Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng được 11 năm, có hai con, nhưng tận giờ mới nhìn thấy bản chất của chồng và… hơi thất vọng. Thời gian gần đây, vợ chồng em ở nhà làm việc qua mạng, cảm giác đó càng mạnh hơn.
Ngày trước sáng dậy là vợ chồng con cái chất nhau lên xe chở đi, con tới trường, vợ đi làm công ty vợ, chồng đến công ty chồng. Chiều về gặp nhau, chúng em ăn cơm tối, chơi với con, coi ti vi, đi ngủ. Từ khi anh làm việc ở nhà, em phát hiện chồng rất… miệng lưỡi, nói chuyện qua tai nghe với màn hình máy tính mà anh cứ “dẻo quẹo”.
Tất nhiên em biết do đặc thù công việc, anh làm phòng nhân sự, phải tiếp xúc, thuyết phục nhiều người. Thêm vào đó, em còn thấy anh rất tính toán, phức tạp, thậm chí thủ đoạn.
Anh tranh thủ người này, gài bẫy người kia, lắng nghe và nói chuyện với một người như thể chân thành hết mực với họ, nhưng sau đó khi làm việc với người khác, anh lại nhận xét coi thường người mới nói chuyện thật lòng với mình.
Nói chung, khi anh online làm việc, em nhìn thấy một người hoàn toàn khác, trông rất chuyên nghiệp, khi nào cũng vui vẻ với mọi người, nhưng hoàn toàn không chân thật.
|
Ảnh minh họa |
Có lần em đã hỏi anh về chuyện này, anh bảo đó chỉ là công việc thôi, nghề của anh rất đặc thù, nên chỉ khi về nhà anh mới được sống thật với mình, nếu em khó chịu thì đừng để ý.
Nhưng em không dứt ra khỏi cảm giác này được, em nghĩ công việc thực sự đâu cần thiết phải giả dối, “diễn” như vậy. Em băn khoăn không biết trong hai con người của anh, cái nào mới là thật, cái nào là giả dối…
Hoàng Nhi (TP.HCM)
Em Hoàng Nhi thân mến,
Dịch bệnh là một bối cảnh đặc biệt, đang tác động đến gia đình bằng hàng trăm thứ trước đây chưa hề thấy, chưa hề biết. Việc em “khám phá” ra con người mới của chồng khi chồng làm việc tại nhà chỉ là một trong những điều đó.
Hãy coi đây như lần gặp một người “mới”, đừng vội phê phán chỉ trích. Từ phía ngược lại, đôi khi mình cũng đang thể hiện bản thân như một “người mới” ở nhà mình, mà mình không biết đó thôi.
Trong mỗi người ai cũng có những cảm xúc, phản ứng khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong môi trường công việc, ngoài lao động chân tay, lao động trí óc, người ta còn phải lao động cảm xúc - một loại lao động khó nhận ra nhưng tác động rất mạnh đến con người.
Những yêu cầu cụ thể của công việc đòi hỏi chồng em phải quản lý cảm xúc cá nhân cho phù hợp với môi trường công ty, thêm vào đó là động lực riêng của mỗi người, sự cạnh tranh… có thể khiến cho người ta có những hành xử khác với bản chất của mình.
Em hãy nói chuyện, chia sẻ nhận xét của mình với chồng một cách nhẹ nhàng, có thể thêm chút hài hước cho câu chuyện vui vẻ hơn. Rất may là anh ấy sống thật khi ở nhà nên mới nói rất thật với em.
Có thể, anh ấy chưa tự nhận ra “con người công việc” quá khác con người mà mọi thành viên trong gia đình đã biết, đã yêu thương.
Em hãy tâm sự chân thành với chồng, nói với anh ấy về hình ảnh người đàn ông mà em yêu thương, quý trọng, giúp chồng hiểu ra nên sống chân thành, trung thực trong cuộc sống cũng như trong công việc. Sự giả dối chỉ lừa được các cộng sự “ngây thơ” một lần và kết quả anh ấy sẽ bị mọi người cảnh giác, xa lánh.
Bản thân chúng ta đều thay đổi mỗi ngày, mình cũng cần nhìn nhận người sống cạnh mình trong sự thay đổi, cởi mở. Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào thì sự thật vẫn là sự thật. Sống trung thực, chân thật với mình, với mọi người thì mới thanh thản được. Chúc em giữ được hạnh phúc gia đình, vượt qua những khó khăn của giai đoạn này, em nhé.
Theo phunuonline.com.vn