Bà Ho Yau-lin (79 tuổi) không có ai ở bên khi đi phẫu thuật đục thủy tinh thể mắt trái hôm 25/8.

Bà không nói với 4 người con đang sống ở Trung Quốc đại lục vì không muốn ai lo lắng.

Bà Ho đã sống một mình ở Hong Kong (Trung Quốc) kể từ khi ly hôn 20 năm trước. Bà có một người họ hàng trong thành phố nhưng hiếm khi liên lạc.

Với một bên mắt bị băng lại, bà di chuyển chậm chạp trong khu nhà công cộng ở Sham Shui Po (Hong Kong), cố gắng không đụng trúng đồ đạc hay làm bản thân bị thương.

Bà sống nhờ số tiền vài nghìn USD mỗi tháng từ Trợ cấp An sinh Xã hội Toàn diện của chính phủ.

Có hơn 152.000 người trên 65 tuổi như bà Ho đang sống một mình ở Hong Kong. Thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ, nhiều người phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần, theo SCMP.

Các nhân viên xã hội và chuyên gia cảnh báo rằng "người già vô hình", những người cao tuổi sống một mình và không có kết nối với cộng đồng, sẽ dễ bị cô lập hơn trong đại dịch.

Thành phố sẽ phải chứng kiến thêm những cái chết cô đơn khi người già ra đi một mình mà không ai biết.

                                                          Bà Ho Yau-lin đã sống một mình tại Hong Kong 20 năm nay. Ảnh: Winson Wong.


Vật lộn trong cô độc


"Chết một mình thật thảm hại", bà Ho nói, nhớ lại mùi hôi thối từ căn hộ cùng tầng vài năm trước. Khi hàng xóm nhận ra mùi và gọi cảnh sát, cụ già sống trong đó đã chết nhiều ngày trước.

Vốn mắc nhiều bệnh mạn tính, bà Ho thường xuyên đến bệnh viện khám và phải uống hơn 10 loại thuốc mỗi ngày. Bà viết nguệch ngoạc lời nhắc cho bản thân trên tờ lịch treo tường.

Căn bệnh viêm khớp dạng thấp khiến các ngón tay, ngón chân của bà bị biến dạng và cứng đờ. Cơn đau ở khớp thường ập đến vào ban đêm. Bà luôn đặt một lọ thuốc mỡ cạnh giường nếu cần giảm đau.

Bà đi bộ chậm rãi, bám vào xe đẩy khi đi mua hàng tạp hóa hoặc thu gom ve chai để kiếm thêm tiền.

Đôi khi, bà gặp tai nạn. Hai năm trước, bà va vào góc bàn và bị gãy xương sườn. Bà đã gọi cho một nhân viên xã hội và được đưa tới bệnh viện.

Dù đã tự mình xoay sở đến nay, bà Ho vẫn lo lắng. Bên giường ngủ, bà đặt những bức ảnh của con cái, cháu chắt. Đã 2 năm nay, bà không thể gặp gia đình vì đại dịch.

Dù không có số liệu cụ thể, các phương tiện truyền thông thường đưa tin về những người cao tuổi chết một mình vì bệnh tật, thương tích hoặc tự tử.

Theo tổ chức phòng chống tự tử Samaritan Befrienders Hong Kong, dữ liệu của Coroner’s Court cho thấy có tổng cộng 1.019 vụ tự tử vào năm 2020, trong đó 438 người ở độ tuổi từ 60 trở lên. Tỷ lệ tự sát ở người già đạt mức cao nhất kể từ năm 1973.

Với dân số già hóa của Hong Kong, các nhân viên xã hội và chuyên gia cảnh báo rằng những cái chết cô đơn sẽ tiếp tục xảy ra, trừ khi có nhiều nỗ lực hơn để ghi nhận nhu cầu của người cao tuổi và cung cấp dịch vụ mới.

                                                 Tỷ lệ người già tự sát tại Hong Kong đang đạt mức cao nhất kể từ năm 1973. Ảnh: Felix Wong.


Mất kết nối trong đại dịch


Theo dự báo chính thức, số người từ 65 tuổi trở lên ở Hong Kong, từ 1,32 triệu vào năm 2019, sẽ tăng lên 2,52 triệu vào năm 2039 và 2,58 triệu vào năm 2069. Hơn 1/3 dân số nơi đây sẽ là người cao tuổi.

Cuộc điều tra dân số năm 2016 cho thấy 152.536 cụ già đang sống một mình, chiếm khoảng 13% tổng số người từ 65 tuổi trở lên.

Sze Lai-shan, phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SoCO), cho biết hầu hết người già sống một mình đang ở trong các khu nhà công cộng. Họ độc thân, không con cái hoặc không được con ở bên chăm sóc.

Một số đã đợi nhiều năm để có chỗ trong các viện dưỡng lão được trợ cấp bởi chính phủ. Họ phải chấp nhận dịch vụ kém chất lượng tại các viện dưỡng lão tư nhân chi phí thấp, nhưng không đủ tiền cho những nơi tốt hơn.

Sze nói rằng những người già sống một mình không có ai chăm sóc phải đối mặt với rủi ro lớn hơn về sức khỏe thể chất và có thể không được điều trị y tế kịp thời. Một số chán nản và bỏ cuộc.

“Họ sợ rằng mình sẽ ra đi mà không ai hay”, cô nói.

                                               Nhiều người già gọi đến các đường dây hỗ trợ chỉ để tìm sự kết nối xã hội. Ảnh: Winson Wong.


Tsang Siu-ha, cố vấn khủng hoảng cấp cao của Samaritan Befrienders Hong Kong, nhớ lại trường hợp một người phụ nữ 60 tuổi sống một mình và có ý muốn tự tử.

Người góa phụ từng sống với con trai. Sau khi con kết hôn và dọn ra ngoài, bà ở một mình trong căn hộ công cộng thuộc khu New Territories East (Hong Kong).

Những chuyến thăm của con trai ngày càng thưa thớt do đại dịch, khiến bà cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Tsang kể rằng người phụ nữ thường nhìn ra ngoài cửa sổ căn hộ và muốn nhảy xuống.

“Những người già sống một mình thường bị chìm trong cảm giác cô đơn. Họ trăn trở về giá trị bản thân và mục đích sống", cô nói.

Khoảng giữa tháng 6 đến tháng 7, Samaritan Befrienders đã phỏng vấn 613 người từ 60 tuổi trở lên. 91 người cảm thấy bất ổn về tinh thần, trong đó 25 người có ý định tự sát.

Nhiều người cho biết họ có lòng tự tôn thấp, cảm thấy cô đơn và thiếu ý nghĩa trong cuộc sống, chủ yếu là do tình trạng sức khỏe và thực trạng xã hội.

Clarence Tsang Chin-kwok, giám đốc điều hành của Samaritan Befrienders, cho biết đại dịch là một trong những nguyên nhân khiến số người già tự tử gia tăng trong năm 2020, bởi tình trạng giãn cách xã hội khiến họ không được gặp gia đình và bạn bè.

"Họ cảm thấy cô đơn và mất kết nối hơn với xã hội trong thời kỳ đại dịch", ông nói.

                                                              Nhiều người già có ý định tự vẫn vì cô đơn. Ảnh: Winson Wong.


Khó nhận được giúp đỡ


Ở Hong Kong, những người lớn tuổi có ý định tự tử vì mắc bệnh mạn tính, khó thích nghi với cuộc sống nghỉ hưu và cảm thấy bản thân là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tsang cho biết nhiều cụ già không tìm kiếm sự giúp đỡ vì ngại làm phiền người khác.

Với dân số già của Hong Kong và hệ thống chăm sóc không đạt tiêu chuẩn, các chuyên gia cảnh báo tình trạng người cao tuổi chết cô đơn có thể trở nên tồi tệ hơn.

Tsang nói rằng chính phủ nên nỗ lực hơn để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chẳng hạn như có bác sĩ thăm khám tại nhà.

Ivan Lin Wai-kiu, người hỗ trợ cộng đồng của SoCO và chuyên làm việc với người cao tuổi, cũng đề nghị tăng mức hỗ trợ cho các điều dưỡng viên để họ có thêm động lực chăm sóc người già.

Giáo sư Paul Yip Siu-fai, phó chủ nhiệm ngành khoa học xã hội và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Tự tử tại Đại học Hong Kong, cho biết điểm mấu chốt là chủ động tiếp cận với những "người già vô hình".

“Chúng ta cần tái tạo một mạng lưới an toàn và kết nối họ với cộng đồng", ông cho biết.

Theo Zing