Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Mỗi bận rảnh rỗi, tôi thường ghé nhà ông bà hàng xóm chơi, khi thì ngồi uống trà nói chuyện phiếm, khi thì mượn vài cuốn sách.
Ông đã 80 tuổi, bà kém ông 2 tuổi. Họ cưới nhau khi còn rất trẻ, bây giờ thì đã mấy chục năm làm vợ chồng. Mỗi sáng, bà đều dậy sớm pha cho ông ấm trà xanh thật nóng rồi đặt trên cái bàn nằm dưới tán của cây khế xanh um ngoài sân.
Ông vừa nhẩn nha đọc sách vừa nhấm nháp ly trà nóng hổi. Thỉnh thoảng tôi cùng ngồi ăn những bữa cơm từ rau vườn được chế biến từ bàn tay khéo léo của bà.
Ông bà sống cùng gia đình anh con trai và đứa cháu nội năm tuổi. Gia đình họ ba thế hệ sống chung nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ thấy cãi vã, to tiếng. Anh con trai và vợ cũng hết mực thương yêu nhau. Cái nếp sống hòa thuận, bình yên của gia đình họ khiến tôi ngưỡng mộ.
Một bữa ngồi trò chuyện với con trai của ông, tôi hỏi vui rằng chắc ngày xưa bố anh hẳn phải yêu mẹ anh nhiều lắm nên khi về già họ mới có được sự quyến luyến, đối đãi với nhau hòa thuận như vậy.
Anh bảo rằng bố mẹ anh cưới nhau ở cái thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Anh cũng chẳng biết bố yêu mẹ nhiều hay ít, vì có bao giờ ông nói đâu. Nhưng anh nhiều lần thấy bố tận tay vào bếp nấu cháo, năn nỉ mẹ ăn từng muỗng khi bà bệnh.
Sau khi sinh đứa con đầu là anh, mẹ anh không sinh thêm được nữa vì cứ mang thai là sẩy, bố anh an ủi, bảo một đứa con là đủ rồi. Ngày còn nhỏ, hễ bố đi xa khi về đều có quà cho mẹ. Hẳn nhiên, tình yêu của bố mẹ anh chẳng cần nhiều lời để bày tỏ, nhìn cách họ quan tâm nhau là đủ hiểu rồi.
Thật ra, anh và bố cũng có nhiều điều không hợp ý nhau, thậm chí nhiều lần giận đến nỗi không nói chuyện. Nhưng cả bố và anh đều có chung một tình yêu lớn lao với mẹ, cả hai đều sợ mẹ buồn nên mọi chuyện dễ dàng xí xóa.
Anh lấy vợ cũng gần bảy năm, có một đứa con trai năm tuổi. Vợ anh làm giáo viên, tất bật cả ngày, phải thức đêm soạn giáo án. Anh đi làm về sớm đón con, tắm rửa, cho ăn trước để vợ về có thêm thời gian nghỉ ngơi. Vợ bệnh, anh cũng tự tay xuống bếp nấu cháo, chăm vợ.
Với anh, việc mà người chồng nên làm - chính xác là những việc mà bố anh đã làm với mẹ. Ngay từ nhỏ, cách đối đãi của bố với mẹ ăn sâu vào vô thức, để anh lặp lại những điều đó với vợ mình.
Tự nhiên tôi ngộ ra được một chân lý rằng tình yêu thương có sức lây lan thật mạnh mẽ, nhất là trong một gia đình. Bố yêu mẹ, hẳn nhiên những đứa con lớn lên sẽ yêu thương và đối đãi tử tế với vợ, với chồng của mình.
Chính cuộc hôn nhân của bố mẹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc hôn nhân sau này của con cái. Thường thì con cái sẽ bê nguyên xi hình ảnh của bố, của mẹ mà lặp lại điều đó với người bạn đời của mình.
Những người đã kết hôn thường có chung một nhận xét rằng thật khó khăn để giữ gìn tình yêu, để thấu hiểu và bao dung nhau. Không ít người, đi với nhau một vài năm đã bắt đầu chán nản, rệu rã, đã bắt đầu dùng những lời lẽ tổn thương để nói với nhau.
Đôi khi, chúng ta chỉ muốn hét lên cho thỏa nỗi uất ức trong lòng mà quên mất sự hiện diện của con cái. Vô tình, cảm xúc tiêu cực, chán nản ấy, con cái hứng hết.
Tôi nhớ có đọc được một bài báo nói về việc ám ảnh quá khứ của những người có xu hướng bạo lực trong gia đình.
Ảnh minh họa
Những người đàn ông hay dùng nắm đấm, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ thì chính anh ta cũng lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, đã chứng kiến cảnh bố đánh đập mẹ. Những điều đó không hề mất đi mà hằn sâu vào trí óc, để rồi dù chẳng muốn, anh ta cũng đã lặp lại hình ảnh người cha ưa bạo lực.
Trồng cây thì nhận về quả ngọt, gieo tình yêu thì sẽ nhận về tình yêu. Hiểu về việc “lây lan tình yêu” để mỗi người chúng ta thêm trân trọng và đối đãi tốt hơn với gia đình. Khi yêu thương người bạn đời từ tận đáy lòng thì đó cũng là lúc chúng ta gieo mầm tình yêu trong con cái.
Theo phunuonline