Sau buổi đêm thức đến 1g sáng để hoàn thiện bài giảng mới, tôi khoe với chồng về cảm giác hạnh phúc và sung sướng. Nhưng chồng tôi, trong khi đang vừa cầm ly cà phê vừa lướt điện thoại, chỉ quay sang: “Thế à!”. Rồi anh quay lại với màn hình điện thoại, không nói gì nữa. 

Như rất nhiều lần nhận từ “ừ” của anh, mỗi khi thông báo về chuyện gì, tôi bỗng thấy chưng hửng. Tôi không cảm nhận được chút nào sự hưởng ứng và cổ vũ từ chồng.

Tôi đã nghĩ, anh sẽ hỏi kiểu như bài giảng đó về gì, làm như thế nào, có vất vả hay không, thức khuya mà phải dậy sớm thì sẽ mệt hay khuyên tôi nên tranh thủ nghỉ đi… Dù chỉ 1-2 câu cũng được, miễn anh mở lời để tôi có thể nói thêm điều gì đó về thành quả của mình. Rồi tôi lại băn khoăn, nếu anh chỉ hỏi cho có mà không có sự quan tâm nào thì tôi có thoát được cảm giác thất vọng của hiện tại hay không?

Ảnh mang tính minh họa - Master1305
Ảnh mang tính minh họa - Master1305
 

Câu trả lời tất nhiên là không. Nhưng đời sống hôn nhân của tôi vốn đã bước vào giai đoạn mà chỉ cần 1 câu nói hay hành động nào đó từ chồng, tôi sẽ tự soi gương nhìn lại bản thân.

Tôi nhớ có lần, vợ chồng tôi nhắc đến chuyện gì đó. Anh mở điện thoại ra, cho tôi xem bức ảnh anh báo cáo trong một hội thảo. Tôi đã rất ngạc nhiên với hình ảnh anh đứng phía sau bục gỗ, tay cầm thiết bị trình chiếu slide và tự tin nói trước một khán phòng đông kín người. 

Chiếc áo sơ mi anh mặc rất quen thuộc, nhưng phong thái đĩnh đạc và chuyên nghiệp đó lại khiến tôi thấy xa lạ quá. Người đàn ông thường ngày vẫn chỉ mặc chiếc áo thun, quần đùi vải đứng rửa chén, đi đổ rác, dạy con học, bị vợ khơi mào cãi vã từ những chuyện tủn mủn lại đang đứng kia với những nghiên cứu khoa học mang tầm vĩ mô.

Trong giây phút đang ngạc nhiên và ngưỡng mộ về chồng mình, tôi nói với anh: “Chà, chồng mình báo cáo nhìn oách quá nhỉ! Sao anh chưa từng nói với em về buổi báo cáo này hay khoe với em mấy ảnh này?”. Chồng tôi có vẻ cũng bất ngờ khi tôi hỏi vậy, anh nói: “Em cũng quan tâm mấy cái này sao? Trước đây, anh có nói về báo cáo hay hội thảo nào, em cũng đâu thể hiện gì”.

Tôi nhận ra câu nói vô cảm “thế à!” của chồng trước niềm vui của tôi đâu chỉ xuất phát từ một phía. Đã nhiều lần, mỗi khi chồng nói về việc cần phải dậy sớm đi dự cuộc họp hay báo cáo, tôi cũng chỉ ừ hử kiểu ghi nhận thông tin vậy thôi. Như sự kiện trong bức ảnh anh cho tôi xem là đã cách đây 3 tháng. Anh từng nói với tôi nó rất quan trọng, nhưng tôi chỉ hỏi “thế mấy giờ anh xong để về nhà?”.

Tôi cũng bắt đầu thấy thêm phần… xa lạ và ngưỡng mộ chồng mình hơn khi anh cho tôi xem một loạt những nghiên cứu, những bài báo anh từng viết để đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Vậy mà tôi đã luôn phớt lờ và điều duy nhất tôi nghĩ chỉ là “vậy thì thu nhập có tăng lên không?” hay việc nhà thì sắp xếp ra sao, mình sẽ bị ảnh hưởng thế nào.

Có lẽ chồng tôi cũng đã từng trải qua rất nhiều lần chưng hửng trước sự vô tâm của vợ, bởi tôi cũng chưa từng hỏi xem những khi anh thức đêm để “chạy deadline” thì có kịp hay vất vả gì không. Lẽ ra tôi cũng phải hiểu rằng khi anh nói với tôi về một sự kiện nào đó trong công việc của anh là cũng có mong muốn được chia sẻ. Đó có thể là cơ hội để chúng tôi chuyện trò, cổ vũ hành trình riêng của nhau, nhưng tôi đã luôn từ chối một cách thẳng thừng. Cho đến khi anh cũng không còn nhu cầu chia sẻ. Chúng tôi như 2 đường thẳng song song chỉ dính mắc bởi việc nhà.

Nghĩ sâu hơn một chút, tôi đã không ít lần giận dỗi, đòi hỏi anh nên dành nhiều thời gian cho gia đình; nhưng đời sống hôn nhân đâu phải chỉ quy vào những chuyện như mấy giờ về, sáng mai ăn gì, con học hành thế nào… Những vụn vặt hóa ra có thể kìm hãm sự phát triển của một mối quan hệ nếu chúng ta chỉ lấy nó để ràng buộc nhau.

Tiếng nói chung không chỉ đến từ những trao đổi trong việc nhà, chuyện nuôi dạy con cái. Tiếng nói chung còn là sự cổ vũ, ghi nhận nhau trong sự nghiệp riêng. Dù khác biệt về chuyên môn, người bạn đời vẫn có thể trở thành một người lắng nghe tốt nếu có sự chú tâm. “Nếu việc này quan trọng với chồng thì cũng quan trọng với tôi”. Tôi bắt đầu đặt ra nguyên tắc ấy. Nếu chồng nói ngày mai anh cần đi công tác sớm, tôi sẽ lùi câu hỏi “thế anh nghĩ em đưa con đi học kiểu gì?” lại một nhịp để hỏi anh đi đến đâu, có cần chuẩn bị gì thêm không. Nếu chồng nói anh vừa gặp ai đó để bàn công việc, thay vì “vâng” cho qua, tôi sẽ hỏi kỹ hơn xem anh có thấy thú vị và sẽ phát triển thêm ra sao…

Tôi sẽ hỏi anh kỹ hơn về những niềm vui trong công việc, để cùng nhau chúc mừng sự phát triển của mỗi cá nhân. Và tất nhiên, tôi cũng tập chia sẻ với anh về công việc riêng của mình, để thi thoảng được anh đưa ra lời khuyên tôi cần. Gác lại tự ái sau câu “thế à!” của chồng, tôi nói với anh: “Bây giờ em mới hiểu cái cảm giác căng thẳng để “chạy deadline” của anh hôm trước đấy. Chắc anh cũng mệt lắm nhỉ?”.

Chồng tôi ngạc nhiên, đặt điện thoại xuống. Rồi anh nói về những điều đang căng thẳng trong công việc. Tôi đã biết, muốn được lắng nghe, tôi cần học cách lắng nghe. 

Theo phụ nữ TPHCM