Còn lại một mình 

Chị Phạm Thị Kim Ấn (29 tuổi, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng chồng là anh Lê Quốc Hội rời làng vào TP.HCM mưu sinh bên xe hủ tíu gõ. 

Anh chị và hai con ở chung phòng với em trai anh để giảm bớt tiền thuê. Dịch COVID-19 tái bùng phát, anh chị và em trai nghỉ việc, hai con nhỏ ở nhà. Một ngày, đứa con nhỏ sáu tuổi có dấu hiệu như cảm cúm nên anh mua dụng cụ test nhanh và phát hiện cả gia đình đều dương tính. 

Cả gia đình mua thuốc uống và xông hơi với hy vọng bệnh chóng qua. Bệnh diễn biến nặng, anh Hội gọi điện báo nhân viên y tế xin vào viện điều trị. Em trai anh xin theo cùng để được điều trị và tiện chăm sóc cho anh. Do bệnh nặng, anh Hội được chuyển sang nơi khác. Chị và em trai thường gọi điện thoại nhưng không thể liên lạc vì anh khá mệt. Những lúc tỉnh táo, anh gọi hỏi thăm sức khỏe gia đình, dặn các con chăm ngoan. Một ngày giữa tháng Chín, điện thoại của em trai đổ chuông liên hồi. Chân tay chị Ấn run lẩy bẩy, linh cảm chuyện chẳng lành. “Tin chồng mất như sét đánh ngang tai. Lúc đó, tôi chẳng biết gì nữa…” - chị nhớ lại.

Bao năm qua, bà Nguyễn Thị Ro (mẹ anh Hội, 60 tuổi) sống một mình khi bốn người con tha hương mưu sinh. 25 năm trước, chồng bà rời quê vào Sài Gòn bán hủ tíu gõ. Ngày nọ, bà như mất hồn khi hay tin ông bị tai biến mạch máu não phải đi cấp cứu. Bà gửi con thơ cho người thân rồi bắt xe vào bệnh viện chăm sóc chồng. Hai ngày sau, ông bỏ lại người vợ trẻ và đàn con thơ, đứa út vừa tròn sáu tuổi. 

Bà đau đớn nhưng gắng đưa ông về quê nhà lo hậu sự rồi gượng dậy làm mọi việc để lo cho các con. Ngày ngày, bà cần mẫn cuốc xới thửa đất gò đồi cho lúa khoai tươi tốt. Bà cần mẫn làm thuê để cho con được tấm áo mới vào dịp tết. Thương mẹ cơ cực, các con bà chăm ngoan, đỡ đần công việc giúp mẹ. Niềm vui trở lại với bà ở tuổi về chiều, khi các con lớn khôn và cần cù làm việc. 

Đến một ngày, bà gần như ngất đi khi hay tin con trai qua đời. “Con cháu ở trỏng đều mắc bệnh nhưng tụi nó đâu dám cho tôi biết tin…” - bà nghẹn ngào. “Má lớn tuổi lại ở một mình nên tụi tôi không dám báo tin vì sợ xảy ra chuyện không hay” - anh Lê Công Viên, con trai út của bà, giãi bày. 

leftcenterrightdel
Bà Ro (bên phải) cùng con dâu hướng dẫn hai cháu học bài 

Tiếp sức cho nhau 

Chưa có nhà riêng nên ba mẹ con chị Ấn về ở cùng bà Ro để tiện lo hương khói cho người chồng vắn số. Chị xin chuyển hồ sơ hai con vừa vào lớp Một và lớp Hai về trường gần nhà. Đã trải qua nỗi đau mất chồng ở tuổi xuân xanh, bà Ro càng thương con dâu sớm góa bụa, rộng vòng tay đón cháu con trở về. 

Mỗi sáng, bà tất tả ra đồng chăm bón vài sào ruộng lúa. Sau mưa bão, hai mẹ con dọn vườn tược, cuốc xới và nhặt cỏ dại trên thửa đất gò đồi để trỉa đậu phộng. Về đến nhà, bà vội hốt thóc vãi cho đàn gà nơi vườn sau, con dâu lúi húi thổi cơm trong gian bếp nhỏ. Bữa cơm gia đình với tiếng bi bô của con trẻ làm vơi đi nỗi buồn. Lúc rỗi rãi, bà chuyện trò, động viên con dâu vượt qua nỗi đau, gắng lo cho hai con thơ dại. “Tôi phải cố gắng mạnh mẽ để cho con dâu bớt đau lòng. Mong nó mạnh khỏe làm lụng để lo cho cháu. Nghĩ đời mình không may mắn mà giờ nó cũng vậy nên tôi thương lắm…” - bà trải lòng.

Không còn chồng bên cạnh, chị Ấn càng thấu hiểu nỗi đau mẹ chồng đã trải qua trong đời. Chị càng thêm cảm phục nghị lực và tình thương yêu của mẹ dành cho con cháu. Điều ấy như tiếp thêm sức mạnh giúp chị vơi đi nỗi đau không thể nói thành lời. Chị chăm làm việc để mẹ đỡ nhọc nhằn, dạy dỗ con ngoan ngoãn cho mẹ vơi bớt âu lo. “Tôi sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau để cùng mẹ chăm sóc ruộng nương và lo cho con. Tôi muốn hai đứa nhỏ được sống trong tình yêu thương của gia đình…” - chị tâm sự. 

Hai đứa trẻ lên sáu, lên bảy ê a đánh vần con chữ khơi niềm hy vọng trong lòng hai quả phụ giữa miền quê nghèo. Đường đến trường của hai đứa trẻ sẽ gập ghềnh khi không còn cha đưa đón nhưng tình thương yêu của bà và mẹ sẽ vỗ về, sưởi ấm những tâm hồn thơ bé. 

Theo phunuonline