leftcenterrightdel
 Xu Zaozao (giữa), nguyên đơn của vụ án về quyền đông lạnh trứng khi là một phụ nữ độc thân, trả lời phỏng vấn trước tòa sau phiên điều trần đầu tiên, tại Bắc Kinh, tháng 12/2019. Ảnh: Cai Xingzhuo/JIEMIAN

Dù coi họ như bạn thân nhưng cô gái 25 tuổi chưa gặp mặt bất kỳ ai trong số 270 thành viên của nhóm (Huddling Group). Họ khác nhau về tuổi tác, quê quán và sở thích nhưng giống nhau là đã thề cả đời không kết hôn.

Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ kết hôn giảm 40% trong giai đoạn 2013-2020, do thế hệ Millennials (người sinh từ 1981-1996) không chấp nhận quan điểm truyền thống là người trẻ phải kết hôn để sớm ổn định. Theo ước tính của cơ quan thống kê, năm 2021 quốc gia này có 92 triệu người độc thân.

Không còn là số ít, người độc thân vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Kỳ thị vì chưa kết hôn còn mạnh mẽ, khi các nhà chức trách bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập. Họ xem những người phụ nữ độc thân là "phụ nữ còn sót lại".

Luật pháp Trung Quốc cũng có những rào cản với người không lập gia đình. Người độc thân không thể nhận con nuôi, không được tiếp cận công nghệ hỗ trợ sinh sản. Trong nhiều trường hợp, họ không được yêu cầu quyền lợi thai sản. Ở một số thành phố, họ còn gặp khó khăn khi mua nhà.

Những năm gần đây, các cộng đồng, hội nhóm trực tuyến dành cho người độc thân phát triển mạnh, trở thành địa chỉ hỗ trợ tinh thần, bảo vệ lợi ích cho các thành viên trong xã hội vốn coi trọng hôn nhân. Họ chia sẻ nỗi thất vọng với nhau, mẹo đối phó với kỳ thị, nguy hiểm liên quan khi sống một mình và giúp nhau điều hướng hệ thống pháp luật.

Shanshan phát hiện ra nhóm Huddling Group một năm trước. Là một người Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, Shanshan thề không kết hôn do vết thương lòng ngày thơ ấu.

10 tuổi, cô bị một người họ hàng tấn công tình dục. Khi Shanshan tố cáo, gia đình không ủng hộ. Bà của cô đổ lỗi cho cháu là quá "quyến rũ".

Lúc đầu, Shanshan chỉ tò mò muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người độc thân khác trong nhóm. Nhưng một lần, khi chia sẻ câu chuyện của mình với thành viên khác, Shanshan xúc động khi được đồng cảm lớn.

Các thành viên khác trong nhóm xa lánh hôn nhân vì nhiều lý do. Một số, như Shanshan, vẫn bị ám ảnh bởi những ký ức về tuổi thơ đau khổ. Những người khác không muốn thành vợ trong một gia đình Trung Quốc, nơi phụ nữ thường chỉ giữ vai trò thứ yếu. Bất bình đẳng là lý do chính khiến tỷ lệ kết hôn giảm ở Trung Quốc, khi phụ nữ muốn sống độc thân nhiều hơn so với nam. Nhóm thứ ba hờ hững với hôn nhân vì muốn tập trung vào sự nghiệp cá nhân hoặc hoàn thiện bản thân.

Chen Yaya, nhà nghiên cứu các vấn đề giới tính tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết thái độ xã hội thay đổi đáng kể từ năm 2011, khi truyền thông Trung Quốc thường xuyên dùng thuật ngữ "phụ nữ còn sót lại" (sheng nu) để mô tả phụ nữ độc thân trên 27 tuổi.

"Rất thường thấy bình luận phân biệt đối xử nhắm vào phụ nữ độc thân hồi đó. Giờ đây, xã hội đang dần chấp nhận việc độc thân của nhóm này như lối sống bình thường", Chen nói.

Trong "Huddling Group", phân biệt đối xử không còn là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các thành viên. An toàn cá nhân là một vấn đề được lưu tâm hơn nhiều. Các thành viên nữ mới được khuyên nên lắp camera an ninh trước cửa nhà và dùng tên con trai để tránh bị rình rập khi ra ngoài.

Tài chính cũng được thảo luận thường xuyên. Shanshan thường nhờ tư vấn bảo hiểm, kế hoạch chăm sóc sức khỏe và đầu tư. Như nhiều thành viên khác, mối bận tâm của cô là trải qua tuổi già không có bạn đời thế nào. "Điều tuyệt với nhất trong nhóm này là khi bạn bày tỏ băn khoăn và lo lắng, không ai nói 'cưới đi mọi thứ sẽ ổn'", cô nói.

Người trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến khái niệm quyền độc thân. Tháng 1, một nhóm nhà hoạt động nữ quyền tổ chức sự kiện trực tuyến về quyền của người độc thân đầu tiên của đất nước. 108 người tham gia diễn đàn, cùng chuyên gia, thảo luận về quyền giám hộ, rủi ro pháp lý người độc thân phải đối mặt khi có con thông qua người đại diện.

Các vấn đề như an toàn cho phụ nữ độc thân, quyền lợi thai sản của bà mẹ đơn thân của được đem ra bàn thảo. Các nhà hoạt động khác cũng đang thành lập nhiều nhóm trực tuyến tập trung vào những vấn đề cụ thể về quyền của người độc thân.

Phụ nữ độc thân đã có những hành động cụ thể đòi quyền lợi. Năm 2020, một bà mẹ đơn thân đã kiện chủ lao động ở Bắc Kinh vì từ chối trả tiền thai sản. Năm ngoái, các bà mẹ đơn thân ở Thượng Hải và Thâm Quyến khởi kiện chính quyền địa phương về các khoản trợ cấp thai sản không được thanh toán.

Mặc dù hầu hết trường hợp trên đều thất bại, chúng giúp các vấn đề về quyền của người độc thân trở thành chủ đề được quan tâm.

"Vẫn còn chặng đường dài phía trước. Tôi hy vọng một ngày nào đó có thể thụ tinh ống nghiệm ở Trung Quốc thay vì ra nước ngoài. Điều đó sẽ giúp tôi tiết kiệm rất nhiều tiền", Pata, điều hành nhóm phụ nữ độc thân muốn có con, nói.

Theo vnexpress