Tôi kiểm tra điện thoại của Q., dựa trên mật khẩu anh ta tình nguyện đưa. Ảnh minh họa.

Cách đây đã nhiều năm, tôi hẹn hò với Q., một người bạn học cũ. Q. luôn tỏ ra nghiêm túc và đàng hoàng, anh luôn cho tôi biết mật mã điện thoại và không bao giờ giấu điện thoại, tôi muốn cầm lúc nào tùy thích.

Thỉnh thoảng, điện thoại anh chàng lại không liên lạc được và lý do thì rất nhiều: anh ngủ quên mà điện thoại hết pin, anh để lạc điện thoại mà tìm không ra… Tôi cũng hơi thắc mắc nhưng không bận tâm nhiều.

Suốt ba tháng quen nhau, tôi chẳng hề đụng đến điện thoại của Q. Cho đến một ngày, trời xui đất khiến thế nào, tôi nổi hứng vọc điện thoại của anh chàng. Và đã vọc thì tôi vào đến tận… thùng rác. Tôi tìm thấy những tập tin chat trên Viber đã bị nén lại và xóa đi.

Tập tin nén không thể mở trên điện thoại, nên tôi dùng điện thoại của Q. gửi những file đó vào mail của mình rồi thoát ra. Tôi trả lại máy cho anh và cư xử hết sức bình thường.

Phần sau của câu chuyện, chắc các bạn đã đoán được rồi. Tôi đã bị cắm một cái sừng rõ mười mươi. May mà sừng không to, vì thời gian chưa đủ lâu. Tôi tin, trước những biểu hiện đáng ngờ của Q., sớm muộn gì tôi cũng sẽ phát hiện ra “cái sừng tàng hình” của mình, nhưng nhờ có chiếc điện thoại, mọi việc đến nhanh hơn một bước.

Thế mới thấy, thứ nhất, điện thoại rất lợi hại và cũng rất nguy hiểm. Thứ hai, những người cứ phơi bày ra với bạn rằng mình chẳng có gì khuất tất, đôi khi lại là những người khuất tất nhiều nhất. Ví dụ như Q., luôn đưa sẵn mật khẩu để tôi xem điện thoại, hóa ra đã xóa hết những gì cần xóa, chỉ quên mỗi cái… thùng rác (hoặc anh ta không nghĩ ra rằng tôi sẽ kiểm đến tận cái thùng rác như thế).

Hôm vừa rồi tôi xem bộ phim Tiệc Trăng Máu làm mưa làm gió ngoài rạp, và không thể ngừng liên hệ cảm xúc của mình với chuyện trong phim. Cô vợ trong phim tự mình bày trò chơi công khai tin nhắn và cuộc gọi, y như thể cây ngay không sợ chết đứng, cuối cùng chính cô lại là người đàn bà tàn nhẫn và vô liêm sỉ nhất.

Thế đấy, cuộc đời thật đáng sợ, còn điện thoại thì nguy hiểm vô biên.

Điện thoại là nơi chứa nhiều bí mật của kẻ ngoại tình nhưng cũng là vật cá nhân cần được tôn trọng. Ảnh minh họa.

Nhưng, tôi vẫn tin rằng điện thoại nên là một vật cá nhân và những gì đã thuộc về riêng tư cá nhân thì cần được tôn trọng. Vả lại, như bạn thấy đấy, khi người ta đã muốn ngoại tình và che giấu, thì chiếc điện thoại cũng chỉ là một công cụ hỗ trợ che giấu không hơn không kém.

Người ta có thể xóa sạch chứng cứ (và xóa cả thùng rác), lưu tên bồ dưới tên anh A, anh B… hoặc xài hai chiếc điện thoại và luôn để chiếc kia ở chế độ máy bay…

Không thiếu cách phát hiện thì cũng từng ấy cách che giấu. Cho nên, thôi đừng bận lòng với chiếc điện thoại mà làm gì, nó có thể giúp bạn phát hiện bí mật (nếu có) thì cũng có thể khiến bạn bất an. Chi bằng cứ mặc kệ nó, chuyện gì đến ắt sẽ đến, chuyện cần biết ắt sẽ biết.

Như cô bạn tôi, không hề kiểm tra điện thoại người yêu, nhưng một ngày nổi hứng sang nhà anh chàng lúc 6g30 sáng, định làm anh ta bất ngờ bằng việc bước ra cửa đi làm gặp cô ấy đợi sẵn. Nhưng (đời luôn có một chữ nhưng) anh chàng không hề có nhà và vẫn rất tự tin nói trên điện thoại với cô ấy rằng: “Anh đang uống cà phê trước hẻm đây!”. Hóa ra, anh ta cũng ở nhà, mà là nhà của… người yêu cũ.

Vậy là xong một cuộc tình!

Không bí mật nào có thể che giấu mãi mãi. Chúng sẽ lộ ra vào đúng thời điểm, nếu có. Còn bây giờ, hãy mặc kệ những nghi ngờ và chiếc điện thoại của người kia. Ảnh minh họa.

Bạn thấy đấy, nếu đã có khuất tất, ắt sẽ lộ ra một ngày nào đấy, bằng cách này hay cách khác. Đến lúc ta cần biết, vũ trụ khắc cho ta biết. Còn khi chưa có gì đáng ngờ, hãy cứ tin rằng ngoại tình chỉ là chuyện trên phim, chuyện của ai đó xung quanh, và mặc kệ nó. Hãy cứ an yên tận hưởng chuỗi ngày hạnh phúc bé mọn của mình, thay vì… đi canh điện thoại!    

Theo phunuonline