|
|
Một số bạn trẻ tìm đến Tinder vì muốn khỏa lấp nỗi cô đơn - REUTERS |
Đầu tháng 2, Netflix đã cho ra mắt bộ phim tài liệu tội phạm có thật The Tinder Swindler (tạm dịch Kẻ lừa đảo trên Tinder) nhằm phô bày thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo; đồng thời như một lời cảnh tỉnh dành cho những quý cô mơ mộng, thích tìm kiếm hoàng tử trong “thế giới ảo”.
Bộ phim ngay lập tức thu hút sự quan tâm của người dùng Tinder nói riêng và giới trẻ nói chung vì đề tài thời sự, mạch phim đưa cảm xúc người xem lên xuống cùng nhân vật và bài học đáng suy ngẫm cho những ai “nhẹ dạ cả tin” trong môi trường trực tuyến.
Mong ước tìm thấy “tình yêu đích thực”
Không ít bạn trẻ tìm đến ứng dụng hẹn hò trực tuyến Tinder, tạo cho mình hồ sơ cá nhân “xịn xò”, thực hiện thao tác “quẹt” và bắt đầu những cuộc tán gẫu cùng người lạ.
Bắt đầu dùng Tinder sau lần chia tay bạn trai hồi năm 2017, Thu Thủy (sinh năm 1991, hiện sống tại Hà Nội) kể lúc đó cô chỉ muốn tìm người trò chuyện, nếu may mắn có thể gặp được tình yêu mới. “Một số bạn trẻ như tôi cảm thấy dễ bắt chuyện với người trên môi trường mạng như app (ứng dụng) hẹn hò hơn là ngoài đời thực”, Thủy chia sẻ.
Nhờ vậy, Thủy có cơ hội làm quen với nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau. Trong thời gian đó, cô từng hẹn hò với một người qua Tinder, nhưng vì lý do khoảng cách nên cả hai chia tay.
Ngoài ra, các ứng dụng hẹn hò như Tinder còn mang đến sự tiện ích, tiết kiệm thời gian so với cách thức yêu đương thời “ông bà anh”.
Điều này cho thấy Tinder góp phần giúp người trẻ vơi bớt cô đơn, thậm chí nhiều người còn tìm kiếm được một nửa đích thực của đời mình. Tuy nhiên, không ít người dùng Tinder gặp phải các trường hợp không mong muốn và những trải nghiệm “nhớ đời”.
Và nhận lại “trái đắng”
Kẻ lừa đảo không chỉ lừa gạt tiền bạc của nạn nhân mà còn là tình cảm, niềm tin, tinh thần và nhiều thứ khác. Điều này được phản ánh rõ nét qua phim tài liệu tội phạm có thật Kẻ lừa đảo trên Tinder. Nội dung phim xoay quanh Simon Leviev (tên thật là Shimon Hayut), kẻ lừa đảo hàng triệu USD của nhiều cô gái thông qua Tinder.
Nạn nhân đầu tiên của Simon là Cecilie. Anh ta từng bước chinh phục trái tim Cecilie cho đến khi cô hoàn toàn yêu thương và tin tưởng, rồi lừa đảo cô với số tiền 250.000 USD. Đây cũng là trường hợp không khó để bắt gặp ngoài đời, khi mà sự cả tin của người trẻ đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hơn một năm trước, N.H.H.U (sinh năm 2000, ngụ tại TP.HCM) đã có trải nghiệm tồi tệ khi làm quen và hẹn hò với H.T.T (sinh năm 1996) thông qua Tinder. Không chỉ giả mạo thông tin cá nhân ngay từ đầu, H.T.T còn thực hiện hành vi lừa đảo 8 triệu đồng của nữ sinh viên này.
Được biết, H.T.T đã 3 lần vay tiền bạn gái, lần lượt với số tiền 3 triệu, 3 triệu và 2 triệu, bằng cách đưa ra nhiều lý do khác nhau như mất ví, thẻ ngân hàng bị khóa... Sau khi phát hiện sự thật, N.H.H.U tìm đến phòng trọ của H.T.T nhưng không thể gặp được anh ta. H.T.T đồng thời cắt đứt mọi liên lạc với cô gái.
|
|
Bạn trẻ cần cảnh giác trước nguy cơ kẻ xấu dùng Tinder để lừa đảo - REUTERS |
Tương tự, đầu năm 2021, một tài khoản Facebook tên Chun Cha Na đã đăng tải bài viết trong nhóm “Date me date đi” về việc mình bị lừa mất 2 triệu đồng từ một người quen biết qua Tinder.
Ban đầu, T.A ngỏ ý mời nạn nhân làm mẫu ảnh cho bộ ảnh của mình với những lời “có cánh”, kèm theo khoản thù lao 300.000 đồng/buổi. Sau đó, T.A hỏi vay nạn nhân 2 triệu đồng tiền mặt và hẹn gặp mặt trực tiếp sẽ chuyển khoản lại cho nạn nhân. Khi đến địa điểm gặp mặt, anh rủ nạn nhân đi ăn, để nạn nhân vào trong trước còn mình thì đi gửi xe, rồi “cao chạy xa bay”.
Đến với tình yêu đời thực
Tinder vừa mang đến trải nghiệm tồi tệ lẫn tuyệt vời cho Thu Thủy (Hà Nội), nhưng cô không dựa vào trải nghiệm cá nhân để đánh giá cả một cộng đồng.
Thủy đã ngưng sử dụng Tinder từ năm 2018, để tập trung tìm kiếm tình yêu trong thế giới thật. Kết quả là, cô đã nên duyên và xây dựng tổ ấm hạnh phúc với anh chàng làm cùng công ty. Tuy vậy, đối với Thủy, mục đích ra đời của Tinder vẫn là tốt, giúp mọi người tìm kiếm những mối quan hệ trong cuộc sống.
“Mọi sự xấu xa, lừa lọc, gian dối trên đó hoàn toàn do người dùng tạo ra. Cho đến bây giờ, đối với tôi, Tinder vẫn là một ứng dụng có ích. Dù biết đến nhau qua đâu thì chúng ta đều phải gặp gỡ, tiếp xúc và tìm hiểu nhau trước. Việc ở bên người đó hay không lại là sự lựa chọn của mỗi người. Tôi tin rằng tình yêu thực sự luôn tồn tại, dù ở đời thực hay trên mạng”, Thủy cho biết thêm.
Từng sử dụng Tinder với mục đích kết bạn bốn phương, đặc biệt là tìm kiếm một nửa cho mình, nhưng giờ đây, M.Q.Q (sinh năm 2002, ngụ tại TP.HCM) lại xem ứng dụng này như một nơi để giải trí hơn là trông mong vào “phép màu” xảy đến.
“Việc hẹn hò trên các ứng dụng vốn “ảo” nhiều hơn thật. Tôi nghĩ bản thân nên học cách “nâng cấp” chính mình và mở rộng các mối quan hệ ngoài đời thật để tăng cơ hội tìm kiếm một nửa phù hợp”, anh chia sẻ.
Với anh, Tinder là con dao hai lưỡi vì sự tiện ích của việc hẹn hò đôi khi làm người trẻ nhanh chán yêu đương.
“Nếu bạn vội vàng đến mức nhắm mắt đưa tay cho một người lạ thì phải chăng giá trị của bạn trong mắt họ đã giảm đi? Tôi thấy Tinder rất đáng để trải nghiệm nhưng về lâu dài thì nó cũng chỉ là ứng dụng mua vui tạm thời”, Q.Q bày tỏ.
Theo thanhnien