Sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp
Cập nhật lúc 18:36, Thứ ba, 10/08/2021 (GMT+7)
Cách bạn lắng nghe, nhìn, di chuyển và phản ứng sẽ giúp cho người đối diện biết bạn có quan tâm hay không, và bạn đang lắng nghe như thế nào. Nếu bạn muốn trở thành một người giao tiếp tốt hơn, dưới đây mà một số mẹo sử dụng ngôn ngữ cơ thể mà bạn có thể tham khảo:
1. Nét mặt
Khuôn mặt con người cực kỳ biểu cảm, nó có thể truyền tải vô số cảm xúc mà không cần nói một lời.Vì thế trong giao tiếp, nét mặt đóng một vai trò rất quan trọng. Một cuộc nói chuyện của bạn vui hay buồn, tức giận hay ngạc nhiên, sợ hãi hay thoải mái phụ thuộc phần lớn vào nét mặt của bạn.
2. Chuyển động cơ thể và tư thế
Cách nhận thức của bạn về mọi người bị ảnh hưởng bởi cách họ ngồi, đi, đứng. Vì thế, cách bạn di chuyển và tư thế đứng sẽ giúp người đối diện hiểu rằng bạn đang rất trân trọng họ và bạn muốn truyền đạt nhiều thông tin quý giá đến cho họ. Do đó, những cử chỉ của cơ thể sẽ giúp bạn tạo lập được một mối quan hệ tốt hoặc kí được hợp đồng mà bạn mong muốn.
3. Cử chỉ
Cử chỉ được coi là điều cần có trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bạn có thể vẫy tay, chỉ tay, vẫy gọi hoặc sử dụng tay khi tranh luận sôi nổi. Bạn thường thể hiện bản thân bằng cử chỉ mà không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, ý nghĩa của một số cử chỉ có thể rất khác nhau giữa các nền văn hóa. Ví dụ: mặc dù ký hiệu “OK” được tạo bằng tay thường truyền tải thông điệp tích cực ở các quốc gia nói tiếng Anh, nhưng ký hiệu này lại bị coi là xúc phạm ở các quốc gia như Đức, Nga và Brazil. Vì vậy, điều quan trọng là phải cẩn thận với cách bạn sử dụng cử chỉ để tránh hiểu sai, hiểu lầm.
4. Giao tiếp bằng mắt
Vì cảm giác thị giác chiếm ưu thế đối với hầu hết mọi người, nên giao tiếp bằng mắt là một loại giao tiếp phi ngôn ngữ đặc biệt quan trọng. Cách bạn nhìn ai đó có thể truyền đạt nhiều điều, bao gồm sự quan tâm, tình cảm, sự thù địch hoặc sự thu hút. Giao tiếp bằng mắt cũng rất quan trọng trong việc duy trì luồng trò chuyện và đánh giá sự quan tâm cũng như phản ứng của người kia.
5. Chạm
Chúng ta có thể tạo ra một cuộc nói chuyện thật tuyệt vời thông qua việc chạm. Ví dụ, hãy nghĩ về những thông điệp rất khác nhau thể hiện qua một cái bắt tay yếu ớt, một cái ôm ấm áp, một cái vỗ đầu vỗ về hoặc một cái nắm tay có kiểm soát. Nó có thể khiến cuộc giao tiếp trở nên thân mật hơn và cuộc nói chuyện có thể kéo dài hơn.
6. Khoảng cách
Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu trong cuộc trò chuyện vì người kia đứng quá gần và xâm phạm không gian của bạn? Tất cả chúng ta đều có nhu cầu về không gian vật chất, mặc dù nhu cầu đó khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, hoàn cảnh và mức độ gần gũi của mối quan hệ. Do đó, giữ một khoách cách phù hợp với người đối diện là điều cần thiết trong giao tiếp.
7. Giọng nói
Một cuộc đàm phán thành công không chỉ phụ thuộc vào những gì bạn nói và còn phụ thuộc vào cách bạn nói. Những điều đối phương luôn chú ý đến bao gồm thời gian và tốc độ của bạn, mức độ bạn nói, giọng điệu, cách suy nghĩ của bạn và những âm thanh truyền đạt sự hiểu biết. Hãy cân nhắc xem giọng nói của bạn có thể biểu thị sự mỉa mai, giận dữ, trìu mến hoặc tự tin hay không./.
Theo vov