leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Nhiều chuyên gia cảnh báo, kẻ bạo hành có thể là những diễn viên khá xuất sắc. Do đó, việc phát hiện, nhận diện họ không hề dễ dàng. Đặc biệt, hành động và lời nói của kẻ phạm tội đôi khi có vẻ “rất thật và đáng tin” đến mức người trưởng thành có kinh nghiệm cũng có thể nhầm lẫn. 
Dưới đây là một số dấu hiệu cần quan tâm khi khoanh vùng kẻ có xu hướng bạo hành:
- Muốn người khác phụ thuộc vào mình hoặc có tư tưởng chiếm hữu. 
- Người có tiền sử bạo hành người khác từ nhẹ đến nghiêm trọng.
- Người từng bị bạo hành, ngược đãi trong quá khứ.
- Khi nhận định vấn đề hoặc con người, họ thường thể hiện suy nghĩ cực đoan, tiêu cực.
- Cách thức giao tiếp áp đặt, tỏ ra quyền uy và độc đoán.
- Hay nạt nộ, lớn tiếng và sẵn sàng tấn công khi không được như ý.
- Thể hiện hành vi ngược đãi động vật và phá hoại cây cỏ, hoa lá.
- Thường xuyên đổ lỗi và nói dối.
- Có biểu hiện đòi hỏi nhiều, quá đáng và “muốn bằng được” điều gì đó, đôi khi bất chấp lý lẽ.
- Tìm cách thao túng tinh thần, tâm lý hoặc thể xác, tài sản của người khác.
- Thể hiện quan điểm ưa thích hoặc cổ vũ, ủng hộ việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề hoặc trừng phạt người khác…
Chúng ta không cổ xúy cho nạn bạo hành hay bênh vực kẻ bạo hành, nhưng có thể nhận thấy rằng: một số kẻ bạo hành biết được hành vi của mình là sai trái, phạm tội, phần nào ý thức được hậu quả sẽ xảy đến sau khi hành động, thậm chí không muốn bạo hành người khác, nhưng không phải lúc nào họ cũng kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của chính mình. Nguyên nhân phổ biến có thể rơi vào các trường hợp:
- Theo quan điểm “thương cho roi cho vọt” và biện minh rằng đánh trẻ là việc bình thường. 
- Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết trẻ từng bị bạo hành sẽ gặp khó khăn tâm lý, nhân cách có thể phát triển kém lành mạnh, lệch lạc hoặc thiếu hoàn thiện, các tổn thương dai dẳng có thể thôi thúc họ “trả thù” hoặc “giận cá chém thớt” như kiểu “hoàn vốn” lên người khác nhằm xoa dịu cơn đau của mình. 
- Ảnh hưởng bởi lối giáo dục ủng hộ/thờ ơ với chuyện đòn roi từ thầy cô, người thân… Từ đó, lặp lại cách thức giải quyết vấn đề tương đồng khi rơi vào các trường hợp giống như mình đã trải qua trong quá khứ.
- Kiểm soát cơn giận kém, có thể đến từ người có trình độ cao hay thấp, ý thức tốt hay kém, giàu hay nghèo, công việc ổn định hay bấp bênh. 
- Đời sống không như ý: thất nghiệp, bệnh tật, nợ nần… khiến đối tượng căng thẳng, mệt mỏi, tâm lý thiếu lành mạnh, dễ cáu giận, dễ bị khích tướng và hành động bốc đồng, thiếu suy xét.
- Không được tôn trọng và công nhận, trở thành tâm điểm của những chỉ trích, chê bai… Đối tượng có thể đổ tất cả lên những người yếu thế hơn như trẻ nhỏ, phụ nữ…
- Trạng thái tinh thần không tỉnh táo do bệnh lý hoặc dùng chất kích thích như ma túy, rượu, bia cũng là những nguyên nhân được ghi nhận chi phối kẻ bạo hành.
- Định kiến/thành kiến, chính những định kiến từ kẻ bạo hành lên các nạn nhân như không hợp nhãn, nói không lọt tai, xấu xí, nghèo khổ, yếu đuối… gây khó chịu, bực bội và chướng mắt.

Theo phunuonline