Hạnh phúc chẳng ở đâu xa - Ảnh minh họa
Hạnh phúc chẳng đâu xa, đó là phút bạn đọc Thảo Nguyên (Hà Nội) rơi nước mắt khi nghe tiếng con khóc trong phòng sinh; là mái ấm gia đình giản dị với "ông chồng dễ xài" của bạn Lê Vi ở TPHCM. Một bạn đọc khác vừa trải qua sự cố tưởng quỵ ngã, đã tìm cách đứng lên bằng việc đi... kho một nồi cá.
"Nhìn nồi cá sôi liu riu tôi thấy mình hạnh phúc. Mọi nỗi buồn đã tan khi tôi tỉ mẩn thâm tiêu thêm ớt thêm màu. Thời khắc đó, cơ thể hoàn toàn thả lỏng, để thấy mình còn quá hạnh phúc khi có thể ngửi được mùi cuộc sống thế này...” - bạn Ái Linh ở Bình Thạnh, TPHCM đã viết.
Một bạn đọc khác lại khẳng định "hạnh phúc đựng trong tà áo đẹp", không ngại ngần nhận mình có niềm vui vật chất bên cạnh những phút vui tinh thần nhỏ bé như ngắm một bông hoa hay ngồi uống trà nhìn người đi đường.
Ở tầm rộng mở hơn, bạn Cao Bảo Vy kể về những phụ nữ trong cuốn sách nọ. Đó là những phụ nữ sống ở một khu đồi, chung nhau những người đàn ông và không biết gì về thế giới bên ngoài. Hạnh phúc của họ chính là giờ phút được thưởng tô canh trứng nếu sinh ra con trai.
Bạn Bảo Vy cho rằng, mọi phụ nữ đều nên bước ra ngoài để nhìn thế giới. Từ ấy mới cảm nhận rõ nhất mình nhớ thương ai, yêu ai, hay là... không ai cả. Bởi nếu không bước ra, có những khi ta tưởng mình hạnh phúc, nhưng thực ra lại chỉ như tô canh trứng buồn bã mà thôi.
Đến tận khi chồng mắc bệnh ung thư, bạn đọc Thu Thủy mới hiểu được những tháng ngày trước kia đáng ra đã là quãng thời gian vui vẻ. Nhưng lúc ấy bạn lại nghĩ: "Chờ con lớn lên, chờ chồng chuyển công tác về gần mới hạnh phúc".
Ở thời khắc người thân nằm bệnh, tương lai chưa biết sẽ ra sao, bạn chợt hiểu: phút giây này, khi còn có nhau trong đời, đó đã là một hạnh phúc. Bạn nhận ra giá trị bền vững của hạnh phúc và khẳng định: Hạnh phúc chính là con đường, chứ không phải đích đến (như lời thiền sư Thích Nhất Hạnh).
Thế mới thấy, hạnh phúc là một trạng thái tâm lý rất riêng, chỉ người trong cuộc mới hiểu vì sao mình hạnh phúc hay bất hạnh. Một bạn đọc chia sẻ: “Cuộc sống kỳ diệu lắm, chỉ cần bạn ngưng đòi hỏi, ngưng mong cầu, thì mọi thứ sẽ đến rất tự nhiên. Mà vốn dĩ, để có được hạnh phúc thì cứ cho đi đã, rồi hãy nhận về...”.
Nhà tâm lý học Sonja Lyubomirsky - Giáo sư tại đại học Riverside Califonia, Mỹ, (người đã từng xuất bản rất nhiều sách về hạnh phúc) phát biểu rằng: Hạnh phúc về mặt cảm xúc được quyết định bởi các yếu tố di truyền học, các tác động bên ngoài, quan điểm cá nhân mỗi người. Mà ở đó, yếu tố di truyền chiếm phần lớn việc quyết định chỉ số hạnh phúc về cảm xúc. Đó là lối sống tích cực, quan niệm tích cực.
Một bạn đọc độc thân nhẹ nhàng: “Tôi may mắn vì được quyền quyết định công việc của mình từ nhỏ, đúng hơn là ba luôn để tôi tự quyết định mọi chuyện của mình...”. Đây chính là chỉ số rất then chốt ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta - yếu tố di truyền.
Hạnh phúc trong đời này còn được đo lường bởi công việc, cách chúng ta tiếp nhận và thỏa mãn với công việc mình đang làm, công việc đó có tạo cho mình sự yêu thích hay không, có thấy hạnh phúc hay không?
Tác giả Võ Thị Minh Nga chia sẻ câu chuyện bỏ phố về làng của cô. Rời Sài Gòn hoa lệ, bốn năm qua, cô rảo chân khắp nẻo đường Quảng Nam để tặng quà người nghèo, người bệnh, người neo đơn... Minh Nga nhận nuôi trẻ mồ côi, Minh Nga cứ cuối tuần là đi tặng chăn, tặng áo, tặng dép...
Người khác nhìn cô gái Minh Nga quần quật làm việc mà ngạc nhiên. Bạn nỗ lực phát triển sản xuất, xây dựng nhà máy và mở rộng các mặt hàng nông sản để giúp người dân quê có công ăn việc làm. Sự quần quật ấy được bạn nhận là hạnh phúc. Bạn chọn cách sống cống hiến và cho đi, làm từ thiện không ngừng nghỉ.
Đa số các bài chia sẻ đều nói họ hạnh phúc vì được làm bất cứ gì mình thích, có khi chỉ là được ra ngoài gặp gỡ, làm những công việc kết nối và truyền cảm hứng. Lại có một bạn đọc trẻ chia sẻ rằng, chỉ cần đặt điện thoại xuống và thôi ngó nhìn người khác trên Facebook, cảm giác hạnh phúc sẽ đến...
Hạnh phúc là khái niệm khó đong đếm, nhưng các nhà nghiên cứu cũng cố gắng đưa ra các tiêu chí đo lường hạnh phúc xung quanh môi trường sống, mức độ hài lòng, thu nhập, sự tự do.... Các nhà tâm lý học và xã hội học thì khuyên những ai chưa cảm nhận hạnh phúc thử học vẽ tranh, học đàn, học bơi, học thêm một ngoại ngữ, đi du lịch cùng bạn bè...
Người không hạnh phúc chắc chắn sẽ bỏ qua câu hỏi “Bạn có hạnh phúc không?” của diễn đàn. Chúng tôi, những người thực hiện diễn đàn, mừng vui khôn tả vì được biết quanh mình rất nhiều người đang sống hạnh phúc và biết tận hưởng hạnh phúc. Cuộc sống còn gì đẹp hơn khi ai cũng bình an trong hạnh phúc của mình. Xin cảm ơn các độc giả thật nhiều!
Theo phunuonline