leftcenterrightdel
 Hơn 56% sinh viên được khảo sát cho biết họ muốn có thêm những hiểu biết về cái chết

Hơn 56% sinh viên được khảo sát cho biết họ muốn có thêm những hiểu biết về cái chết, tương đương với tỷ lệ sinh viên muốn tìm hiểu về giáo dục giới tính, theo một nghiên cứu được thực hiện với các sinh viên từ 5 trường đại học ở Bắc Kinh.

Chết là một vấn đề “kiêng kỵ” trong văn hóa Trung Quốc. Trong đa số tình huống, việc bàn về chủ đề này được xem là không phù hợp hoặc thô lỗ.

Tuy nhiên, một số trường đại học ở nước này hiện đang tổ chức giảng dạy các khóa học giáo dục về cái chết, giải thích quá trình sinh học của tình trạng tử vong, và đưa ra một số phương pháp khoa học để vượt qua sự đau buồn.

Phát hiện của các nhà nghiên cứu cho thấy, đại dịch COVID-19 và những tình trạng bất ổn khác trên toàn thế giới có thể đã thay đổi thái độ của thế hệ trẻ Trung Quốc đối với cái chết, bà Tôn Anh Vi - giáo sư tại Đại học Y khoa thủ đô, và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - cho biết trong một bài báo đăng trên Tạp chí Giáo dục nghề y (một tạp chí chuyên đăng các nghiên cứu đã được các chuyên gia trong cùng lĩnh vực xem xét và đánh giá) hôm 21/2.

“Đã đến lúc cần phải giáo dục cho giới trẻ về cái chết”, bà Tôn nhận định.

Theo tờ SCMP, mỗi năm, Trung Quốc có hơn 8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, gấp đôi so với Mỹ. Con số này có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, giúp nước này nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao.

Tuy nhiên, tờ báo này cũng nhận định rằng, việc có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đã làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường việc làm. Trong những năm gần đây, các chủ đề như “nằm thẳng” - tức chọn cách sống buông xuôi, chỉ làm những điều tối thiểu để kiếm sống - đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc, vì ngày càng có nhiều người trẻ nói rằng họ không muốn tiếp tục sống trong sự lo lắng nữa.

Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 1% sinh viên đại học Trung Quốc đã tìm cách tự tử, và sự lo lắng về cái chết là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ này tăng lên.

Bà Tôn và các đồng nghiệp cho rằng, giáo dục về cái chết có thể làm giảm sự sợ hãi và lo lắng về sự kết thúc cuộc sống.

Nhưng chỉ có khoảng 20% sinh viên cho biết đang tham gia các khóa học về chủ đề này. Các khóa học về sức khỏe tổng quát, ứng phó khẩn cấp, an ninh và các mối quan hệ thường được tổ chức trong chương trình giáo dục về đời sống, nhưng đa số sinh viên cho biết họ ít quan tâm đến những chủ đề này.

Khoảng 30% sinh viên cho biết đã tham gia các khóa học về giáo dục giới tính.

“Sự chênh lệch giữa cung và cầu về các khóa học đã đặt ra câu hỏi, liệu các trường đại học Trung Quốc có đang xây dựng các chương trình đào tạo hiệu quả cho sinh viên hay không”, bà Tôn viết trong bài báo.

Theo một nghiên cứu của Đại học Y khoa thủ đô và Trung tâm Y tế đặc biệt thuộc Lực lượng Tên lửa giải phóng quân nhân dân (một cơ quan quân đội vận hành tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường của Trung Quốc) cho biết, nhìn chung xã hội Trung Quốc không sẵn sàng trong việc ứng phó với những cái chết hàng loạt.

Theo các nhà nghiên cứu, những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi từ 30 đến 95, lo lắng cho gia đình hơn bản thân họ.

Nhưng hầu hết đều cảm thấy khó khăn khi nói về cái chết với người khác, cho dù là những người thân nhất. Theo các nhà nghiên cứu, sự né tránh “mang tính tập thể” này đã làm suy giảm đáng kể khả năng ứng phó với cái chết của người Trung Quốc.

Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Đại học Thanh Hoa vào năm 2017 đã đưa ra cảnh báo rằng, khi một sự kiện chết người bất ngờ xảy ra ở Trung Quốc, sự dồn nén từ văn hóa “xem việc bàn về cái chết là điều cấm kỵ” có thể dẫn đến sự bùng nổ cảm xúc trong toàn xã hội, và tạo ra những hậu quả khó lường.

Theo phunuonline