Các bà mẹ cho con bú và chia sẻ qua Zoom

Hoạt động nói trên do theAsianparent - một ứng dụng nuôi dạy con trực tuyến - tổ chức nhằm đánh dấu Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ 2021 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như chia sẻ những khó khăn trong việc này.

“Chúng tôi từng nghe nhiều bà mẹ chia sẻ không biết mình có đủ sữa cho con bú hay không, hoặc họ thường gặp một số rắc rối khi làm việc này. Tôi nghĩ, những bà mẹ trong các hoàn cảnh mới như hiện nay rất cần được hỗ trợ và chia sẻ về những vấn đề liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ, để họ có thể tự tin vào khả năng làm mẹ của mình”, Ong Eng Huat - Giám đốc của Tổ chức Ghi nhận kỷ lục Singapore - chia sẻ.

Ông Ong cũng đáng giá cao nỗ lực của các tổ chức như theAsianparent trong việc truyền cảm hứng cho các bà mẹ đang có con nhỏ nuôi con bằng sữa mẹ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang còn diễn biến xấu ở nhiều nơi trên thế giới.

 “Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển sớm nhất và chúng ta nên ủng hộ việc này, đặc biệt là đối với các bà mẹ đang phải đi làm’, ông Ong nói thêm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị các bà mẹ nên nuôi trẻ sơ sinh bằng cách cho bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng trước khi chuyển sang cho các bé ăn thức ăn đặc. Theo WHO, “trẻ được bú sữa mẹ sẽ đảm bảo được dinh dưỡng, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, làm nền tảng cho cả một cuộc sống lâu dài về sau. Việc này cũng làm tăng thêm sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé”.

Diora Henson - Giám đốc của theAsianparent tại Singapore

Trong khi đó, UNICEF - Quỹ trẻ em của Liên Hợp Quốc - cũng cho biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và giúp các em giảm nguy cơ mắc các bệnh tật. “Việc cho con bú nếu bị gián đoạn có thể làm giảm nguồn sữa mẹ, trẻ không muốn bú lại sau đó, và giảm các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ”, tổ chức này khuyến cáo thêm.

“Tuy việc nuôi con bằng sữa mẹ là một điều kỳ diệu, nhưng nó cũng đi kèm với nhiều thách thức”, Diora Henson – Giám đốc của theAsianparent tại Singapore chia sẻ.

“Tôi đã cho con trai mình bú sữa mẹ trong 20 tháng và có một số trải nghiệm thật là tồi tệ. Một lần, khi đang cho con bú trong một nhà hàng, một người khách ở đây đã nói tôi nên cho con bú trong nhà vệ sinh. Tại nơi làm việc cũ, vì không có phòng riêng để lấy sữa cho con, nên tôi đã phải làm việc này trong một phòng nhỏ, nơi đặt máy tính chủ”, Henson kể lại.

Mặc dù vẫn nghe những câu chuyện về một số bà mẹ bị người khác “soi mói” khi cho con bú nơi công cộng, nhưng Henson cho rằng điều này là có thể chấp nhận được.

“Theo luật ở Singapore, việc cho con bú ở những nơi công cộng không bị xem là khiếm nhã hay điều cấm kỵ. Phụ nữ có con nhỏ có thể cho con bú ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trên các phương tiện giao thông công cộng”, Henson nói.

Năm 2017, một bà mẹ ở nước này đã gây ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc khi bức ảnh cô đang cho bé gái bú trên tàu điện ngầm được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

“Con nhỏ luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi, miễn là bé cảm thấy thoải mái và được nuôi dưỡng đầy đủ, tôi thực sự không quan tâm đến việc những người khác đang nghĩ gì”, người phụ nữ nói trên đã lên tiếng vào thời điểm đó.

“Tại sao chúng ta lại kỳ thị những người phụ nữ như vậy khi họ làm những việc rất bình thường và tự nhiên?”, Henson phản ứng và cô muốn mọi người cũng không nên kỳ thị những bà mẹ không thể cho con bú vì lý do nào đó. “Điều đó không có nghĩa họ là những bà mẹ tồi. Mỗi bà mẹ và mỗi đứa trẻ đều là những cá thể duy nhất, và chúng ta nên công nhận và tôn trọng điều đó”, Henson chia sẻ quan điểm.

Theo phunuonline