Hôn nhân và con sóng
Cập nhật lúc 22:07, Thứ ba, 11/05/2021 (GMT+7)
Sau cú xô xát dẫn đến bị gãy tay, chị bạn tôi quyết định ly dị. Chóng vánh, chị trở thành bà mẹ đơn thân ở độ tuổi ngoài 40, luôn giữ thái độ dè dặt trước cuộc sống.
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
"Bạn tin không, hôn nhân cũng như nhiều thứ khác trên đời này, biết đâu sẽ có lúc nào đó "gãy cái bụp". Đừng hỏi câu "Mãi mãi là bao lâu"? Nên chớ vì chủ quan mà phải chới với, không thích ứng nổi với cảnh "người để ta lại bên đường"... |
Chị bảo dù biết tánh chồng cũ vũ phu, từng nhiều lần đánh đập vợ con, nhưng chị cũng không nghĩ sẽ có lúc gia đình mình tan vỡ. Chị thiệt tình chưa chuẩn bị gì cho cuộc chia tay này...
Tôi nhìn chị loay hoay thích ứng, vừa ngậm ngùi thương, vừa băn khoăn với câu hỏi: Người ta thật sự phải chuẩn bị sẵn sàng cho đổ vỡ hôn nhân khi đang sống yên ổn cùng vợ, cùng chồng trong một mái nhà thật ư? Chuẩn bị gì? Vật chất hay tinh thần, hay cần luôn cả hai thứ thì mới an toàn cho tình huống "lỡ như mà..."?
1. Thống kê cho thấy có ba giai đoạn hôn nhân dễ đứt ngang nhất. Chính là lúc mới cưới nhau, xung đột tính cách, khác biệt lối sống này nọ. Tới chừng hơn mười năm vợ chồng, đã nhàm đã ngán đã ơ hờ, bỗng thèm "bỏ đi hết ta làm lại từ đầu" vì các lý do nhỏ nhặt.
Khi ở cái tuổi tưởng không còn gì để gãy, người ta chợt muốn sống theo cách mình muốn, không chịu nổi các khủng hoảng về chiều. Thế là dắt nhau ra tòa, chấm dứt "khổ sai".
Dù sớm hay muộn, đột ngột hay đã dự đoán trước, chuyện nửa đường gãy gánh hôn nhân ấy không phải là chuyện người trong cuộc... thích lên kế hoạch. Chẳng ai kết hôn để đợi ngày ly hôn.
Thế nhưng, đừng vì thế mà không có sẵn sự chuẩn bị - dù trong tâm thức - là khi nào chúng ta cần ra quyết định khó khăn đó. Ly hôn chính là một cuộc chia tay cần được tập làm quen trước, từ trong suy nghĩ cho tới hiện thực.
Bởi bạn tin không, hôn nhân cũng như nhiều thứ khác trên đời này, biết đâu sẽ có lúc nào đó "gãy cái bụp". Đừng hỏi câu "Mãi mãi là bao lâu"? Nên chớ vì chủ quan mà phải chới với, không thích ứng nổi với cảnh "người để ta lại bên đường"...
Mọi thứ cần tự mình xác định rõ từ khi cùng bước chân vào "rọ". Ví như, độc lập tài chính, có nghề nghiệp, công việc với thu nhập riêng đủ nuôi sống bản thân.
Không chủ quan đặt mọi thứ vào một rổ theo kiểu "Mặc kệ, có anh ấy/cô ấy lo toan rồi, mình cứ vô tư tận hưởng an nhàn thôi"... Chưa kể giữ được sự bình đẳng, nhẹ nhõm, chỉn chu và cùng "đâu lưng vào nhau" ấy, hôn nhân càng dễ bền chặt.
Trái lại, cũng có nhiều chị em rất có tâm lý "thủ": lỡ mai này, còn có tiền nuôi con. Còn có cái đền bù thanh xuân! Còn có thể tự lo cho mình. Quỹ đen âm thầm ra đời từ đó. Tẩu tán tài sản, giấu giếm riêng chung cũng bắt nguồn từ đấy.
Tìm sẵn chỗ dựa "xơcua" cũng là sản phẩm của lối "sống thủ". Cuộc đời nhiều nỗi đổi thay, đành vậy, nhưng không dám sống, chẳng dám tin, không từng dấn thân thì làm sao thấu cảm được giá trị tốt đẹp chung tay chung sức của hôn nhân, bạn à?
2. Cuối cùng thì đừng vì e sợ mà không dám hết mình với thực tại. Bởi hạnh phúc là từng giây phút chúng ta đang sống. Hôn nhân nhiều niềm vui, lắm nỗi buồn, bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, nên mới gọi tên nhau "bạn đời".
Khi chẳng thể còn cố gắng được nữa, buông tay, cũng là lúc người ta chọn đi tiếp một mình. Sẽ có chênh vênh. Đau đáu. Cảm thấy như mình vừa thất bại. Tựa hồ trải qua một cơn mê dài. Mừng vì được giải thoát. Viễn cảnh từ nay tự do mới đẹp làm sao...
Dù ở cung bậc cảm xúc nào, ly hôn vẫn là một dấu ấn không mấy ai mong muốn. Có chút tâm thế sẵn sàng vẫn hay hơn là mình bị "quăng" vào con sóng cuốn đột ngột, ngỡ ngàng, không cam nổi.
Chuẩn bị tốt, đôi khi cũng là cách gìn giữ sự ấm êm mình đang có.
Theo tuoitre