leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Ở xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) hiếm người nào đẹp bằng ông Bắc. Dáng người cao ráo, da thịt hồng hào, sống mũi thẳng, đôi mắt tinh anh, nói năng hoạt bát, hài hước. Hầu như chưa ai gọi ông bằng hai từ “đẹp lão”, mà cứ nói “đẹp trai”, bởi vì ông tuy 80 tuổi nhưng vẫn rất phong độ, không ai muốn “liệt” ông vào hàng lão. 

Đại gia đình ông Bắc có kinh tế khá giả. Vợ chồng ông là cán bộ cao cấp về hưu, vườn tược rộng rãi, hai con trai ông khá thành đạt. Cứ tưởng tuổi già của ông an nhàn, nhưng cuộc sống vốn không như mơ, bởi vì đứa cháu đích tôn ngoài 30 tuổi nghiện ma túy hơn 10 năm nay. 

Người già thương cháu như thương con. Cha mẹ cháu rầu một, vợ chồng ông rầu mười. Mỗi lần nghe ai khen mình đẹp trai, ông Bắc tặc lưỡi, cười chua chát: “Đẹp trai làm gì khi nhìn cháu trẻ mà xanh xao, gầy gò, đứt từng khúc ruột”, nên dần dà hai từ đẹp trai ít ai thốt ra trước mặt ông. 

Cũng có người thương ông Bắc mà bảo ông chẳng cần quá rầu rĩ, vì cả đời lo cho con cái rồi, cháu thì để cha mẹ nó lo, dứt bớt chút tình mà lo bản thân, ngày già còn bao lâu nữa? 

Đứa cháu sống chung nhà mỗi lần lên cơn nghiện, một người nghiêm khắc như ông lại tự trách mình thiếu tinh ý để nhận biết ngay từ đầu.

Ông giận mình, chứ ít khi ai nghe ông trách đứa cháu hư hỏng hay trách cha mẹ nó mê kiếm tiền mà thiếu quan tâm con cái, mẹ cha. Tầm tuổi ông bà, rủng rỉnh tiền bạc, lẽ ra được thảnh thơi mới phải. May mà mỗi khi buồn, ông Bắc lao vào đọc sách, như một cách giải khuây.

Không giỏi giang như ông Bắc, nhưng hai hàng xóm là ông Cảnh, ông Nhàn - những lão nông thứ thiệt - về già tiền bạc cũng đủ sống. Tuổi 80 mà các ông vẫn vác cuốc ra đồng, vì muốn rèn sức khỏe và vui thú ruộng đồng.

Nhìn sang đám con cháu nhà người ta, ông Bắc thấy sao họ hạnh phúc thế. Đúng là chẳng ai khó ba đời. Ông cha nhà ông Cảnh, ông Nhàn mấy đời khó nhọc, dường như họ đúc kết được nguyên do tại sao nghèo và khắc phục, để tới đời con cháu thì có một cuộc sống khác, dù không quá khá giả nhưng mọi mối quan hệ, mọi hoạt động trong gia đình đều rất quy củ.

Đứa lớn nói, đứa nhỏ nghe, cái gì đúng thì làm theo, cái gì không đúng thì cùng bàn bạc. Cách xưng hô lề thói “chị Hai, anh Ba”, nghe cũng đủ… vui cái bụng. Cùng là đứa cháu đích tôn, cùng tuổi với cháu ông Bắc, nhưng cháu ông Cảnh đã là một chủ cửa hàng bán lẻ ăn nên làm ra, dù xuất phát điểm không bằng cháu ông Bắc. Con cháu các ông ấy rất ngoan, lễ phép và hiếu thảo. 

Thử đi khắp thiên hạ mà hỏi, ngoài sức khỏe, điều khiến người già hạnh phúc nhất, chẳng phải là con cháu hiếu thảo hay sao? Có người nói, tiền bạc là quyền lực người già. Điều này không sai, nhưng cũng đúng tùy theo hoàn cảnh. 

Người già có tiền, chẳng sợ sau này bị con cháu bỏ rơi, họ có thể thuê người chăm sóc, đỡ đần. Người nghèo ít tiền, nhưng không ít người biết cách dạy con cháu hiếu thảo, cách họ quan tâm, dành thời gian cho con cháu, cách đối đãi, dạy dỗ… Ông Cảnh, ông Nhàn không sợ tuổi già thiếu tiền, bởi họ đã có thứ quan trọng hơn tiền, đó chính là lòng hiếu thảo của con cháu mình.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Họ có quyền hạnh phúc theo cách mà họ tạo ra. Con cháu hạnh phúc, là sức đề kháng mạnh nhất của tuổi già. Cũng có một số người đáng thương khi ngày trẻ lo cho con cháu hết… xí quách, tuổi già ập xuống khi nào chẳng hay, rồi một ngày đổ bệnh, mới tiếc tuổi trẻ chỉ giỏi cày bừa mà thiếu quan tâm sức khỏe, không lo tuổi già đường xa vạn dặm. 

Người ta hay đổ thừa số phận. Ông Bắc thì không. Ông không mượn những điều thiếu thực tế mà đổ lỗi. Ông chỉ hy vọng một ngày nào đó con cháu thấy tuổi già kém vui của ông mà thay đổi…

Theo phunuonline