Giáo sư tâm lý học Isabelle Roskam và Moira Mikolajczak thuộc đại học Louvain ở Bỉ đã khẳng định: Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể bị kiệt sức trong quá trình nuôi dạy con. Đây là kết quả của quá nhiều căng thẳng bị tích tụ và không được xử lý đúng cách.
Ở Việt Nam, hầu hết trách nhiệm nuôi dạy con thuộc về người mẹ. Khi nghe đến cụm từ "kiệt sức", nhiều người sẽ ngạc nhiên hỏi lại: Kiệt sức vì bế bồng một em bé 10kg ư? Thực tế cho thấy, sự kiệt sức không chỉ nằm ở khía cạnh thể chất khi các bà mẹ chăm sóc nhũ nhi mà còn ở khía cạnh tinh thần khi trẻ lớn hơn. Các nhà nghiên cứu Đại học Melbourne ước tính rằng, hơn một phần tư trong số 1,5 triệu cha mẹ có con từ 5 đến 11 tuổi đã trải qua nhiều mức độ đau khổ khác nhau về tinh thần.
Những vấn đề tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ lại mang đến nhiều lo âu, suy tư và căng thẳng cho các bà mẹ, ví dụ: con nhút nhát, ăn vạ, đánh bạn, thiếu lễ phép, từ chối việc học, nghiện các thiết bị điện tử, lười vận động, phản ứng mạnh với lời nói của bố mẹ,... Đã có nhiều chuyên gia bàn luận về đề tài này, nhưng dưới góc nhìn của một doanh nhân, CEO Đào Huyền Vy cho rằng: "Những bà mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc. Người mẹ nên quay về bên trong chính mình, đối thoại với chính mình để trở thành một người phụ nữ hạnh phúc, sự thành công trong "nghề" làm mẹ sẽ theo sau".
Một doanh nhân hay một bà mẹ?
Đào Huyền Vy là chủ nhà hàng ẩm thực Nhật Bản Toryu, là người đồng sáng lập My Gym Việt Nam - một thương hiệu vận động nhượng quyền từ Mỹ. Cô cũng là người sáng lập và vận hành chuỗi trường mầm non My Kinder từ năm 2017. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của cô lại là một bà mẹ ba con với rất nhiều khó khăn thử thách. Cô chia sẻ: "Tôi ước gì ai đó nói cho mình biết trước khi sinh con. Rằng bạn sẽ phải trải qua những sự thay đổi to lớn, những phút yếu lòng. Rằng bạn sẽ phải gánh vác những nghĩa vụ lớn lao tới mức bạn không còn thời gian và hơi sức nghĩ tới việc gì khác. Rằng bên cạnh niềm hạnh phúc, tự hào và trái tim chan chứa yêu thương dành cho con, bạn sẽ phải đối mặt với những phút cô đơn, ảm đạm, nuối tiếc, hồ nghi về chính bản thân mình."
Trong chương trình làm cha mẹ "Không ai hoàn hảo", tổ chức UNICEF đã nhận định: "Làm cha mẹ không hề dễ dàng, đôi khi có thể khiến bạn nản lòng. Bên cạnh niềm vui từ việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề". Hiểu được nỗi lòng đó, Đào Huyền Vy đã tổng hợp những kiến thức cũng như kinh nghiệm trong 10 năm nuôi con để viết nên cuốn sách Hành trình làm mẹ hạnh phúc. Cuốn sách nhấn mạnh về tâm thế của một người mẹ khi có con. Chưa bàn tới việc chúng ta sẽ sửa đổi uốn nắn con như thế nào, trước hết mỗi người nên học hỏi cách nhận thức đúng đắn khi bước vào vai trò thiêng liêng này. Tác giả cũng hướng dẫn một cách cụ thể cách rèn luyện các kỹ năng cần thiết nhằm làm mẹ hạnh phúc và gợi ý cách xử lý những tình huống hàng ngày.
"Lá vàng là bởi đất khô - Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình"
Đôi khi hành vi xấu của trẻ lại bắt nguồn từ phản ứng chưa phù hợp của người chăm sóc. Cuốn sách Hành trình làm mẹ hạnh phúc không phải những giáo điều mà đơn giản chỉ là lời khuyên, lời chia sẻ tâm tình dành cho những bà mẹ. Ai cũng từng phạm phải những sai lầm, thay vì dằn vặt bản thân, tác giả đã đưa ra những hướng đi mới hiệu quả và tích cực hơn với phương châm: "Tôi cũng có những khó khăn và rắc rối của riêng mình. Có khác chăng là, tôi biết mình không thể thay đổi sự việc nhưng hoàn toàn có quyền lựa chọn tâm thế của bản thân khi đối diện với chúng."
Trong hai năm dịch bệnh hoành hành, trẻ em không được đến trường đều đặn thì trách nhiệm của gia đình càng lớn hơn. Nếu không có cái nhìn đúng đắn và những kỹ năng cần thiết, ắt hẳn sẽ có nhiều người mẹ rơi vào tình trạng kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuốn sách ra mắt đúng thời điểm cả nước xác định sống chung với dịch, như một sự cổ vũ âm thầm dành cho những người mẹ đang hết lòng vì các con.
Theo giadinh