Làm việc tại nhà tưởng “chill” hóa ra đầy thử thách, đòi hỏi nhiều nỗ lực của người trong cuộc - Ảnh: Marketplace

Thử thách ngập tràn

Chia sẻ về câu chuyện trên, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân (quyền trưởng bộ môn tâm lý học, ĐH Hoa Sen) cho biết làm việc tại nhà (work from home, viết tắt: WFH) trong đại dịch đặt ra nhiều thách thức đáng kể.

Chúng ta có khuynh hướng loay hoay tìm giải pháp hiệu quả thay thế cho các tương tác trực tiếp bị biến mất, chưa kể ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân bị xóa nhòa có thể gây ra những xung đột giữa yêu cầu công việc và gia đình. Vì vậy, trong bối cảnh đại dịch, những xung đột công việc - gia đình này lại trở nên căng thẳng hơn trước.

Và theo tiến sĩ Nilufar Ahmed (ĐH Bristol, Anh), tuy lý trí chúng ta có thể hiểu được lý do chính đáng của việc giãn cách hay những biện pháp phòng tránh COVID-19 nhưng não bộ và nhận thức của chúng ta vẫn chưa kịp thích nghi với những sự "xa cách" các mối quan hệ xã hội mà đại dịch gây ra. Chẳng hạn chúng ta ngán ngẩm trước những lỗi kỹ thuật của máy móc, hay khó chịu với việc phải làm việc trong "văn phòng" kín thời gian dài…

Bên cạnh đó, WFH có thể đem đến những yếu tố gây sao nhãng chúng ta không lường trước. Nhiều nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy việc thực hiện nhiều công việc cùng lúc (điều rất phổ biến với WFH) cũng làm giảm hiệu quả trong từng việc và dễ làm cạn năng lượng của chúng ta.

Để tâm trạng luôn tích cực

Theo ThS Hồng Ân, để tránh hiện tượng kiệt sức nghề nghiệp do WFH, chúng ta đầu tiên nên xác định những ranh giới rõ ràng về thời gian và không gian làm việc. Chúng ta nhất thiết nên trao đổi với gia đình những ranh giới này để đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho cả hai phương diện trên.

ThS tâm lý Nguyễn Hồng Ân - Ảnh: NVCC

"Hãy tự mình thiết kế không gian làm việc của mình vừa có đủ sự thân thiện, nhưng cũng đủ riêng tư, tránh những yếu tố căng thẳng, gây sao nhãng. Đồng thời, một không gian làm việc tiện lợi với đầy đủ những thiết bị được sắp xếp khoa học, có cây xanh cũng sẽ làm tăng năng suất làm việc của bạn", ThS Hồng Ân nói.

Song song đó, chúng ta cũng cần làm tốt việc xác định thứ tự ưu tiên. Điều này là vô cùng cần thiết để làm giảm những áp lực trên, giúp chúng ta WFH bền bỉ và hiệu quả hơn.

Và theo Trung tâm Phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chúng ta có thể tự chăm sóc cho sức khỏe tinh thần của mình trong giai đoạn này bằng cách: tranh thủ tạo thời gian thư giãn cho bản thân định kỳ (thông qua các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách, làm vườn, tập yoga, hoặc theo đuổi những sở thích cá nhân…); chăm sóc sức khỏe thể lý kỹ càng (ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục). Đây là những cách thức hiệu quả để giảm mệt mỏi, căng thẳng và lo âu.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, các nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục giúp sản sinh một số chất dẫn truyền như serotonin, dopamin. Đây là yếu tố can thiệp rất quan trọng đặc biệt khi chúng ta đang có những vấn đề về lo âu. Bên cạnh đó, tập thể dục được xem có tác động tới lượng máu và oxy lên não, giúp duy trì sức khỏe não bộ và tăng cường hoạt động của các chức năng nhận thức.

Cuối cùng, giữa những khoảng thời gian WFH căng thẳng, hãy "tự thưởng" cho bản thân những phút giây suy tư, phản ánh những trải nghiệm mình đang có. "Điều này giúp chúng ta có không gian và thời gian để tách mình ra khỏi những biến động, sắp xếp lại những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến mình, rút ra được những ý nghĩa từ những sự kiện xảy đến với bản thân, hiểu hơn về mình", ThS Hồng Ân nhận định.

Theo ThS Hồng Ân, hiện có một số trang thông tin chính thức để mọi người có thể tự tìm hiểu, đo lường về các vấn đề tâm lý nói chung, trầm cảm hay stress nói riêng.

Với tiếng Anh thì có các trang của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), Mạng lưới quốc gia về bệnh lý tâm thần (NAMI), hoặc tạp chí Observer của Hiệp hội Khoa học tâm lý (APS) (https://www.psychologicalscience.org/observer).

Với tiếng Việt, mọi người có thể tham khảo các trang chính thức của Tổ chức WHO Việt Nam.

Theo tuoitre