leftcenterrightdel
Bệnh của mẹ Thy thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, cần nhất là sự chăm sóc của người thân (Ảnh minh họa) 

Vừa về tới cổng nhà, Thy đã nghe tiếng ba quát: “Đã không làm được gì còn bày bừa ra, bắt người ta dọn dẹp”. Mẹ đứng nép vào cửa, tay run lẩy bẩy, miệng lẩm bẩm: “Cứ để đó, có ảnh hưởng gì đâu”.

Ba nghiến răng, ôm một đống chai lọ ném tung tóe ra sân, mấy cái chai thủy tinh vỡ kêu rào rào, mảnh chai văng đến tận bánh xe máy của Thy đang dừng trước cổng. Thy như chợt tỉnh, vội vàng chạy vào ôm lấy mẹ.

Mẹ níu lấy tay Thy thì thào: “Đừng cãi ba nhé, tất cả là do mẹ”. Thy nhìn đôi mắt trũng sâu thâm quầng của mẹ, thương mẹ đến thắt lòng. Chưa bao giờ Thy bất lực với hoàn cảnh gia đình như lúc này.

Nhà Thy neo người, anh trai lấy vợ lập nghiệp ở xa, Thy lấy chồng gần nhưng làm dâu, không phải lúc nào cũng về được, mẹ ốm chỉ biết trông cậy vào ba. Đã có lúc, Thy muốn bỏ hết công việc, con cái, nhà cửa để về chăm mẹ. Bệnh của mẹ ngày càng nặng dần cũng vì sống trong cảnh áp lực.

Cách đây hơn nửa năm, mẹ Thy bỗng dưng nói năng lộn xộn, cứ tưởng tượng ra cảnh người ta vào nhà lấy trộm đồ đạc, lo lắng phấp phỏng. Từ một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mẹ trở nên thẫn thờ, nói trước quên sau.

Bác sĩ chẩn đoán mẹ bị sa sút trí tuệ, thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, cần nhất là sự chăm sóc của người thân. Khi nghe mẹ bị bệnh, Thy hụt hẫng vô cùng, khó chấp nhận sự thật mẹ sẽ không thể hồi phục hoàn toàn để sống bình thường như trước.

Thy đã khóc rất nhiều, tìm tài liệu, bác sĩ tư vấn nhưng tất cả đều có chung một câu trả lời. Điều khiến Thy khổ tâm nhất là thái độ và phản ứng của ba khi mẹ lâm bệnh.

Suốt mấy chục năm, mẹ tận tụy chu đáo phục vụ chồng con, giờ mẹ ốm, ba trở nên cau có khó chịu. Vốn đã quen cảnh “cơm bưng nước rót”, ba Thy phải thay mẹ làm việc nhà, nấu cơm, giặt giũ và canh giờ cho mẹ uống thuốc.

Từng ấy công việc tưởng chừng đơn giản với người khác, nhưng đối với ba Thy đó là một gánh nặng. Tất cả sự hằn học, ba Thy trút cả vào mẹ. Không ít lần Thy thấy mẹ khóc vì ba nặng lời, cự cãi thì ba bảo: “Bà ấy có nhớ gì đâu, một tí lại quên ngay thôi”.

Đúng là mẹ Thy không nhớ, nhưng áp lực từ những lời lẽ quát tháo của ba cứ lớn dần bào mòn tinh thần của mẹ. Chỉ cần ba nói tiếng to, mẹ đã co rúm người lại. Trước đây, mẹ làm việc luôn tay, giờ phải ngồi yên không dám động vào cái gì vì sợ sai sót. Nếu nấu cơm, mẹ quên bấm nút nồi cơm, nấu thức ăn thì quên nêm nếm gia vị, giặt áo quần thì quên bỏ bột giặt.

Thy nhớ lại ngày xưa, mỗi lần thấy ba vừa gác đũa, mẹ đang ăn dở cũng vội vàng bỏ chén xuống đi lấy tăm rót nước, Thy đã thấy khó chịu. Lớn lên một tí, Thy bảo mẹ để ba tự làm mấy việc lặt vặt như rửa ấm trà, lấy áo quần đi tắm, nhưng mẹ nói mình làm quen rồi, phiền gì đến ba.

Sự hi sinh, phục vụ chồng âm thầm lặng lẽ của mẹ hơn 40 năm qua như chẳng đọng lại chút gì với người đầu gối tay ấp. Mẹ mới ốm nửa năm, ba Thy gặp ai cũng than: “Có ai khổ như tôi, người ta tuổi già có vợ lo bữa ăn giấc ngủ còn tôi phải đi phục vụ người mất trí”. Nghe câu nói của ba, lòng Thy nghẹn đắng, nhìn ánh mắt mẹ xa xăm, Thy chỉ muốn khóc thật to.

leftcenterrightdel
Chứng kiến cảnh ba quát tháo mẹ, Thy chỉ muốn khóc thật to. (Ảnh minh họa) 

Chuyện sáng nay không có gì to tát, vậy mà ba cứ làm ầm lên. Tính mẹ tiết kiệm, chai lọ, lon bia, đồ cũ không nỡ vứt mà gom lại bán ve chai. Mẹ hay quên nên để dưới gầm giường, ba quét nhà nhìn thấy mới quát tháo om sòm.

Nhìn cảnh sống của ba mẹ, Thy nghĩ nhiều về tình cảm vợ chồng. Cả đời mẹ chỉ biết cho đi, chiều chồng quá mức khiến ba trở nên ích kỷ, coi đó là bổn phận trách nhiệm của mẹ.

Sau lần đó, Thy nói với chồng, muốn về nhà ngoại một thời gian để chăm sóc mẹ. Thy tưởng tượng chồng sẽ ngăn cản, ít ra cũng có chút chần chừ nhưng không ngờ, anh trả lời ngay: “Em cứ về đi, anh sắp xếp được”.

Thy thấy lòng nhẹ nhõm, có lẽ Thy đã đúng khi làm trái lời dặn của mẹ “phải chiều chồng nghe con”. Ngay từ khi mới bước vào hôn nhân, Thy đã tự nhủ, mình sẽ phải sống khác mẹ, không coi phục vụ chồng là bổn phận mà phải chung tay làm việc nhà.

Theo phunuonline