Món quà của sếp khiến cô gái kinh hãi sau khi phát hiện ra sự thật
Cập nhật lúc 16:10, Thứ tư, 30/06/2021 (GMT+7)
Lee Ye-rin đã bị tổn thương tâm lý rất lâu sau khi phát hiện ra sự thật.
Mới đây, một vụ quấy rối tình dục ở Hàn Quốc đã gây xôn xao dư luận. Một báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng vẫn còn những lỗ hổng lớn trong phản ứng của chính quyền với tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Lee Ye-rin là nạn nhân trong vụ quấy rối này. Cô được sếp của mình - một người đã có gia đình - tặng cho một chiếc đồng hồ báo thức. Mặc dù không hứng thú nhưng cô vẫn nhận món quà này và đặt nó trong phòng mình.
Tuy nhiên, ánh sáng của chiếc đồng hồ đã khiến cô khó ngủ nên sau đó Lee chuyển chiếc đồng hồ sang phòng khác.
“Cứ mỗi lần tôi chuyển chiếc đồng hồ đi, ông ta lại gọi cho tôi. Tôi thấy nghi ngờ nên đã tra thông tin về nó và phát hiện ra rằng đó là loại đồng hồ đặc biệt”.
Lee tìm thấy chiếc đồng hồ được rao bán trên mạng với phần mô tả giải thích rằng đó là một chiếc camera giấu kín bên trong. Những hình ảnh ghi được bằng thiết bị này sẽ được truyền trực tiếp tới một điện thoại thông minh - chính là điện thoại của ông sếp.
“Sau khi phát hiện ra sự thật, tôi đã gọi cho ông ấy. Tôi nói ‘đây không phải chiếc đồng hồ bình thường’ và ông ta đã thú nhận”.
“’Đó có phải là thứ mà em đã thức cả đêm để tra cứu không?’ - ông ta hỏi tôi. Điều đó có nghĩa là ông ta đang theo dõi tôi”.
Tuy nhiên, việc tố giác hành vi quấy rối này có vẻ khó khăn. Cảnh sát đã thẩm vấn Lee suốt 4 tiếng. Họ đặt ra những câu hỏi không phù hợp, ví dụ như cô đã bao giờ làm việc gì trong phòng mình mà người khác không nên thấy chưa. Không ai nói với cô làm thế nào để có thể đưa thủ phạm ra toà.
Sự việc khiến Lee bị tổn thương tâm lý trong một thời gian dài. “Tôi đã khóc suốt đêm và không thể ngủ. Việc đó đã diễn ra trong chính căn phòng của tôi, vì thế đôi lúc, tôi cảm thấy kinh hãi mà không có lý do”.
Quấy rối phụ nữ và trẻ em gái bằng công nghệ là vấn đề của toàn thế giới nhưng đặc biệt phổ biến và nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Chính phủ nước này cũng có đưa ra một số biện pháp để giải quyết vấn đề sau khi hàng nghìn phụ nữ đã kéo xuống đường biểu tình vào năm 2018, yêu cầu chính quyền phải hành động.
Tuy vậy, vấn nạn dường như không giảm thiểu. Vẫn có những máy quay lén đặt ở nơi công cộng như nhà vệ sinh.
Cảnh sát - đa số là nam giới - thường xuyên chế giễu và coi thường các nạn nhân, từ chối những lời phàn nàn của họ, buộc họ phải tự thu thập tất cả bằng chứng, đồng thời thẩm vấn họ theo cách lạm dụng, thậm chí chuyển những hình ảnh đó cho nhau để giải trí.
Ngay cả khi các vụ án được đưa ra toà, các nạn nhân vẫn cảm thấy thất vọng vì những bản án mà họ cho là quá nhẹ so với những tổn hại mà họ phải trải qua.
Chính phủ cũng thành lập một trung tâm có nhiệm vụ đặc biệt là hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn quá ít.
Theo vietnamnet