nhiều nét tương đồng. Tết Cổ truyền của người Việt cũng giống với Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay của người dân Campuchia.

“Tôi thấy chỉ khác một điều là thời điểm đón tết. Tết ở Việt Nam thường vào tháng 1 hoặc tháng 2, còn tết ở Campuchia vào tháng 4. Vì vậy, vợ chồng tôi có thể sắp xếp để ăn tết ở cả hai nơi. Gia đình hai bên cũng thường xuyên qua lại chúc tết”, anh Miet Sam nói.

Chị La cũng cảm thấy may mắn khi lấy chồng ngoại quốc nhưng không có khác biệt về văn hóa. Trong bữa ăn hằng ngày, hai vợ chồng chị có khi ăn món Việt Nam, có khi chị trổ tài nấu các món của quê hương chồng như món “a móc” (món ăn truyền thống của người Khmer, có gà, cà ri, sả...), các loại canh chua, các món cá...

Chị kể: “Hai bên gia đình tuy là người Việt - người Campuchia nhưng quan hệ rất hài hòa, thường xuyên gặp gỡ. Vào những dịp như lễ hội lấy ruộng, lễ Pchum Ben, ngày hội đua thuyền... gia đình tôi thường sang vừa thăm ba mẹ chồng, vừa để các con được tham gia các lễ hội của Campuchia. Mỗi lần như vậy nếu sắp xếp được thời gian, ba mẹ tôi cũng sẽ sang cùng. Ba mẹ tôi nói được tiếng Khmer còn ba mẹ chồng cũng hiểu và nói được một ít tiếng Việt nên không gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt”.

Ông Võ Duy Huy Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng cho biết, ngoài gia đình chị Nguyễn Thị La, trên địa bàn xã cũng có nhiều trường hợp dựng vợ, gả chồng với người bên kia biên giới. Đa số các gia đình này có cuộc sống hòa thuận yên ấm, tuy nhiên một số gia đình khó hòa nhập, phát sinh một số vấn đề từ sự bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán…

Để giải quyết những vấn đề này, nhiều chương trình tập huấn đã được triển khai để hỗ trợ bà con. Nội dung tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định; trang bị kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ Khmer; hỗ trợ thủ tục xuất cảnh…

leftcenterrightdel
 Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ Khmer... cho người dân. (Ảnh: Văn Tuấn)

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài là một hiện tượng xã hội bình thường, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế. Pháp luật Việt Nam như: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Hộ tịch năm 2014… luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cặp vợ chồng khác quốc tịch kết hôn với nhau.

Ông khẳng định, cuộc hôn nhân giữa những con người ở hai bên biên giới giúp tô đẹp thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia. Những chuyện tình đẹp "đơm hoa, kết trái" tạo thành lũy vững vàng góp phần xây dựng đường biên giới bình yên, vững mạnh.

Theo thoidai