Khi "ông con" tuổi 18 xin tiền mua điện thoại thông minh đời mới, chồng tôi nói: “Tự kiếm tiền mua đi! Rồi thằng anh nữa, lo mà đi làm thêm đi con. Sinh viên năm cuối rồi mà cứ xin tiền ba mẹ đổ xăng hoài”.

Nghe cha quát, hai thằng nhỏ "quíu": “Kiếm tiền sao ra ha ba?”. Chồng tôi tỉnh bơ: “Thì ra đầu ngõ, coi mấy cửa hàng tiện lợi gì đó, xin đi làm để dành tiền mua điện thoại xịn”.

Con muốn mua điện thoại đời mới nên quyết tâm đi kiếm việc (Ảnh minh họa)
Con trai tôi muốn mua điện thoại đời mới nên quyết tâm đi kiếm việc (Ảnh minh họa)

Quả thực là trước ngõ nhà tôi “nhiều việc” lắm, cửa hàng san sát nhau. Từ sau tết đến giờ, nơi nơi giăng biển cần người giúp việc, phụ bán hàng... tiêu chuẩn chung đều là “tuyển sinh viên”.

Một tuần sau đó, "ông con" lớn về nhà hớt hải báo tin: “Con trúng tuyển rồi!”. bà mẹ đang chưng hửng, không biết ổng dự tuyển gì, con thủng thẳng bảo là trúng tuyển chạy bàn ở quán thịt nướng gần nhà.

Cậu em nghe anh Hai làm ở quán thịt nướng, mắt sáng hẳn: “Vậy là anh hai ngon nha!”.

Lương 25 ngàn đồng một tiếng, ngày làm việc 8 tiếng nhưng việc học còn phải theo thời khóa biểu của trường, nên nửa tuần con đi làm ca sáng, nửa tuần thì làm ca tối. Mấy ngày đầu về, ngày nào "ông con" cũng tíu tít kể chuyện đi làm. Bữa than bị đứng mỏi chân, rồi ngay sau đó chàng tự an ủi: "Kệ đi, không đứng chẳng lẽ ngồi!”.

Bữa khác con về nói suýt bị đền tiền vì xuất phiếu tính tiền sai. Hôm khác con than không được ăn cơm vì bán quán đắt quá phần ăn nhân viên chỉ còn có bún…

Thấy anh Hai đi làm có vẻ phần khởi và… đơn giản, "ông em" cũng âm thầm cạnh tranh, chạy đăng ký ứng tuyển ở một tiệm phở nổi tiếng. Nhưng thay vị chọn chỗ gần đầu hẻm nhà như anh hai, "ông em" lại đi chọn cái quán xa nhà... 5km.

Nguyên nhân được bật mí: “Con phải đi xa xa như vậy mới có cảm giác… đi làm, với lại đi làm gần nhà quá, làm biếng lắm!”.

Nghe con tường trình là việc đăng ký đi làm xong hết rồi. Vợ chồng tôi cũng chỉ biết nín thinh chứ đâu dám bàn ra tiếng nào! Thế là nguyên cái tháng 9 vừa qua, để có mặt đúng 6 giờ ở quán, cùng đồng nghiệp mở cửa bán hàng, "ông em" phải lò dò thức dậy từ lúc mới hơn 4 giờ sáng, để đúng 5 giờ chạy xe đi. Sau đó, chưa tới 5 giờ 30, "ông anh" cũng lò dò thức dậy, đánh răng, rửa mặt, đóng bộ áo quần đồng phục lên đường làm… phục vụ bưng bê.

Mấy ngày đầu "ông em" hăm hở hệt "ông anh", đi về muốn hết hơi, vậy mà mặt mày tươi rói vì trải nghiệm lạ lẫm và thú vị. Ví như đồ ăn thừa của khách dù còn nguyên, nhưng các bạn phục vụ, nhân viên cũng không ai được đụng vào ăn mà phải tiêu hủy theo trình tự.

Ví dụ như không lấy giá cọng đuôi bị thâm đen ra bàn cho khách, dù nhìn qua vẫn như còn mới. Cũng có khi lỡ tay làm bể cái trứng lòng đào mà khách đặt hàng ăn kèm với phở, "ông em" được người quản lý cho ăn luôn SỐ trứng đó.

Ví như khi đã làm trên 3 tuần, bỗng một ngày quán có "lính mới", "ông em" đang được trưng dụng ở quầy lễ tân bỗng được đưa xuống dưới sân sau rửa chén, nhường sân cho chị quản lý huấn luyện các em lính mới.

Con nói: “Thân trai dặm trường”, vì vậy cả ngày con lúi húi rửa hết 10 thùng chán bát với hàng ngàn chiếc.

Chưa biết thu nhập hai "ông con" được bao nhiêu, tôi đã phải cho mỗi "ông con" vay sáu bảy trăm ngàn đồng sắm sửa đồng phục. Hai cái quán chúng chọn khác nhau đã đành, đồng phục cũng đối chọi, bên áo sơ mi đen quần tây sáng màu, còn một bên phải là sơ mi trắng dài tay mặc với quần tây hoặc jean đen…

Cứ sáng sáng, hơn 4 giờ, cha mẹ trung niên lại phải dậy sớm, khẽ khàng mở sẵn cửa nhà xe, sân trước, rồi mượn cớ đi nấu ấm nước, đợi nước sôi, pha cà phê uống.

Giả bộ vậy chứ thực chất là để thấy "ông con" nhỏ chạy ra khỏi cửa nhà, nhắc nó câu “Đi đứng an toàn nghen con” rồi mới tạm yên lòng vào ngủ tiếp, chờ "hiệp sau" tiễn thằng anh.

Hai "ông con" đi khỏi nhà “làm thử cho biết việc” đâu đó xong rồi tôi và chồng mới bắt đầu sửa soạn lên đường đi làm việc để mưu sinh thật sự.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những "phân cảnh" đó chỉ là khi các con vào ca sáng. Cha mẹ chỉ “đau đáu” nỗi lúc tiễn con đi làm. Bởi khoảng 2 giờ chiều tụi nhỏ tan ca về thì ba mẹ đang lao tâm khổ tứ với núi công việc ở cơ quan, chẳng còn thời giờ suy nghĩ lung tung gì khác.

Nhưng cái đoạn chờ các chàng trong ca tối mới gọi là... phấp phỏng đến vô cùng. Cũng giống ca ngày, vào ca tối, các "ông con" bắt đầu lúc 2 giờ chiều và đến 10 giờ đêm mới được rời “nhiệm sở”. Vậy là vợ chồng tôi cứ thay nhau, bữa chồng nằm coi điện thoại ở salon, vợ nằm ghế massage hay đứng máy chạy bộ. Bữa thì ngược lại.

Chẳng ai nói với ai câu nào, nhưng không ai dám bỏ lên lầu, bởi có lẽ lúc này trong lòng chồng hay vợ đều đã ngập tràn lo lắng: Không biết nay "ông em" bưng phở có bị nước bắn phỏng tay không? Nay "ông anh" có gặp lại cô khách người nước ngoài bám theo khen đẹp trai hay không? Rồi bữa thì trời mưa, hôm thì nơi đầu hẻm nghe kêu có cướp…  

Mừng vui đó, rồi thắc thỏm lo âu đó, là đủ các cung bậc cảm xúc mà vợ chồng tôi nếm trải trong những ngày cho con vào cuộc mưu sinh. Nghe vợ chồng tôi để con chạy bàn, các bà của hai con muốn trào nước mắt vì thương xót cháu: “Trời ơi, gì mà làm suốt từ sáng tới trưa tất tả chưa được 200 ngàn đồng nữa”...

Các con tôi đều hào hứng và đầy trách nhiệm với công việc của mình (Ảnh minh họa)
Các con tôi đều hào hứng và đầy trách nhiệm với công việc của mình (Ảnh minh họa)

Một tháng để con chạy bàn, phục vụ bưng bê, chồng tôi phát hiện cái bóp "ông em" có tấm thẻ ghi hai chữ thật to “Tiết kiệm!”. Còn phần "ông anh", hôm nhà có giỗ, em bận đi thi, ba bận đi dạy, chỉ mình con phụ mẹ nấu nướng, sắp đặt 3 mâm cơm với đủ món cho hơn 30 thành viên của đại gia đình. Vậy nên tôi nghĩ: nhà mình lãi lớn!

Theo phụ nữ TPHCM