Ảnh minh họa

Người ta thường nói "Đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi có gia đình và làm cha", nhưng cũng có những người chồng giống như đứa trẻ to xác, mãi không chịu lớn. Mỗi lần vợ chồng tranh cãi hay không vừa ý chuyện gì, anh ta lại đi...“mách" mẹ khiến cho gia đình lục đục, thậm chí ra tòa ly hôn. Câu chuyện của vợ chồng Hoàng, Mai là một ví dụ.

Thời điểm Mai (29 tuổi), y tá ở một bệnh viện Hà Nội, tìm đến Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân để tư vấn tâm lý, cô đã nộp đơn ly hôn đơn phương, đang đợi ngày xét xử. Không có nhu cầu hàn gắn hôn nhân, cô chỉ tìm kiếm lời khuyên để có thể vượt qua những ngày tháng khó khăn bởi ly hôn, đâu phải cứ đứng dậy là bước được tiếp dù cô là người chủ động chia tay.

Mai lớn lên trong gia cảnh khó khăn. Mai hiền lành, càng lớn lại càng xinh đẹp. Đó là lý do cậu ấm nhà giàu là Hoàng say mê Mai ngay từ lần gặp đầu tiên. Đám cưới xa hoa, rình rang của cô khiến người ta vừa khen, vừa ganh tị.

Có ai biết sau đêm tân hôn cũng là bắt đầu chuỗi ngày Mai mệt mỏi với anh chồng không có chính kiến. Anh nhất nhất coi lời mẹ mình là đúng, chuyện lớn bé gì cũng hỏi ý mẹ. Không chỉ vậy, mỗi lần vợ chồng có tranh cãi bất đồng, Hoàng lại gọi điện thoại cho mẹ kể tường tận.

Có lần, Mai bị ốm nhờ chồng dọn dẹp nhà cửa và rửa bát. Anh tỏ ra không hài lòng chỉ làm cho có lệ rồi lấy cớ bỏ ra ngoài. Ngay hôm sau, Mai bị mẹ chồng lôi ra giáo huấn vì tội dám sai khiến con trai cưng của bà làm việc nhà...

Mai nhiều lần góp ý chuyện riêng tư vợ chồng cần tự giải quyết, không nên phiền lòng bố mẹ nhưng dường như anh không nhận ra vấn đề. "Tôi nói chuyện với bố mẹ tôi, tôi tâm sự với gia đình tôi thì làm sao?", anh phản bác.

Không chỉ vậy, ngay cả chuyện "chăn gối" vợ chồng, Hoàng cũng hành xử thiếu tế nhị. Công việc y tá bận rộn, nhiều áp lực về nhà còn phải đối diện với ông chồng chỉ biết yêu sách, đòi hỏi khiến Mai dần tuột cảm xúc với chồng và né tránh gần gũi.

Bực tức vì không được đáp ứng nhu cầu, Hoàng lại "mách" mẹ. Lúc thì anh nghi ngờ vợ ngoại tình, lúc lại cho rằng cô không phải đàn bà, không có hứng trong quan hệ tình dục. Hai người sống chung với nhau chẳng khác gì bạn cùng phòng trọ... Sau khi dạy dỗ con dâu về bổn phận làm vợ, bố mẹ chồng yêu cầu Mai nghỉ việc ở nhà để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình. Đây cũng chính là giọt nước tràn ly khiến cuộc hôn nhân của họ rơi vào ngõ cụt.

Thu Hiền (33 tuổi, ở TP.HCM) cũng cùng hoàn cảnh như Mai, khốn khổ với ông chồng có tật xấu hay "mách" tội vợ với gia đình bên nội. 

“Vợ chồng chung sống với nhau đã 7 năm. Về cơ bản anh ấy là người tốt, có trách nhiệm với vợ con nhưng những lúc “cơm không lành canh không ngọt” hoặc có chuyện gì không vừa ý với vợ, anh lại đi than vãn, kể lể với bố mẹ và hai chị gái của mình. 

Nào là vợ đoảng, có mỗi chuyện bày mâm trái cây lên bàn thờ cũng làm không xong, chồng đau ốm mà vợ thờ ơ, hỏi han qua loa vài câu cho có lệ, vợ tham công tiếc việc, lơ là chăm sóc con cái. Chuyện giỗ chạp nhà chồng, Hiền cũng bị nói ra nói vào. Các chị chồng bóng gió Hiền viện cớ công việc để né tránh trách nhiệm (Hiền là tiếp viên hàng không thường xuyên phải đi bay).

Ban đầu, thấy thái độ của mẹ, các chị chồng đối với mình đột nhiên có vẻ lạnh nhạt, Hiền đã thấy chột dạ. Mấy ngày sau, mẹ chồng cô mở cuộc họp gia đình, trước mặt tất cả mọi người, bà lên tiếng nhắc nhở con dâu về đạo làm vợ, làm mẹ, trách nhiệm con dâu trong gia đình phải như thế nào. Lúc này, cô mới vỡ lẽ thì ra bấy lâu nay ông chồng quý hoá luôn đi “mách” chuyện riêng tư của vợ chồng. 

Hai vợ chồng Hiền cũng vì chuyện này mà cãi vã, Hiền bức xúc kể lại với chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: "Anh ấy bảo chồng đau ốm mà vợ không quan tâm chỉ hỏi han qua loa là không đúng. Hôm ấy, tôi chuẩn bị đi làm thì tự nhiên anh ấy kêu mệt, kiểm tra thấy chỉ bị cảm sốt, tôi cũng dặn dò chị giúp việc nấu cho chồng nồi cháo giải cảm rồi vội vàng ra sân bay nhưng anh ấy cứ thích làm quá mọi chuyện lên như vậy. 

Còn chuyện giỗ chạp, đúng là tôi cũng có thiếu sót. Anh ấy là chồng lẽ ra nên giải thích, nói đỡ cho tôi chứ không phải vạch áo vợ cho người xem lưng. Bây giờ mọi người bên nhà chồng đều có ác cảm với tôi. Vậy mà anh nhất quyết không chịu nhận sai. Không chỉ vậy, anh ta còn tỏ ra tức tối vì cho rằng tôi có tội lại còn giận ngược...

Đến nước này Hiền cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Cô tuyên bố ly thân, vợ chồng từ đó "chiến tranh lạnh" việc ai người đó làm, không nói chuyện với nhau. Hiền cũng có tâm lý mặc cảm né tránh tiếp xúc, qua lại với gia đình bên chồng, “Như vậy cho đỡ phiền phức, dù sao mọi người cũng không ưa thích gì tôi...", Hiền thở dài ngao ngán.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) cho biết, thực tế cuộc sống cũng như trong quá trình tư vấn, bà từng gặp không ít trường hợp vợ chồng rạn nứt tình cảm, thậm chí dẫn đến ly hôn do người chồng có thói quen "mách" tội vợ với mẹ.  

Những anh chồng như vậy thường là con một, phụ thuộc vào mẹ hoặc sinh ra trong gia đình có nhiều chị em gái, từ nhỏ đã được nuông chiều, bao bọc quá mức. Chuyện gì cũng có người khác lo lắng, sắp đặt sẵn nên anh ta có tâm lý ỷ lại, không tự giải quyết được vấn đề của bản thân.  

Khi nghe con trai "mách" tội vợ, bố mẹ nào cũng có tâm lý bênh vực con mình, vô tình đẩy người vợ rơi vào tình cảnh bị cô lập trong nhà chồng. Ở thế yếu, người vợ dễ bị công kích, xúc phạm, cảm thấy không được tôn trọng, khiến cho tình cảm với chồng và gia đình chồng bị rạn nứt, thậm chí dẫn đến ly hôn như trường hợp của Mai. Đây là những hệ lụy mà chính bản thân người chồng không lường hết được. 

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cũng phân tích cho Hiền việc vợ chồng ly thân không giúp giải quyết vấn đề, ngược lại chỉ gây thêm tổn thương tình cảm vợ chồng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con cái và gia đình bố mẹ hai bên. Bà Vân nói: "Để từ bỏ thói quen xấu không phải dễ nhưng cuộc đời không phụ lòng người nỗ lực, nếu em có thể bao dung và kiên trì giúp chồng thay đổi”.

May mắn, Hiền nghe lời khuyên của chuyên gia thu xếp công việc dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Hai vợ chồng sau nhiều lần cố gắng trao đổi đã đạt được thỏa thuận từ đây về sau có mâu thuẫn, bất đồng gì cũng sẽ đóng cửa bảo nhau vì cả hai đều đã trưởng thành. Nếu không thể nói chuyện, họ sẽ gửi email, nhắn tin hoặc viết thư tay. Qua đó bước đầu, họ đã thu hoạch được một vài kết quả tốt đẹp, giải quyết tình trạng chiến tranh lạnh giữa vợ chồng. 

Bên cạnh đó Hiền cũng chủ động giải quyết những vướng mắc, hiểu lầm giữa mình và bên nhà chồng. Thỉnh thoảng, cuối tuần cô mời mẹ chồng, gia đình các chị chồng qua nhà chơi tổ chức nấu nướng ăn uống, nhờ vậy mọi người trở nên gần gũi, cởi mở với nhau hơn trước.

Đúng là mâu thuẫn gì rồi cũng sẽ được hoá giải nếu có thể trò chuyện, chia sẻ và chấp nhận. Tình thế đảo ngược bây giờ là mẹ chồng cô tuyên bố thương con dâu hơn con trai, có chuyện gì bà đều ra mặt bảo vệ con dâu tới cùng. 

Theo vietnamnet