leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 
Khái niệm hạnh phúc vốn khó định nghĩa nên thường cho kết quả mơ hồ. Có một cách nhiều người thông minh đã sử dụng để tiến gần đến hạnh phúc, đó là dùng phép loại trừ. Ví như trái nghĩa với hạnh phúc là đau khổ, thì loại trừ đau khổ.

Nhưng, thế nào là đau khổ?

1. Trong nhóm bạn tiểu học của tôi có Thi, cô bạn tính tình tiểu thư vì là con một, lớn lên trong gia đình khá giả nên luôn được cưng chiều. Tuy nhiên, tính tiểu thư ấy không gây cảm giác khó gần cho mọi người.

Thi không kênh kiệu, giả trân. Trái lại, cô thuộc kiểu người yếu đuối nhưng thích giao lưu, kết bạn, cô thường để người khác kiểm soát cảm xúc và hành động của mình và không phiền gì với điều ấy.

Tính cách này theo cô đến tận ngày lấy chồng. Chồng Thi là một đồng nghiệp, hơn cô vài tuổi, đẹp trai nhưng trầm tính. Họ cưới nhau sau một năm hẹn hò. Thi chấp nhận về sống chung với gia đình chồng.

Mẹ chồng Thi là người tử tế, nhiệt tình và hiểu chuyện. Có cô con dâu yếu đuối, thật thà nên bà càng thương, muốn bù đắp chứ không xét nét, nặng lời. Chồng Thi thì khác, anh hầu như chưa bao giờ để ý đến cảm xúc và sở thích hằng ngày của vợ. 

Trong gia đình, bố mẹ theo chế độ ăn kiêng do bệnh huyết áp cao và tiểu đường, nên thỉnh thoảng Thi gọi đồ ăn từ bên ngoài giao đến, anh chồng lại tỏ thái độ, quan trọng hóa vấn đề, cho rằng cô thiếu tế nhị, không tôn trọng mọi người. Thi rất buồn nhưng đành nín nhịn, nhập gia tùy tục, không lặp lại việc đặt đồ ăn nữa.

Gần đây, vì dịch bệnh và giãn việc ở nhà, Thi đăng ký tham gia một lớp học về chăm sóc sức khỏe tinh thần trực tuyến, một phần để khuây khỏa, phần nữa cô cũng muốn nâng cấp bản thân.

Thế nhưng, sau khi biết, chồng Thi đã làm ầm lên, bảo vợ rảnh rỗi sinh nông nổi. Không muốn đôi co và thêm mâu thuẫn, cô rời lớp ngay sau khi vừa chuyển học phí. 

“Đó là những chuyện khá lớn, vậy những chuyện nhỏ hơn thì sao?”, một người bạn hỏi thêm sau khi nghe Thi kể lại chuyện trong nhóm chat.

“Thì mình cũng chiều chồng thôi, anh ấy muốn uống cà phê vỉa hè, thì mình cũng ngồi vỉa hè thay vì phòng máy lạnh. Anh ấy muốn mình mặc váy xòe, thì mình cũng đành từ chối những mẫu đầm ôm sát… Thế mà, anh ấy còn không vừa lòng đấy”, Thi trả lời.

“Làm sao bạn có thể chạy theo chồng mình mãi, sao bạn có thể đặt cuộc sống của bạn hoàn toàn vào tay người khác. Người đầu tiên cần tôn trọng, yêu chiều bạn, là chính bạn đó. Xin bạn đừng “bạo hành”, đừng ngó lơ bản thân nữa”, tôi tức tối trả lời Thi rồi rời cuộc nói chuyện. Đến bây giờ, sau hơn hai tuần trao đổi, thái độ bạn vẫn lửng lơ. 

2. “Chị biết không, xem đến đoạn anh chồng gọi điện cho vợ trong bệnh viện nhưng chỉ biết hỏi: “Em khỏe không, khỏe không” là em điên tiết. Thay vì hỏi “khỏe không”, sao anh không nói “vợ cố lên nhé, cố lên, anh rất cần em này nọ”, đúng là một người chồng vô tâm!”.

Một cô em đã nói thế sau khi rủ tôi xem một bộ phim tài liệu. Nội dung phim phản ánh về tình trạng quá tải của các cơ sở y tế trong những ngày xã hội gặp dịch bệnh. Nơi chọn ghi hình là khoa phụ sản của một bệnh viện nằm ngay trung tâm thành phố.

Sau khi nghe chia sẻ, tôi đã bảo cô ấy: “Anh chồng nói với vợ như thế, có thể vì anh ấy không nhìn thấy những điều khó khăn, quá tải như chúng ta được nhìn thấy, anh ấy vẫn tin tưởng tình hình điều trị và bệnh tình của người vợ khả quan.

Đôi khi, một lời nói ra không phản ánh hết bản chất của vấn đề và sự việc, nên mình đừng suy diễn, quy kết. Em mà có cách suy nghĩ như vậy là hay càm ràm chồng lắm nè”.

Chỉ vài giây sau, đứa em đã đáp lời: “Ối, chị nói đúng luôn. Ở nhà, chồng mà nói gì, làm gì không vừa mắt em là em lại nhảy dựng lên, la làng, không khí gia đình hầu như ngày nào cũng căng thẳng. Em chỉ muốn được chồng quan tâm, cưng chiều em từng ly từng tí”.

Tôi không bất ngờ, những người như em không hiếm. Đó là những người luôn xem mình là trung tâm, luôn thích đòi hỏi, đặt ra những yêu cầu và kiểm soát cảm xúc người khác. Dì tôi cũng là một ví dụ điển hình. 
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Dì sớm phải bôn ba kiếm sống từ nhỏ, sau này lớn lên lập gia đình, gặp dượng là kỹ sư công trình thường xuyên công tác xa nhà, một tay dì phải xoay xở và quyết định mọi việc lớn bé.

Hoàn cảnh đó đã góp phần tạo ra tính cách có phần cực đoan của dì. Dì luôn nghĩ mình đã dùng hết tâm sức để lo lắng, hy sinh, sống cuộc đời vì người khác nên cũng không ngừng đòi hỏi những điều ngược lại. 

Rất nhiều lần, dì thổi phồng cảm xúc của bản thân, luôn muốn mọi người xung quanh ngưỡng mộ và tôn trọng mình, nhưng lại thiếu đồng cảm, thiếu những góc nhìn vị tha với người khác. Dì giữ tính cách như vậy suốt một thời gian dài.

Và những người bị tác động nhiều nhất chính là chị Thảo và anh Út, hai người con của dì. Đã nhiều lần anh chị chia sẻ với tôi về sự khổ tâm, bất lực của mình trong mối quan hệ với mẹ:

“Mẹ cứ nghĩ mẹ yêu các con, nhưng thật ra mẹ chỉ thích kiểm soát, mong muốn con cái sống đúng ý mẹ. Bọn chị rất khổ tâm, nhưng cũng thương mẹ, vì mẹ cứ như vậy nên chẳng ngày nào hạnh phúc”.

3. Whitney Houston (cố danh ca người Mỹ) từng nói: “Tôi thích làm một phụ nữ, kể khi cả thế giới toàn là đàn ông. Vì, đàn ông thì không thể mặc được váy, còn phụ nữ chúng tôi, ngoài váy, vẫn có thể diện được quần dài”.

Vốn dĩ, phụ nữ chúng ta sinh ra trên đời không phải để chịu đựng những điều thiệt thòi như nhiều người từng nghĩ. Trái lại, chúng ta nhận được nhiều ưu ái hơn nhờ vào sự đa dạng, mềm mại, nhờ vào khả năng thường xuyên “biến hóa” để mang đến sự mới mẻ và dễ chịu cho mình, cho người. 

Những người phụ nữ sẽ hạnh phúc hơn, có một cuộc đời sống động và tươi sáng hơn, nếu chúng ta luôn biết trung thực với bản thân mà vẫn không hạ thấp nhu cầu của người khác.

Phụ nữ có thể vừa rắn như đá, vừa trong suốt và mềm mại như nước. 

Theo phunuonline