Vợ chồng anh Quốc Dũng (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) làm chung cơ quan. Anh Dũng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, vợ anh thu nhập khoảng 9 triệu đồng. Dù vợ không yêu cầu, nhưng anh Dũng tự đưa thẻ ATM cho vợ, riêng những phần làm thêm thì anh giữ để tiếp khách, cà phê với bạn bè. Vợ anh Dũng là người chu đáo, giỏi bếp núc nên mấy cha con thường được ăn ngon, đảm bảo sức khỏe. Chị còn rất khéo léo trong giao tiếp, cư xử nên chuyện hiếu hỉ, thăm viếng gia đình hai bên đều vẹn tròn.
Anh Dũng vui vẻ kể: “Tôi được toàn tâm làm việc cũng nhờ có vợ phía sau ủng hộ, nên việc công khai tài chính, giao phần lớn thu nhập cho vợ giữ là lẽ đương nhiên. Thời buổi bây giờ nhiều thứ phải lo, giá cả tăng nên phải tạo điều kiện cho vợ chủ động chi tiêu. Mỗi khi đầu tư những thứ lớn như vay tiền mua đất, nhà, xe cộ… vợ chồng đều bàn bạc, tính toán kỹ để chia sẻ trách nhiệm với nhau”.
Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng cần có trách nhiệm chia sẻ về mặt tài chính để trang trải sinh hoạt, lo cho con cái. (Ảnh minh họa)
Chị Kim Cúc (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) làm việc cho một công ty tư nhân, lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Anh Trung (chồng chị Cúc) làm nghề tổ chức sự kiện, thu nhập khá cao nhưng thất thường, tùy theo thời điểm. Từ ngày ra riêng và có 2 con nhỏ, chị Cúc tính toán lại chi phí và thỏa thuận mỗi tháng chồng phụ 7 triệu đồng, những phần khác thì chị lo. Những tháng chồng làm được, đưa nhiều hơn thì chị Cúc để dành phòng khi hữu sự. Có tháng chồng đưa ít hơn hoặc đề nghị cho thiếu thì chị cũng không đòi hỏi vì biết chồng đang gặp khó khăn.
Chị Cúc chia sẻ: “Tôi nghĩ là vợ chồng thì không nên quá so đo thiệt hơn, ai có nhiều thì lo nhiều, miễn sao thể hiện trách nhiệm, cùng vun đắp cho trong ngoài yên ấm. Ngoài việc chi xài hằng tháng, khi chồng cần tiền làm ăn, tôi sẵn sàng hỗ trợ để đỡ phần lãi suất vay mượn bên ngoài. Chúng tôi cùng tin tưởng, tôn trọng nhau nên chưa bao giờ xảy ra bất hòa liên quan tài chính”.
Không phải cặp đôi nào cũng có tiếng nói chung hoặc sự thấu hiểu như trên. Có những trường hợp quá cứng nhắc, rạch ròi trong phân chia phần đóng góp, đối phương không đáp ứng theo yêu cầu thì trách móc, coi thường. Nhất là những gia đình khi một người hoàn toàn sống phụ thuộc vào người kia, rất dễ phát sinh tình trạng ban phát, mất hòa khí.
Chị H. (quận Ninh Kiều) kể, lúc mới cưới, chồng quy định tiền ai nấy xài, khi có việc gì chung thì sẽ bàn bạc, cùng đóng góp. Tới khi có con, nhiều thứ phải chi, mà mỗi lần chị hỏi tiền thì chồng tỏ vẻ khó chịu, nghi ngờ, trách móc vợ làm ít xài nhiều. Sau đó, công ty làm ăn khó khăn phải giải thể, chị H. mất việc. Chị nghe lời chồng ở nhà lo cho con để đỡ chi phí gởi nhà trẻ, chồng phát tiền chợ hằng ngày.
Hôm nào cơm canh không vừa miệng hoặc chồng bực bội bên ngoài thì trút giận vào vợ. Chịu không nổi, chị H. ly hôn. Suốt 4 năm qua, chị ở nhờ nhà mẹ ruột, phụ bán tạp hóa cho người quen kiếm tiền nuôi con.
Chị H. tâm sự: “Tôi nghĩ giữa vợ chồng cần có sự thỏa thuận rõ ràng về chi tiêu, không nên để người kia nặng gánh mà người này thì quá vô tâm. Chuyện tiền bạc nếu vợ chồng không khéo cư xử, dễ làm tổn thương nhau”.
Ðể tránh tiền bạc là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, tranh cãi, vợ chồng nên nói chuyện rõ ràng, đưa ra mức thu nhập thực tế, thống nhất tổng các khoản chi theo từng giai đoạn và luôn có những phần dự phòng rủi ro. Việc cả hai vợ chồng chủ động thông tin với nhau về lương, tiền tiết kiệm, nợ ngân hàng… vừa thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng, cũng là để giữ gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Theo giadinhvietnam.vn