Mẹ tôi dặn rằng trong hôn nhân, nhiều khi phải biết nhắm mắt - Ảnh minh họa
12 năm hôn nhân, tôi nếm đủ ngọt bùi cay đắng. Số ngày tôi gặp trục trặc, bất hạnh trong suốt 12 năm là khoảng 30 ngày. Thời gian còn lại là tháng ngày bình yên. Mặc định kết hôn là đi tìm hạnh phúc, nên khi hôn nhân có chút trục trặc, tôi không khỏi trách thân trách phận, than trời than đất, thở ngắn thở dài.
Mẹ tôi nói, chỉ trong những lúc sóng gió người ta mới thấy giá trị của hạnh phúc. Nếu không sóng gió, hôn nhân chẳng có gì đặc biệt, chỉ tựa lục bình trôi sông, buồn tẻ và nhạt thếch. Mẹ nói không sai, nhưng tôi rất sợ những trận cãi vã. Nó ám ảnh vô cùng. Tôi không đủ sức để chống chọi với sóng gió, những lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến chuyện ly hôn.
Tôi bồng con về nhà mẹ. Mẹ dạy tôi rằng, nếu trước khi kết hôn phải mở to đôi mắt, thì khi sống trong hôn nhân phải mắt nhắm mắt mở, chứ rạch ròi, rành mạch, nguyên tắc quá thì khó lòng duy trì hạnh phúc.
Chẳng hạn, đừng táy máy điện thoại chồng, tò mò sẽ sinh rắc rối. Chồng cũng phải biết giao tế, tiệc tùng, đừng biến chồng thành người đàn ông quanh quẩn, tẻ nhạt. Công việc nhà, biết là chẳng phải của riêng ai, nhưng nếu phụ nữ làm gọn gàng, mau lẹ thì dù có làm nhiều hơn anh ấy đôi chút cũng chẳng có gì thiệt thòi.
Nhìn những điều tích cực từ chồng mình, sẽ thấy lòng bình yên. Phụ nữ đừng mơ uốn nắn chồng theo ý mình. Mỗi người là một cá thể độc lập, là một tiểu vũ trụ, làm gì có chuyện để người kia điều khiển, chỉ là tôn trọng nhau mà sống, vì yêu mà cố gắng dung hòa. Đừng mơ thay đổi anh ấy.
Cứ mắt nhắm mắt mở mà nhìn chồng. Mở toang mắt, sẽ tiếc đâu rồi người đàn ông chỉn chu, sáu múi? Đâu rồi cái người ga lăng, biết điều? Đâu rồi cái người siêng năng, hay lo? Đã vậy, còn thấy người ta bây giờ vụng về, lớ ngớ, nhìn bên ngoài chỉn chu, sạch sẽ nhưng lắm lúc cũng lôi thôi lếch thếch.
Nếu mở toang mắt mà nhìn thật kỹ, sẽ chỉ thấy đầy những bất toàn, khiếm khuyết. Bởi ở nhà, trước mắt bạn đời - chính là nơi mà người ta thoải mái nhất, chân thật nhất. Đó là nơi có cơ hội chứng kiến những “mặt trái” không thể thiếu ở mỗi con người.
Mắt nhắm mắt mở không phải để thờ ơ, mà để đối đãi với nhau bằng yêu thương, thông cảm - chứ không phải bằng ánh nhìn ráo hoảnh, tỉnh rụi. Nhìn nhau như vậy, để thấy bạn đời vẫn còn dễ thương. Để thấy, chồng tuy có lười nhưng lười những việc có thể tha thứ, còn chuyện kiếm tiền, chuyện làm trụ cột thì lại rất siêng.
Chồng đã chọn làm những việc to tát, yêu thương vợ con, trách nhiệm với gia đình, đó mới là điều quan trọng của một trụ cột. Trong hôn nhân, mở to mắt chẳng khác “vạch lá tìm sâu”. Cứ he hé để mọi thứ chớp chớp lòa lòa, để dễ bề tha thứ, để khỏi bận lòng.
Nói vậy, nhưng chuyện lứa đôi nào phải do đôi mắt? Đôi mắt he hé đó, thực ra là cách công bằng nhất mà mỗi người bạn đời có thể dành cho nhau. Với một người chọn ta để kề cận, để thả lỏng, để tự do bộc lộ - nếu ta đáp lại bằng đôi mắt của đúng sai, phép tắc - hẳn là ta đã chẳng công bằng.
Theo phunuonline