Vợ chồng Đình Thoa (bìa trái) - Kim Hyunki (thứ 3 từ trái qua) về thăm gia đình chồng cô ở Hàn Quốc
Vì vậy, khi biết Samsung có tài trợ lớp văn hóa dành cho cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, Thoa đã tham dự khóa học này. Nó đã thực sự giúp ích cho cô rất nhiều trong cuộc sống chung với chồng cũng như hoà nhập với gia đình chồng cô - anh Kim Hyunki.
Vượt qua bất đồng ngôn ngữ
Tiếng Hàn không dễ học, ngôn ngữ địa phương lại càng khó nghe, khó hiểu hơn. Khi tham gia khóa học, Đình Thoa được học tiếng Hàn và học thêm ở các trung tâm nhưng khi sang Hàn Quốc vào các dịp nghỉ hè để gặp gia đình nhà chồng, cô vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp. Đặc biệt, cô gặp khó khăn khi nói chuyện với mẹ chồng vì bà chủ yếu nói tiếng địa phương vùng Pyongchang, Kangwondo, Hàn Quốc. Song, may mắn bố chồng hiểu những gì con dâu nói nên ông trở thành người phiên dịch bất đắc dĩ của cô con dâu Việt Nam. Đặc biệt, Đình Thoa còn may mắn vì chị dâu của chồng cô cũng là người Việt Nam và chị sang Hàn Quốc từ năm 18 tuổi nên rất giỏi tiếng Hàn, nếu cô không hiểu gì thì chị dâu sẽ phiên dịch giúp cô.
Đối với người phụ nữ Việt Nam khi kết hôn với người chồng Hàn Quốc và sống ở Hàn Quốc thì bất đồng ngôn ngữ có lẽ là một trở ngại lớn. Vì nó dễ tạo ra khoảng cách giữa vợ chồng do họ không thể tâm sự với nhau. Thậm chí, có những gia đình chung sống cả chục năm nhưng nếu người vợ không chịu khó học hỏi tiếng Hàn thì cũng chưa chắc đã hiểu được chồng mình; và người chồng cũng không thể hiểu hết được suy nghĩ của vợ.
Thoa và mẹ chồng ở Hàn Quốc
Bản thân con cái cũng ít nói chuyện, tâm tình với mẹ vì mẹ không hiểu hết được những gì con nói. Đứa trẻ thì lại được sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc nên bé nhanh chóng học tập, thích nghi với văn hoá Hàn Quốc - nói tiếng Hàn mà không hề biết tiếng Việt. Nhiều lúc, người mẹ sẽ cảm thấy cô đơn, tủi thân vì các con chỉ tâm sự với bố, cảm thấy con không hiểu văn hoá Việt, không là một phần con người Việt Nam như mình. Chính vì vậy, những cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc phải nỗ lực rất nhiều để học tiếng Hàn không chỉ giao tiếp mà còn để hiểu chồng và hiểu con mình hơn.
Cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho cô dâu Việt
Nhiều cô dâu Việt xác định lấy chồng Hàn Quốc để thay đổi cuộc sống nghèo khó của gia đình, của bản thân nên khi về nhà chồng chỉ chăm chăm kiếm tiền gửi về nhà. Họ quên mất là mình cần xây dựng, phát triển gia đình của mình. Đàn ông Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài rất nhiều. Và những người đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam thông qua môi giới chiếm khá nhiều, chủ yếu ở các vùng nông thôn. Họ không phải là những gia đình giàu có, có thể đáp ứng được nhu cầu về tiền cho cả gia đình vợ nên người vợ dễ rơi vào sự thất vọng, chán chường, còn gia đình chồng cũng dễ có tâm lý không tôn trọng con dâu Việt.
Người Hàn rất hiền nhưng cũng rất nóng tính, vì vậy nếu khi có mâu thuẫn thì tốt hết là im lặng. Đàn ông Hàn Quốc chịu nhiều áp lực trong công việc, kiếm tiền về cho gia đình. Khi căng thẳng, buồn bực lại không biết tự giải thoát, không tâm sự với vợ vì khó giải thích cho vợ hiểu cho nên dễ nặng lời, cáu kỉnh với vợ con. Bản tính người Hàn Quốc nóng nảy, khi tức giận thì thường khó kiểm soát cho nên việc tranh luận đúng sai, phản ứng lại sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa, sẽ làm to chuyện. Im lặng là cách tốt nhất. Khi dịu lại thì bản thân người chồng sẽ nhận biết lỗi, biết cách điều chỉnh.
Đình Thoa (ngồi, thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm tình nguyện viên tại Lãnh sự Quán Hàn Quốc trong buổi chiêu đãi tri ân do Hội người Hàn ở Hà Nội tổ chức
Người Hàn rất khỏe, thậm chí họ có thể làm việc quần quật 8 đến 10 tiếng mà không thấy mệt nhưng người Việt Nam thì không thể làm việc với cường độ như thế và người Việt thì có thói quen nghỉ trưa. Thói quen này đôi khi cũng dễ gây mâu thuẫn, khiến gia đình chồng không thiện cảm cho rằng con gái Việt lười lao động.
Thiếu tự chủ kinh tế
Nhiều cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc do không biết ngôn ngữ, nghề nghiệp lại không có nên đa số chỉ ở nhà chăm sóc con cái chứ không đi làm nên họ không thể tự chủ về kinh tế, mọi việc chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc hết vào người chồng. Những người lấy chồng ở vùng nông thôn thì có thể hỗ trợ chồng làm nông nghiệp nhưng tài chính cũng do người chồng nắm giữ thành thử họ cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, ngược lại cũng có rất nhiều cô dâu Việt Nam sau một thời gian biết tiếng Hàn thì đã tự đi xin việc làm để có thêm chi phí cùng chồng xây dựng cuộc sống gia đình và họ xác định phải lo cho gia đình mình trước, sau đó mới gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ, anh chị em ở Việt Nam.
Lấy chồng xa đã khổ, lấy chồng người nước ngoài không cùng ngôn ngữ và văn hóa lại càng khổ hơn, vì vậy bản thân các cô dâu phải tự hoàn thiện chính mình. Văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là tình cảm gia đình giữa bố mẹ và con cái, bố mẹ chồng người Hàn Quốc cũng rất yêu thương các cô dâu chăm chỉ và giỏi giang. Bản tính người Việt rất cần cù, chịu khó, dù ở đâu chúng ta cũng đứng trên đôi chân của mình chứ không ỷ lại, phụ thuộc vào người khác.
Theo phunuvietnam.vn