Chị Mỹ Hạnh nghỉ làm, quây quần với các con trong mùa dịch - Ảnh: MINH ANH

Trong giới kinh doanh địa ốc ở miền Tây, nhiều người ngưỡng mộ chị - một nữ doanh nhân tài sắc vẹn toàn. Bởi không chỉ có nhan sắc mặn mà, duyên dáng hiếm thấy ở tuổi 40 mà doanh nghiệp do chị đứng đầu với hàng trăm nhân viên liên tục thắng lớn với những dự án lớn. 

Nhiều người cho rằng anh nhà tốt phước khi cưới được chị, nhưng sự đời không hề đơn giản như vậy. Bởi rất ít bạn bè thân quen được chị tâm sự mới hiểu chuyện hôn nhân của nữ giám đốc ấy luôn là nỗi muộn phiền.

Thay đổi nhận thức và bất đồng quan điểm

Trước đây đám cưới của chị với anh khi cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng giờ nghĩ lại, chị bảo có lẽ đó là khoảng thời gian anh chị hạnh phúc nhất dù tiền bạc luôn thiếu trước hụt sau. 

Rồi cơ hội chợt đến, miếng đất được cha mẹ chị cho làm của hồi môn được giải tỏa để phóng đường, chị mang tiền đền bù đi mua miếng đất khác, chưa kịp cất nhà thì đã có người đến trả giá gấp đôi. Từ cơ hội bất ngờ ấy, chị đã trở thành người mua bán đất khá mát tay, rồi lập công ty kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, anh xưa nay chỉ quen với công việc hành chánh - văn thư ở ủy ban xã, sau giờ làm thì về nhà trồng trọt chăn nuôi. Từ khi gia đình bắt đầu khấm khá hơn với tài xoay xở của chị thì cũng là lúc gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ với đủ thứ bất đồng. Từ suy nghĩ, cách sống cho đến chuyện dạy dỗ, chăm sóc con cái. 

Đến lúc mọi thứ không thể hàn gắn được nữa, họ đã kết thúc cuộc hôn nhân vừa tròn 10 năm ở tòa án huyện. Để rồi mỗi người theo đuổi một con đường, một lý tưởng sống khác nhau.

Chị cho biết cuộc sống hiện tại của mình và các con khá đủ đầy, chỉ thấy tiếc là chị đã không thể giữ người cha ở bên cạnh các con.

Đó cũng là tâm trạng mà chị N., giảng viên một trường đại học ở TP Thủ Đức (TP.HCM), đã trải qua cách đây ít năm. Anh và chị yêu nhau từ năm bắt đầu bước vào chuyên ngành tiếng Anh ở đại học. Ra trường hơn một năm, họ cưới nhau khi cả hai đều đã có việc làm trong khi bạn bè vẫn còn thất nghiệp hoặc đi dạy kèm kiếm sống. Anh làm ở một công ty xuất nhập khẩu, trong lúc chị được trường giữ lại làm giảng viên. 

Do yêu cầu công tác nên chị được cử đi học thạc sĩ rồi tiến sĩ ở nước ngoài hơn 5 năm. Một mình anh ở nhà nuôi dạy hai đứa con trong từng ấy thời gian. Về nước giảng dạy chưa được bao lâu thì chị được đề bạt làm phó khoa, rồi lên trưởng khoa một năm sau đó. 

Bất ngờ anh đưa đơn ly dị nhờ chị ký với lý do không thể sống chung với nhau được nữa. Anh cho là giữa họ giờ có sự chênh lệch trình độ, nhận thức lẫn địa vị xã hội. Chị đã cố níu kéo bằng mọi cách nhưng cũng chẳng thể làm anh thay đổi. Và cái kết của cuộc hôn nhân ấy cũng là một câu chuyện buồn.

Cần xóa dấu ấn định kiến giới

Thực tế cho thấy sự thành đạt của người phụ nữ không phải là một nguy cơ ảnh hưởng tới hạnh phúc, thậm chí làm đổ vỡ gia đình. Chính những quy chuẩn văn hóa, đạo đức mang đậm dấu ấn của định kiến giới đã ăn sâu vào nếp nghĩ bao đời, khiến người ta tin rằng phụ nữ phải thuộc về gia đình, phụ nữ phải đứng đằng sau người đàn ông, cuộc sống gia đình gặp bất hạnh là do người phụ nữ thành đạt quá mải mê công việc và xao lãng trách nhiệm chăm lo chồng con... Điều đó thật không công bằng.

Nhiều phụ nữ thành đạt mà gia đình vẫn hạnh phúc. Đó là khi các chị có được sự cảm thông, san sẻ, động viên, ủng hộ của gia đình, nhất là của người bạn đời. Như trường hợp chị T., giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở quận 7. Theo chị thì làm bất cứ công việc gì, ở vị trí nào, người phụ nữ cũng phải đặt gia đình lên trên hết. Khi trở về nhà, người phụ nữ phải nhớ và thể hiện mình là người vợ, người mẹ bình thường như bao người khác. 

Vì lẽ đó, vừa muốn củng cố vị trí xã hội, thành đạt trong công việc vừa muốn chu tất việc gia đình, lại muốn làm vui lòng người đàn ông bên cạnh mình thì không có cách nào khác người phụ nữ thành đạt phải tìm cách cân bằng, nỗ lực gấp nhiều lần hơn những người phụ nữ bình thường khác.

Có được công việc với mức thu nhập cao, địa vị được nể trọng là điều mà ai cũng mơ ước. Tuy nhiên, đôi lúc điều đó lại không song hành cùng hạnh phúc trong gia đình chỉ vì người phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn. Phần lớn các đấng mày râu dễ có cảm giác tự ti, phụ thuộc khi bản thân thua kém vợ về địa vị cũng như thu nhập. 

Nhưng cũng có trường hợp người phụ nữ nắm quyền trong cả gia đình, xếp đặt, chi phối mọi hoạt động của các thành viên càng khiến các ông cho rằng mình bị xem thường. Để rồi những mâu thuẫn, bất đồng lâu ngày không được giải quyết rốt ráo dễ dẫn đến những đổ vỡ không thể cứu vãn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ngay tại các quốc gia có sự tiến bộ về bình đẳng giới thì phụ nữ thành đạt khó khăn hơn nhiều so với phái mạnh để duy trì cuộc hôn nhân của mình được bền vững, hạnh phúc. Nói cách khác, đôi khi người phụ nữ phải đánh đổi bằng chính sự đổ vỡ của bản thân để đạt đến sự thành công trong sự nghiệp bởi đến nay còn nhiều định kiến vẫn chưa thay đổi.


Sự kỳ vọng của xã hội đối với vị trí và vai trò của mỗi giới lâu nay vẫn không thay đổi, mặc dù cuộc sống biến chuyển không ngừng. Người đàn ông luôn được coi là trụ cột trong gia đình với những trách nhiệm lớn lao, to tát, trong khi phụ nữ luôn là người gánh vác những công việc không tên.

Cho nên nếu người phụ nữ có lùi lại phía sau để hậu thuẫn cho sự nghiệp của chồng thì sẽ là chuyện hợp lẽ, được ca ngợi. Trong khi nếu người chồng phải nghỉ việc để ở nhà lo nội trợ, đưa đón con cái luôn bị coi là thất bại hoàn toàn và khó có thể chấp nhận.

Nhiều cặp vợ chồng đã trở nên căng thẳng và không thể ngồi lại bàn bạc với nhau, khi người vợ có sự thay đổi về vị trí công việc theo hướng tốt hơn. Bởi ngay sau đó là không ít xáo trộn về giờ giấc, phân chia trách nhiệm, công việc trong gia đình. Từ việc chợ búa, cơm nước cho đến đưa đón, coi sóc chuyện học hành của con cái…

Hơn thế nữa, người phụ nữ thành đạt thường có khuynh hướng có khả năng làm chủ cảm xúc, vững vàng về kinh tế, ít lệ thuộc vào người phối ngẫu khi gặp những mâu thuẫn, bất đồng cho nên cũng dễ chấp nhận ly hôn hơn.

Theo tuoitre