Ảnh minh họa
Tôi và ông xã quen nhau gần 7năm mới tiến tới hôn nhân. Trong suốt thời gian đó, người thân trong gia đình mà tôi được tiếp xúc thường xuyên là… bà nội của anh. Trước khi cưới, ông xã nói, anh muốn em làm dâu bà nội. Anh rất thương nội vì cả đời bà tần tảo, chăm lo và hy sinh cho người thân…
Giai đoạn đó, ba má chồng tôi đang ở Sa Đéc, Đồng Tháp còn quê nội ở Cần Đước, Long An, gần gũi hơn nên vào cuối tuần, chúng tôi hẹn hò đi thăm bà nội. Hôm nào anh mượn được xe máy của cơ quan thì chúng tôi đèo nhau, nếu không thì mỗi đứa một chiếc xe đạp. Thời kỳ đó, những năm cuối thập niên 1970, Quốc lộ 50 còn chằng chịt ổ voi, ổ gà nhưng chúng tôi rất háo hức chạy đi chạy về trên con đường đó. Có lẽ nhờ động lực tình yêu.
Lần đầu ra mắt bà nội vào dịp tết, chiếc áo dài màu xanh biển tôi mặc đã để lại ấn tượng tốt mà sau này bà hay nhắc “hồi đó con tròn trịa, trắng tươi”. Còn tôi thì ấn tượng bởi đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo của bà với những ngón tay cong cong chai sần nhưng khéo léo. Sau này, tôi biết rằng, với đôi bàn tay nhỏ nhắn đó, bà đã gieo trồng, hái lượm từng cọng rau má và ngò gai trên mảnh đất cả ngàn mét vuông để chắt chiu nuôi con cháu ăn học.
Những lần về thăm dù không báo trước nhưng chúng tôi luôn được bà nội nấu cho bữa cơm nóng sốt. Nhờ bà nội mà tôi lần đầu được ăn canh khổ qua nấu với cá rô rỉa nạc, mắm còng Cần Đước, cá rô kho tộ… Món mắm còng của bà nội sau đó trở thành quà quê quý báu cho tôi.
Bà nội có ba người con: hai trai, một gái. Hai con trai của bà đều mất sớm, trong đó ba chồng tôi là con trai thứ, mất khi mới 59 tuổi. Con gái út của bà do vướng bận chồng con nên ít gần gũi với mẹ. Bà sống thui thủi một mình.
Khoảng bốn năm sau khi cưới, chúng tôi có nhà riêng. Vợ chồng tôi mời bà nội về ở chung để tôi “được làm dâu”. Năm đó bà đã gần tuổi 90, vợ chồng tôi vừa hơn 30, chưa có con nhỏ, còn rất rảnh rang.
Ông xã tôi làm báo nên thường rời nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Còn tôi làm việc ở cơ quan hành chính gần nhà, sáng trưa chiều đều về cơm nước với bà nội. Khi còn bé, tôi được gửi bên gia đình nhà ngoại, được chăm sóc, dạy dỗ bởi các bà là cô, dì của má tôi. Nhưng đến khi trưởng thành, làm dâu bà nội chồng gần 90 tuổi là điều tôi chưa từng được dạy. Việc ăn uống của bà rất đơn giản. Do không còn răng nên bà chỉ ăn món mềm dễ nuốt.
Có lần bà dặn, khi bà chết, con chỉ cần cúng cho bà một dĩa bún tươi với chén nước mắm ớt là đủ. Đặc biệt, bà rất thích món đầu cá lóc kho hay nấu canh chua. Khi mâm cơm có món cá lóc, bà ngồi ăn rất lâu để “xử” cho đến trơ xương đầu cá.
Tuy tuổi đã cao, lưng còng, chân yếu, bà vẫn giữ thói quen làm lụng không ngơi nghỉ. Sáng sớm, bà thức dậy lau bàn ghế, quét nhà, quét sân, quét luôn cả con hẻm trước nhà. Sau khi ăn sáng, bà ra trước thềm nhà ngồi lượm thóc gạo. Có lần tôi may cho bà hai bộ quần áo mới, bà nhận rồi xếp lại cất, nói để dành khi chết thì mang theo “xuống dưới” mặc.
Càng ngày tôi nhận ra nhu cầu thiết yếu của bà nội là cần có người gần gũi để bầu bạn, chuyện trò và… kể lể. Vì vậy, nhiệm vụ làm dâu của tôi chủ yếu là kiên nhẫn ngồi lắng nghe bà kể chuyện thời xưa. Như chuyện ông nội là con trai nhà giàu, không quen lao động đồng áng nên mọi việc từ trong ra ngoài đều do bà đảm đương.
Có dạo, ông mê đua ngựa, mỗi lần lên Sài Gòn chơi, ông dẫn bà theo để… cầm túi tiền cho ông. Ông nội mất sớm để lại cho bà một mảnh vườn và đàn con cháu. Bà rất quý mảnh vườn với căn nhà ba gian của mình, nhưng gần đây phải rứt ruột bán đi để trả nợ do con cái làm ăn thua lỗ.
Hầu hết những câu chuyện bà kể với tôi đều là chuyện buồn bực, giận hờn ai đó. Kết thúc câu chuyện luôn là những cái chặc lưỡi tiếc nuối. Có lẽ vì mang nặng tâm trạng nên tôi ít thấy bà cười. Hai bà cháu sống “hòa bình” với nhau khoảng hai năm, cho đến hôm bà giận tôi bỏ về quê vì một việc “hổng ngờ”. Bà nội trở về Long An sống với cháu ngoại một thời gian ngắn đến khi mất ở tuổi 92.
Mãi sau này, sống hơn nửa đời người, khi chăm sóc má tôi trên giường bệnh lâu ngày, tôi mới nhận ra mình khi đó, do còn non trẻ nên đôi lúc vì sự vô tâm, thiếu hiểu biết đã làm tổn thương bà nội. Tôi đã không thể giúp bà sống vui vẻ, không cố gắng tìm cách giúp bà thoát khỏi trạng thái nặng nề của quá khứ.
Tôi có nghe một bài pháp thoại của nhà Phật rằng, chúng ta dù chăm sóc vật chất đầy đủ thế nào cũng không thể đền đáp đủ công ơn ông bà cha mẹ. Do vậy, khi ông bà cha mẹ còn sống, chúng ta hãy nói những lời yêu thương sao cho họ quên đi, buông bỏ những chuyện buồn bực trong quá khứ.
Sao tôi lại vô tâm, chỉ dừng lại ở việc lắng nghe một cách thụ động đến vậy?
Theo phunuonline